MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Phù thủy GIÁO DỤC (chuyện xưa chưa cũ))


TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet

Kết quả hình ảnh cho gọi rắn ấn độ
          Sau 1975, là sinh viên năm thứ IV Đại học sư phạm trong nhà trường cũ, chúng tôi học tiếp 1 năm  rồi ra trường.

            Thú thật, trường cũ  chú trọng chuyên môn, không rềnh rang    thuyết giáo dục, nay bị ngợp về lí luận giáo dục xã hội chủ nghĩa ưu việt nào nguyên lí, phương châm, mục tiêu, phương pháp…quá tải. Rồi thì ca ngợi giáo viên nào là kĩ sư tâm hồn, dạy học là nghề cao quý nhất trong mọi nghề cao quý, giáo dục là quốc sách hàng đầu nghe muốn lên mây…

            Kĩ càng bài bản, không chê, không bẻ vào đâu được, tưởng mọi sự được an bài tính toán đâu đó cả rồi ai ngờ một thời gian bung tòe loe.

            Trước đây trong Nam có bậc tiểu học và bậc trung học (đệ nhất cấp và đệ nhị cấp), ngoài Bắc  gọi là cấp 1, cấp 2, cấp 3- gọi thế cũng không hại gì. Bỗng quyết định nhập cấp 1 và cấp 2 thành trường phổ thông cơ sở gây nên tình trạng  trường không ra trường, lớp không ra lớp, thầy không ra thầy, trò không ra trò- Trường ốc như cái “ràn bò” thiếu phòng thiếu lớp, sân trường thả vịt nuôi heo, buôn bán loạn xạ thành chợ trường, giáo viên tiểu học (dạy toàn cấp) lẫn lộn với giáo viên bộ môn, nhiều trường lấy giáo viên cấp 1 (trình độ lớp 6-7) dạy học sinh cấp 2 (lớp 6- 9) người ta gọi là cơm chấm cơm (có người còn mỉa mai cháo chấm cơm- trình độ thầy không bằng trò nhưng cứ dạy), thầy không ra thầy hỏi trò làm sao ra trò? Sau này mới bung ra chuyện ngồi nhầm lớp, học sinh lớp 6-7 không biết đọc, sáng học lớp 6 chiều ôn tập học vần lớp 1, di họa bao thế hệ.

            Nghề thầy giáo rẻ mạt, chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm, yếu kém mới vô ngành này. Thiếu giáo viên nên phải quơ vào ào ào, đào tạo đủ loại cấp tốc: Cấp tốc huyện (10-15 ngày), cấp tốc tỉnh (1-2 tháng), lớp 9 + 1 hoặc lớp 12 + 1 (1 tháng hoặc 1 năm). Cấp tốc  lung tung  dạy dỗ tùm lum, rối loạn giáo dục bấy giờ mới đào bồi chuẩn hóa cào cào. Lương tiền không ra gì, giáo viên người nào cũng phải bôn ba đủ nghề:  Làm ruộng, chăn nuôi, chạy chợ, đạp xe ôm, bán vé số…, bị bắt bị dọa thì đi, đi bồi dưỡng chủ yếu là cho có mặt đánh trống ghi tên  rồi túm tụm nhậu nhẹt tán gẫu chứ tâm sức tinh thần đâu mà học. Kế hoạch chương trình bồi dưỡng chuẩn hóa hao tiền tốn của cũng chỉ như muối bỏ biển, hợp thức hóa sự đã rồi.

            Chuẩn chuyên môn vừa phải chuẩn trình độ văn hóa, giáo viên phải hoàn tất chương trình phổ thông 12, thế là học chụp học giựt, có dại mà không quay cóp thế là thầy giở đủ thứ ma mánh. Học hành thi cử bổ túc như cảnh đại loạn, có nơi quét phao thi cân được hàng chục kí. Xong bổ túc 12 rồi nhiều người học cử nhân, đại học. Nào cử nhân chính trị giáo dục, cử nhân quản lí giáo dục, cử nhân tiểu học, cử nhân các bộ môn, sau này là thạc sĩ… dưới hình thức tại chức, từ xa tùm lum tà la đủ thứ mánh khóe nào quay cóp, xin đề, chạy điểm, thuê làm bài… Các trường đại học ở Hà Nội, Huế thừa cơ mở lớp, xả dàn bán bằng kiểu sắp hàng dán nhãn. Có giảng viên chân ướt chân ráo đến địa phương đã gợi ý ăn nhậu quà cáp, bóng gió tiền bồi dưỡng, trâng tráo thô bỉ đáng khinh hơn bọn ma lanh mãi lộ, đáng tởm còn hơn lũ quỷ sứ chợ búa.

            Đào tạo bồi dưỡng làm cho phát triển thăng hoa đâu thấy mà biến con người giáo viên dù còn yếu kém nhưng ít nhất vẫn trung thực thành con người đầy mình mưu mánh xảo bịp.

            Bút Nguyên Tử  có câu thơ châm loạn cảnh đào tạo: Phù thủy mà luyện âm binh- Âm binh lên lại mặc tình múa men. Phù thuỷ sai âm binh lên rồi trấn áp không xuể, âm binh không chỉ múa  men mà  nhảy lên lãnh đạo quản lí, làm phù thủy luôn- đặc biệt dân lãnh đạo từ thành tới huyện toàn cỡ tại chức chuyên tu. Có người ngán ngẩm: Thế tại chức thế cao tu- Gặp thời thế thế thời phải thế! Sợ thay!



4-2015

1 nhận xét:

  1. Facebook- Like: 17 Đình Nguyên, Bui Vo and 15 others

    Võ Quý Sỹ Lãnh đạo dốt xây dựng quốc sách dốt .Nên sinh ra nhiều dốt là phải .

    Trả lờiXóa