MỤC LỤC BLOG

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Xếp hàng MUA VÉ XE (chuyện xưa chưa cũ)

TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet

Kết quả hình ảnh cho xếp hàng mua vé xe thời bao cấp

            Sau 1975, đi xe  đò về quê. Vào bến xe Huế, tìm xe Quảng Trị nhảy lên nhưng bị đuổi xuống bảo đi mua vé. Té ra  ở bến xe có phòng bán vé, mình quen tùy tiện cứ thấy xe thì nhảy lên đi như trước đây, đúng là không văn minh bằng.

            Nội chuyện mua vé xe tuyến huyện - tỉnh đã gay go. Bảy giờ xe chạy thì 4-5 giờ  sáng phải có mặt sắp hàng, mỗi lần đi phải thức khuya dậy sớm phờ người. Có nhiều người mua không được phải  ra khỏi bến xe một đoạn để đón, có một ông vốn là bộ độ đặc công  lặng lẽ leo lên trần xe nằm ém người, xe ra khỏi bến một đọạn mới  la lên báo cho tài xế biết. Trong bến kiểm chặt nhưng ra khỏi bến thì tài tha hồ chở, có điều với giá cắt cổ, ưu tiên chở những con buôn có hàng, cứ lo nhang đèn là qua trạm kiểm soát êm ru.


            Sắp hàng ở bến xe thường đứng nối đuôi rồng rắn, đứng được trong hai khung song sắt mới chắc mua được vé. Nhiều khi bán mới nửa chừng, phòng vé hô hết vé. Hành khách nhao lên sao mới bán hơn chục vé đã hết. La gào thắc mắc cứ việc, không ai nghe và chẳng ai giải quyết. Tiền bạc không có, kẹt lại một hai buổi thì ăn ở vào đâu, cay cực vô cùng!

            Ở bến xe liên tỉnh càng dữ dội, nhất là bến xe Miền Đông (Sài Gòn), khách đi phải sắp hàng từ chiều, qua đêm, đến sáng hôm sau để mua vé. Thường thì đứng, đến khuya, mọi người mệt mỏi  để đồ đạc tại chỗ và ngồi qua bên cho thong thả một chút. Cũng chính thời điểm này, dân phe vé đâu cả hàng chục đứa ào vào hô sắp hàng và đứng choán hết chỗ. Quớ lên mà tìm giữ đồ đạc và lủi thủi lui về cuối cùng, công sắp từ chiều thành công cốc.

            Một lần, trời mùa hè, sắp hàng giữa sân từ trưa hôm trước đến trưa hôm sau chưa mua được vé từ Huế và Đà Nẵng, tôi mạnh dạn gom giấy tờ của những người còn lại vào gặp tay trưởng bến trình bày xin xác nhận và đề nghị ưu tiên cho mua vé sáng hôm sau nhưng y bảo đây không phải là việc của anh, muốn mua thì cứ sắp hàng, và mời ra ngoài. Tôi cay đắng:  Xưa vô sản AQ “đi đầu hàng cách mạng” không được, nay cách mạng về, mình xin đưa tay xin “làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa” cũng bị chửi vào mặt.

            Lúc đầu người ta chia ra ba thành phần theo ba hàng để ưu tiên: Ưu tiên 1 là thương binh, gia đình liệt sĩ. Ưu tiên 2 là cán bộ đi công tác. Ưu tiên 3 là nhân dân có giấy phép của chính quyền địa phương. Dân còn lại thuộc loại “ưu tiên chót”. Vé bán chưa đủ cho cán bộ, đến dân  là chuyện cực kì gay go, loại ưu tiên 4 này chỉ có nước ra đường đứng vẫy cho nhà xe cắt cổ thôi.

Bị dân xì xào kêu la rằng không có dân làm sao có cán bộ, cán bộ là đầy tớ dân, không dân cán bộ dựa vào đâu, về sau người ta bán cho ưu tiên 1 trước, sau đó cứ bán 2 vé cho cán bộ (ưu tiên 2) thì bán 1 vé cho dân (ưu tiên 3). Cũng vì thấy dân giáo viên tội nghiệp quá nên có địa phương như tỉnh Hậu Giang cho lên hàng ưu  tiên 1 như thương binh với điều kiện có thẻ. Thế là người ta đua nhau làm thẻ giáo viên  để mua vé xe!

            Sắp hàng, chen lấn đến mức hỗn loạn cũng là cơ hội cho bọn bán vé và phe vé đục nước béo cò. Năm 1985, thanh niên xung phong  được giao quản lí bến xe Miền Tây (Sài Gòn), một sáng kiến giúp  người mua vé đỡ sắp hàng chen lấn là người kiểm soát ngồi sẵn, ai tới thì xem giấy tờ và dùng bút bi ghi số thứ tự và kí một chữ vào lòng bàn tay (dưới ngón cái). Sau đó, hành khách có thể đi ăn uống nghỉ ngơi, nhớ không được rửa tay hoặc cầm nắm cọ xát, mất chữ là nguy. Giữ tay, chờ đến giờ thì vào đưa lòng bàn tay ra cho người bán vé xem và mua vé. Nghe đâu sáng kiến thô sơ như thời nguyên thủy này cũng phải đổi bằng máu.

            Cầm trên tay cái vé, giai đoạn gian nan nhất đã qua, thở phào một cái nhẹ người.

            Sắp hàng là biểu hiện của văn minh, biết thế nhưng phải trong một môi trường xã hội trong sáng và công bằng không cửa lách của hậu, không nhất thân nhì thế chứ  trong một môi trường đảo điên, thật thà chính trực hóa khờ thì khó tránh chuyện lộn xộn. Trong mớ hỗn loạn xếp hàng mua vé chuyện yêu người, lòng vị tha hầu như biến mất, giáo dục nhồi nhét bao nhiêu đến ra bến xe cũng quăng hết, chân chính cũng dễ thành bất chính, đàng hoàng cũng dễ hóa ma lanh.



2-2015


         

           

1 nhận xét:

  1. fACEBOOK:
    25 Nganhoa Phung, Phuc Tran and 23 others -4 Shares

    Nguyễn Thị Lợi Mua vé xe , một thời kinh hoàng !

    Nguyen Hue Nguyen Bửa nay hết tình trạng đó rồi thím hè

    Dai Tran cục gạch giữ chỗ thay người

    Khoa Thai Nếu nước biển làm mực , trúc nam sơm làm ngòi thì viết chưa hết chuyện sau. 75 .

    Van Long Hung Cực nhất là BXMĐ Sài gòn, xếp hàng từ 4 giờ sáng, may cha mua được vé về Q. Trị. Đi đường còn phải dừng ở các trạm QLTT soát xét chờ lâu ơi là lâu.
    Khi đi vô, nghe nói BX Quảng Ngãi làm ăn đàng hoàng, mình thử đi vô QNg mua thử, đúng vậy, ở đây tổ chức khá tốt, cứ xếp hàng, nhân viên mở cửa bán vé, nếu hết tài, người ta vẫn bán vé nhưng hẹn ngày mai đi tài số mấy ghi trong vé, khách yên tâm đã có vé trong tay, kiếm chỗ trọ nghỉ ngơi mai đến bến, nhìn số tài trên xe đi TP HCM là lên xe đi vô.

    Hồ Hạnh Bây giờ đếch còn thằng nào ngu mà xắp hàng nữa vừa mất thời gian lại công cốc cứ ra đường vẫy xe là song nhanh lẹ đc việc

    Trả lờiXóa