TIỂU HÙNG TINH
ảnh internet
Tề và Trịnh kình địch, luật pháp nước Trịnh quy định ai trốn qua Tề sẽ bị phạt cùm chân mười năm, ai giúp kẻ khác trốn qua Tề sẽ bị cùm chân năm năm.
Lần nọ, nghe Trần Ất ngọt nhạt dụ dỗ, Đức Giáp đánh bạo giúp y trốn qua Tề. Ất đi trót lọt riêng Giáp bị quan quân bắt, chiếu theo luật nước Trịnh, bị cùm năm năm.
Ất qua Tề, được Tề vương trọng dụng. Khi hai nước hòa hoãn lại được cử làm sứ giả qua Trịnh giao hảo. Ất sứ giả được Trịnh vương tiếp kiến. Biết Ất vốn xuất thân nước Trịnh nên càng ưu ái trọng thị, cấp cho nghi vệ tiền hô hậu ủng về thăm quê đễ viếng thân thuộc họ hàng, tế cáo tổ tiên. Ất về đến quê, tìm viếng ân nhân mới hay Giáp còn tại ngục nên ghé thăm. Giáp nằm trong khám, ngày ngày được giáo dục cải tạo nên giác ngộ cao, thuộc bài làu làu, ăn năn hối lỗi, hối hận việc mình đã làm và càng căm ghét những kẻ qua Tề nên vừa ngó thấy Ất đã nổi cơn lôi đình xỉ mắng, xông tới định nhổ vào mặt. Hoảng quá, bọn lính hộ vệ túa ra làm hàng rào chặn lại, vội vàng rước Ất sứ giả quay gót. Bọn cai ngục cũng xộc vào đấm đá túi bụi rồi quật Giáp xuống đất, nhét giẻ vào miệng.
Vụ việc gây chấn động, Giáp bị xếp vào loại tội phạm nguy hiểm, bị hình quan nước Trịnh xử thêm tội xúc phạm sứ thần thượng quốc gây ảnh hưởng xấu đến tình hữu hảo hai nước, ngoài hình phạt cùm chân còn gánh hình phạt gông cổ thêm mười năm.
Khi hai mảng gông sắp đóng cốp lại, hỏi còn muốn “trối trăng” gì nữa không, Giáp nghẹn ngào chua chát:
- Xin nhắn vợ nhà gửi cho thật nhiều giấy bút.
- Để làm gì?
- Để ghi chép mà học bài cho thuộc.
11- 2012 (2006vl)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét