MỤC LỤC BLOG

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

RĂNG (chữ nghĩa)




TIỂU HÙNG TINH
 Ảnh internet

Răng: Phần xương cứng màu trắng mọc trên hàm dùng để cắn, giữ và nhai thức ăn. 32 răng ở người chia làm răng cửa, răng nanhrăng hàm (răng cấm). Trẻ con mọc răng sữa sau đó thay răng và mọc răng khôn cho đến già. Có lắm thứ bệnh về răng nào sâu răng, siếc răng cũng hành cho khốn khổ-  nhất đỏ mắt nhì chắt (nhức) răng. Phải bảo vệ bằng cách bảo vệ men răng,  xỉa răng, đánh răng hàng ngày.

Răng là phần quan trọng của con người- cái răng cái tóc là vóc (góc, gốc) con người. Răng gắn với nụ cười nên là nơi con người chú ý để làm đẹp, thể hiện phong tục tập quán dân tộc. Người Việt xưa có tục nhuộm răng đen, có hàm răng đen rưng rức là tuyệt. Trong mười thương thì cái thương thứ tư thuộc về răng: Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua (Ca dao). Trong bài hịch đánh quân Thanh, vua Quang Trung đã viết: Đánh cho để dài tóc- Đánh cho để răng đen- Đánh cho nó chích luân bất phản- Đánh cho no phiến giáp bất hoàn . Đánh giặc để giữ tục răng đen, một truyền thống dân tộc.  Phải đến đầu thế kỉ 20, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, người Việt mới bỏ tục nhuộm răng đen. Có một thời, nhiều người cũng cạo răng bọc vàng để có cái răng vàng, cười sáng chóe. Một số dân tộc ở Tây nguyên còn có tục cà răng căng tai. Và nhỡ có bị hư, bị gãy thì người ta cũng khẩn trương trồng răng giả nhất là răng cửa để cười.
 Lưu ý, những động tác về răng không khéo cũng bị chê như nhe răng, nhăn răng, bằng chứng về đớp chác tham ô gọi là dấu răng. Thành ngữ trên răng dưới dép mỉa mai sự rách nát khốn khó xuất hiện từ sau 1975. Người ta còn dùng răng để chơi chữ. Ở  khu bốn, nói không sao đâu thì bảo là không răng mô. Có ông khách Nam bộ ghé nhà một người Huế chơi, con chó xộc ra sủa. Khách sợ, lùi lại nhưng chủ nhà đon đã: Mời bác vô chơi, không răng mô! Ông khách cự nự: Nó nhe cả hai hàm nhọn hoắt thế mà bảo không răng à. Hừm! Có một bài ca dao châm biếm: Bà già đi chợ Cầu Đông- Bói xem một quẻ có chồng lợi chăng- Thầy bói gieo quẻ bảo rằng- Lợi thì có lợi nhưng răng không còn. Người ta đánh tráo từ lợi hại thành răng lợi để gây tiếng cười. Lại còn có chuyện anh chàng nọ vừa đánh răng vừa huýt gió được. Hỏi sao tài thế? Bảo tài gì đâu, y mang răng giả mà!

Răng đã đi vào văn họ dân gian. Thành ngữ như môi với răng, môi hở răng lạnh chỉ sự ràng buộc, tùy thuộc vào nhau một cách hữu cơ, do vậy phải đoàn kết xem như một tất yếu để tồn tại. Răng cắn phải lưỡi chỉ  việc anh em  xâu xé nhau. Trong hôn nhân người ta cũng chúc nam nữ sống hạnh phúc đến răng long đầu bạc. Mặt xanh nanh vàng chỉ trạng thái bệnh hoạn. Răng trắng như ngà mới  biểu hiện sức khỏe tốt  và biểu hiện cái đẹp, cái tình: Hàm răng em trắng như ngà, con mắt em liếc như là dao cau- người đẹp vừa cười vừa liếc tình hỏi đất trời nào chẳng xiêu! Hàm răng đẹp càng gây ấn tượng mạnh về tình yêu: Mình về có nhớ ta chăng- Ta về ta nhớ hàm răng mình cười (Ca dao).

                                                            3- 2011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét