MỤC LỤC BLOG

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

BI KỊCH THÚY VÂN

NGUYỄN VĂN HÙNG
ảnh internet
Kết quả hình ảnh cho thúy kiều và thúy vân

Trong “Đọc lại Truyện Kiều”, nhà văn Vũ Hạnh có nhận xét  dí dỏm và độc đáo rằng Nguyễn Du tả Thúy Vân “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” là chỉ vẽ lông mày, chưa vẻ mắt. Phải đến Thúy Kiều “Làn thu thủy, nét xuân sơn”, Nguyễn Du mới thực sự điểm nhãn.

Nói Thúy Vân không “mắt” cũng chẳng oan. Buổi ba chị em đi Thanh minh, trong cảnh “Cỏ non xanh tận chân trời…Ngựa xe như nước áo quần như nêm”- trời đẹp, người vui bỗng gặp chỗ “Sè sè nấm đất bên đường, Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” (mộ Đạm Tiên), Kiều ngạc nhiên hỏi tích sự. Vương Quan mới dẫn giải thân phận một nàng ca kĩ tài hoa dậy tiếng một thời nhưng bạc mệnh. “Lòng đâu sẵn mối thương tâm, Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa”. Mối cảm thông tự nhiên từ trong tâm khảm, tận chốn sâu thẳm lòng mình dậy lên, Kiều khấn vái, làm thơ vẫn không sao vơi nỗi thương tâm “Lại càng ủ dột nét hoa, Sầu tuôn dứt nối châu sa vắn dài”. Thế mà nàng Vân cứ trơ trơ ra lại còn mỉa mai “chị cũng nực cười, Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.” Rõ là không “mắt”, vô tâm đến thế!
Đến cảnh gia biến, của cải gia đình bị quan lại vét sạch, cha và em bị bắt, bị tra tấn, chị phải bán mình chuộc cha thế nhưng nàng Vân (chị em sinh đôi với Thúy Kiều) vẫn ngon giấc. Suốt năm canh, Kiều “Nỗi riêng riêng những bàng hoàng, Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn”, bấy giờ cô Thúy Vân mới “chợt tỉnh giấc xuân”, có “ghé đến ân cần hỏi han” nhưng vẫn chưa thấy có “mắt”. Nguyễn Du chưa chịu vẽ “mắt” cho Thúy Vân.
Con người “không có mắt” này tưởng sẽ có cuộc sống yên ổn, vô tư, đường đời bằng phẳng té ra lại sa vào một bi kịch.
Thúy Kiều nhờ nối duyên với Kim Trọng, nàng không có ý kiến. Có làm sao được! Từ chối ư? Để suy nghĩ thêm ư? Tấm thân  của chị chị còn bán để cứu gia đình, một chuyện thế này mà không chia xẻ được thì em sống trên đời này làm chi. Hỏi han tìm hiểu cũng không đúng lúc vì vô tình khơi thêm nỗi đau của chị. Vui vẻ, sốt sắng nhận lời cũng không xong. Duyên tình chị tan vỡ, chị đang đau xót mà mình vui vẻ nhận lời hóa ra tàn ác. Không nhận không được, hỏi han không ổn, tỏ ra ưng ừ cũng dở. Mất người yêu, khóc đã đành, được tình duyên cũng không dám tỏ một chút thái độ, đằng nào mà không đau!
Đến chịu đựng không nổi, Kiều khóc to, cả nhà nghe, Thúy Vân rỉ tai Vương Ông một cách gọn lỏn: “Chiếc thoa với bức thề bồi ở đây”. Nàng chỉ trưng ra cái bằng chứng, nói mà chẳng có chút ý kiến riêng nào của mình cả. Bi kịch câm lặng khởi đầu.
Bi kịch này càng cao độ khi Thúy Vân kết duyên cùng Kim Trọng. Từ khi trở lại vườn Thúy, Kim Trọng khóc thương Thuý Kiều đến mức “Ruột tằm ngày một héo hon, Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve. Thẩn thờ lúc tỉnh lúc mê, Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao”. Thấy tình hình có mòi nguy kịch, Vương ông Vương bà hoảng hốt, gấp rút tổ chức đám cưới. “Vội vàng sắm sửa chọn ngày, Duyên vân sớm đã xe dây cho chàng”. Đúng là đám cưới “chạy bệnh”. Từ khi nhận lời Thúy Kiều để nối duyên với Kim Trọng, Thúy Vân chỉ là cái máy gật, cái túi đựng ý kiến người khác, con bù nhìn do người khác điều khiển, nàng chỉ là cái bóng vật vờ. Bi kịch ở chỗ ăn ở với Kim Trọng nhưng nàng chỉ giữ được cái phần xác,  còn cái phần hồn Kim Trọng  lại thuộc về Thúy Kiều. Thúy Kiều đã choán hết tâm não Kim Trọng “Nỗi nàng nhớ đến bao giờ, Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng”. Chưa cưới Thúy Vân, chàng đã nung chí tìm Kiếu “bao nhiêu của mấy ngày đàng, Còn tôi tôi quyết gắp nàng mới thôi”. Cưới Thúy Vân rồi quyết tâm đó càng thêm nung nấu. “Rắp mong treo ấn từ quan, Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua”. Cần thiết thì hi sinh hết danh vọng, của cải và đâu cần biết đến cô Thúy Vân thế nào!
Cuộc đời Thúy Kiều là một bi kịch, hết nỗi đau đứt ruột này đến nỗi đau đứt ruột khác phũ phàng vùi dập. Thúy Kiều đau nhưng còn được khóc, được kêu lên tiếng đau thương, nói lên nỗi niềm ước vọng của mình và được thông cảm. Nhưng nỗi đau Thúy Vân lại khác, đau nhưng không thể biểu lộ- nỗi đau câm nín. Đau vì sống với Kim Trọng nhưng tâm tưởng Kim Trọng lại thuộc về Thúy Kiều. Đau vì sống kiếp người hờ, sống bên lề người chồng mà chiếm lĩnh, không sao hòa nhập được vào cuộc đời chồng. Thúy Vân chỉ còn là cái xác vật vờ trong cuộc tình duyên với Kim Trọng. Đoạn trường của Thúy Kiều hiện ra, bật thành tiếng nhưng đoạn trường của Thúy Vân bị nén  lại, ẩn xuống, chỉ mình mình biết mình hay, khó có thể mong chờ một sự chia sẻ, đồng cảm nào. Đây thực sự là nỗi đau của định mệnh trớ trêu.
Thúy Kiều phải mười năm luân lạc, chìm đắm trong vực thẳm nhầy nhụa khổ đau của cuộc đời thì Thúy Vân cũng chừng ấy năm cay đắng, chua xót, tủi đau cho số phận mình. Nàng sống với chồng, sống với gia đình nhưng khác gì kẻ lưu đày, bơ vơ câm nín dù chung quanh là những người thân thuộc thương yêu mình. Bi kịch không lời này đã vẽ “mắt” cho Thúy Vân.
Trong buổi đoàn viên, chính nỗi đau mười lăm năm câm nín đó đã bật lên. Lần này, Nguyễn Du cho Thuý Vân nói 14 câu:
Kết quả hình ảnh cho thúy kiều và thúy vân       “Rằng: “Trong tác hợp cơ trời
 Đôi bên gặp gỡ một lời kết giao
       Gặp cơn bình địa ba đào
 Vậy đem duyên chị buộc vào cho em
       Cũng là phận cải duyên kim
 Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao
       Những là rày ước mai ao
 Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
        Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiêng lựa lọc đã dành có nơi
        Còn duyên may lại còn người
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa
        Quả mai ba bảy đương vừa
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì.
Trong ngày vui đoàn tụ, Thúy Vân biết phải chính mình chứ không ai khác đặt vấn đề nối lại mối duyên Kim- Kiều. Chỉ có nàng mới có quyền nói đến việc này, nàng đã nói và đã chia sẻ. Trong 14 câu, nàng nói cho rành gốc rễ cho tỏ ngọn ngành. Rằng mình làm đúng cái bổn phận, cái trách nhiệm trớ trêu kia cũng vì “máu chảy ruột mềm”, vì thương chị, vì lo cho gia đình. Lời Thúy Vân cao thượng, vẫn thương chồng, thương chị, xứng đáng là người phúc hậu thủy chung. Lời Thúy Vân cũng hé lộ nỗi chua xót, khổ tâm bị đè nén bấy lâu nay, kín  đáo cay đắng cho thân phận mình: “Những là rày ước mai ao, Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” nghe như thương, như thông cảm nhưng vẫn nghe như trách như xót. Mười lăm năm chị lưu lạc quê người cũng chính là mười lăm năm đằng đẵng em của chị lưu lạc ngay trong chính gia đình, lưu đày bên người chồng mình. Chị mất người yêu nhưng vẫn được người yêu chị nhớ mong, lặn lội kiếm tìm còn em tiếng là được chồng  nhưng chẳng ai dành cho một chút tâm tưởng.
Đọc 14 câu trong buổi tái hợp, không ai dám bảo cô Thúy Vân “không có mắt” như ngày xưa nữa mà Thúy Vân đã “có mắt” thấu suốt cả thân phận, thấu suốt nỗi đau cuộc đời mình. “Mắt” khóc nhưng không dám để rơi dòng lệ, câm nín!
Bi kịch đời Kiều có thể chấm dứt: “Ba sinh đã phỉ mười nguyền, Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”. Nàng làm bạn cầm kì thi tửu, làm người tri kỉ và chiếm lĩnh phần hồn Kim Trọng. Còn Thúy Vân thì lo gánh vác việc nhà, sinh con đẻ cái “Một cây cù mộc một sân quế hòe” thế thôi! Phải chăng định mệnh trớ trêu, bi kịch lủi thủi câm lặng mãi mãi bám riết đời nàng.

Sóc Trăng- 1990
Đã đăng trên Văn nghệ Sóc Trăng - 1990 

1 nhận xét:

  1. Facebook- Van Long Hung, Hien Nguyen and 13 others
    Quoc To Cong- Những là rày ước mai ao:
    Chị đi đi mãi. Cớ sao lại về?
    2-2-23,10L

    Trả lờiXóa