MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Một cách hiểu khác về bài ca dao ĐI CẤY


TIỂU HÙNG TINH
(Đã đăng trên Văn nghệ TRẺ số 14 (2287)- tháng 4/2001)
Ảnh internet
 Người ta đi cấy lấy công
 Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
 Trông trời trông đất trông mây
 Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm
 Trông cho chân cứng đá mềm
 Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng

Bài ca dao trên được đưa vào dạy ở chương trình lớp 4. Điều chúng tôi băn khoăn ở đây là việc giải thích, hướng dẫn và cách hiểu trong sách giáo khoa.

Ở đây, “trời êm bể lặng” được người viết sách giải thích: “Thành ngữ chỉ mưa nắng thuận hòa”. Thực ra, thành ngữ này chỉ cảnh thái bình, không có giặc giã (Giặc giã là một trong bốn mối họa mối nguy của xã hội: Thủy (lụt lội), Hỏa (hỏa hoạn), Đạo (trộm cướp), Tặc (giặc giã)). Hơn nữa, câu 3 và câu 4 trong bài đã nói về thời tiết, câu 5 nói về sức khỏe, không lẽ câu 6 lặp ý thời tiết. Bài ca dao đâu có vụng như vậy!
Trong phần Tìm hiểu bài, sách đặt câu hỏi: “Ở đây có hai người đi cấy, một người đi cấy thuê, một người đi cấy ruộng cho mình. Em có thể biết điều đó qua những câu thơ nào?”.
Trong này có các nhân vật “tôi” và “người ta”. Câu hỏi cho rằng có hai người đi cấy,  hẳn gì hai người! “Tôi” là một còn “người ta” – cách nói phiếm chỉ-  thì có thể là một hoặc nhiều người chứ! Theo tôi, “cấy lấy công” có thể là cấy thuê ăn tiền công (hoặc lấy gạo, lúa)  mà cũng có thể cấy vàn công,đổi công (cấy ruộng cho người khác và người ta sẽ cấy trả  hoặc làm trả một việc nào đó cho mình). Không nên chỉ bó hẹp vào một cách nghĩ. Người viết sách cho rằng “tôi” trong bài là chủ ruộng đi cấy ruộng nhà còn “người ta”  là người cấy thuê.  Cũng là đi cấy nhưng người cấy ruộng nhà  (tôi) thì lo lắng còn người cấy thuê (người ta) thì khỏi lo lắng trăn trở gì… Cách hiểu thế này làm chúng tôi băn khoăn vì cách hiểu nghèo  nàn, tầm thường, gây cho học sinh hiểu lệch lạc bài ca dao. Tại sao “tôi” trong bài chỉ là chủ ruộng mà  không phải là người cấy thuê?  “Người ta” cấy thuê đã đành, “tôi” cũng có thể là người cấy thuê nữa chứ!
Xưa nay, người làm thuê  than thở với chủ: “Từ nay tôi cạch đến già- Tôi chẳng dám cấy ruộng bà nữa đâu- Ruộng bà vừa xấu vừa sâu- Vừa bé hạt thóc vừa lâu đồng tiền”.  Chuyện chủ than thở tị nạnh với người làm công, so bì với người làm công rằng họ  khỏi phải lo lắng gì còn mình thì lo đủ thứ. Hóa ra làm công , làm thuê sướng hơn làm chủ sao? Nếu thế sao không bỏ ruộng, bán ruộng mà đi cấy thuê cho đỡ phải lo lắng.
Nếu hiểu “tôi” là ngươi cấy ruộng nhà so so đo vời “ngươi ta” cấy thuê thì bài ca dao giảm hẳn giá trị, trở thành chuyện trớ trêu tầm thường, không khỏi ngược đời.
Thế nên hiểu thế nào? Nên hiểu “tôi” cũng là người đi cấy ruộng cho người khác (có thể cấy lấy công, đổi công, vàn công…). Cách hiểu này cao hơn, phù hợp với tâm đức của người đi cấy hơn, “người ta” cấy lấy công còn “tôi” cũng đi cấy  nhưng không chỉ để lấy công mà “tôi” còn còn cả tấm lòng trăn trở lo lắng, “tôi” có nghĩa lí cao thượng hơn. Dù cấy ruộng nhà hay cấy ruộng người, cầm nắm mạ cắm xuống đất không phải chỉ đơn giản có thế mà họ cấy cả tấm lòng và mong ước của mình. Người thợ cấy gửi  gửi vào đó cả nỗi ước mong, mong sao lúa trổ bông đấy, nặng hạt, mùa màng bội thu…
Họ không phải là cái máy làm việc cho người khác mà biết chia sẻ với người khác bao nỗi lo toan. Tâm tình cao thượng này vốn cũng rất bình thường trong xã hội, bình thường với người nông dân.
Và hơn nữa, qua chuyện đi cấy, để gởi gắm bao mong ước không chỉ riêng một người nào  mà là mong ước của toàn xã hội: mưa nắng thuận hòa, chân cứng đá mềm, đất nước yên bình.
            Trong một xã hội nông nghiệp, một xã hội sống nhờ cây lúa, bát cơm quyết định cuộc sống thì đi cấy, lúc cắm cây mạ xuống ruộng, cái thời điểm giao hòa  giữa lúa, đất và người chính là lúc khởi sự của quá trình tạo ra cuộc sống. Và do vậy, bao nhiêu âu lo, trông chờ, cầu mong đều được người nông dân gửi gắm vào đó.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét