MỤC LỤC BLOG

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

ĐẤT (chữ nghĩa)


TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet
Kết quả hình ảnh cho đất lành chim đậu
          Quan niệm xưa cho rằng người do kết tụ âm dương, do trời (dương) đất (âm) sinh ra: cha trời mẹ đất, trời sinh đất dưỡng. Thậm chí kẻ quấy phá không coi ai ra gì  bị mắng là làm trời làm đất. Thuyết tam tài (thiên địa nhân) đề cao vai trò con người, xem con người là kết quả sự tụ kết hòa nhập  và sánh ngang trời đất : “Trời đất sinh ta có ý không? Chưa sinh trời đất cóp ta trong. Ta cùng trời đất ba ngôi sánh. Trời đất cùng ta một chữ đồng”(Trần Cao Vân). Con người kiêu hãnh đầu đội trời chân đạp đất, “Đội trời đạp đất ở đời” (Kiều) Con người lớn lên từ đất và cuối cùng  thân cát bụi trở về với cát bụi, nằm sâu dưới ba tấc đất.

            Đất không những gắn bó mà còn thiêng liêng đối với người. Tín ngưỡng dân gian còn thờ ông Địa (Thổ công, Thổ thần) xem như vị thần cai quản ngũ phương ngũ thổ. Nói đất có thổ công sông có hà bá cũng như nói rừng nào cọp nấy, ám chỉ thói cục bộ địa phương mà bây giờ người ta hay mỉa là thuyết tại chỗ.  Trong một số tôn giáo, người ta còn xem vùng đất phát tích  giáo chủ là vùng đất thánh (thánh địa), nơi xuất phát của  dân tộc hoặc tổ tiên là đất tổ. Đây là những nơi người ta hành hương, hướng vọng.
            Cũng vì xem đất là nơi trở về yên nghỉ vĩnh viễn của con người, ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của đời sau nên người ta xem trọng việc chọn đất, lựa thế đất mà cất mồ mả… Những người chuyên làm nghề này được gọi là thầy địa lí. Ngày xưa người theo nho học cũng thường học thêm y (bốc thuốc chữa bệnh), lí (địa lí), số (coi đoán tướng số). Thôi thì mắc sức thầy phán nào kiết (tốt) nào phát nào sát, long mạch,vượng thủy…Dân gian mỉa: Hòn đất mà biết nói năng, thì thấy địa lí hàm răng không còn.
            Thời quân chủ chuyên chế, đất là của vua: đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt. Ngày nay, ở nước ta, đất đai do nhà nước quản lí, dân chỉ được quyền sử dụng, không có quyền tư hữu làm nảy sinh vô số vấn đề tiêu cực nan giải. Dân mất đất nhưng cán bộ khối đất, mới có chuyện cán bộ 2Đ (đất và đô). Đất hẹp người đông, tấc đất tấc vàng nên xảy ra nạn sốt đất nhất là thành thị. Lắm người không có cục đất chọi chim, không miếng đất cắm dùi trái lạ có kẻ thành tỉ phú nhờ đầu cơ, chiếm dụng đất.
            Ở nông thôn, nông dân sống bằng nông nghiệp, đất không chỉ là nơi ở  mà là nơi sản xuất. Gặp vùng đất cằn sỏi đá, chó ăn đá gà ăn muối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời quanh năm suốt tháng còn không  đủ sống. Cảnh thiếu đói thất bát  thiếu đường cạp đất mà ăn. Có đất mà thất mùa lỗ vốn lắm khi phải sang bán, cầm cố để trả nợ, lắm người phải lang bạt ra thành thị, trôi nổi nơi đất khách quê người mà kiếm sống.
            Đất lành chim đậu vừa nói đến vượng khí của đất vừa nói đến vùng có tập quán tốt đẹp có sức thu hút níu giữ chân người, nơi con người có đất dụng võ. Cuộc sống yên bình, vùng đất hiền hòa không có tệ nạn xưa gọi là đất cam thảo dân lão thần (Cam thảo: vị thuốc ngọt trong đông y, dân lão thần thể hiện sự trung tín, gắn bó với chế độ).
            Đất nuôi người, người gắn với đất, đất trở thành đất nước quê hương, đất trở thành một  phần cuộc sống, một phần tâm hồn con người.
           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét