TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet
CHỢ- tiếng Hán là thị- Nhất cận thị nhị cận
giang (Nhất là (ở) gần chợ, nhì là (ở) gần sông). Gọi chợ búa- búa (từ Việt cổ
tồn tại ở vùng Nghệ Tĩnh) cũng có nghĩa là chợ. Đối với trẻ em nông thôn trước
đây, chợ gắn với hàng quà- Trông như mẹ đi chợ về.
Chợ
có lớn nhỏ. Nhỏ có chợ xép, chợ chồm hổm (người mua ngồi chồn hổm mua bó rau mớ
cá), hiện đại thì có siêu thị. Đông, ồn là thuộc tính cố
hữu của chợ. Đông như họp chợ, ồn như vỡ chợ, không mợ thì chợ cũng đông (cá
nhân chẳng có ý nghĩa, chẳng thấm tháp gì so với số đông). Hai thái cực, chợ là
nơi ồn ào tấp nập nên càng dễ nhận ra sự
vắng vẻ- chợ chiều (lèo tèo ít ỏi, còn hàm nghĩa tàn cuộc vui). Xưa gọi
dân thị thành là kẻ chợ (phân biệt với kẻ quê, chân quê). Chợ thường bát nháo
nên dân quản lí chợ cũng phải thứ dữ, người thu thuế chợ là đối tượng bị căm
ghét: Thứ nhất lấy vợ người ta, thứ nhì thuế chợ, thứ ba đưa đò. Ngày
nay chắc phải sửa thuế chợ thành thuế vụ mới hợp.
Chợ
nhiều loại, từ chợ trời (Chợ họp lộ thiên ngửng thấy trời, Có lắm yêng hùng
lắm thiên lôi- Bút Nguyên Tử) đến chợ đời. Nhiều nơi có chợ phiên (mỗi
tháng vài phiên, cách nhau một số ngày nhất định, ví dụ nhóm các ngày 5, 15, 25
(âm lịch) hàng tháng hoặc nhiều hơn. Nhiều nơi có chợ nổi trên sông (như ở
Ngã Bảy- Phụng Hiệp- Hậu Giang), chợ nổi trên biển (nơi ghe tàu tụ lại mua bán
cá hoặc trao đổi các nhu yếu khác).
Tấp
nập vậy nhưng chợ có lề quê có thói, chợ nào cũng có những tập quán, luật lệ
bất thành văn để tránh cảnh giành giật bát nháo. Trước đây có từ chợ đen để phân biệt với chợ
đỏ (thương mại nhà nước). Ở Đà Nẵng khoảng năm 1977-1979 còn có chợ ăn trộm nhóm khoảng
2-3 giờ sáng, chuyên bán đồ ăn cắp. Yêu nhau cũng có chợ tình như chợ tình Hà
Giang, chợ tình Sa Pa, trai gái, những người yêu nhau cứ việc
tới, xem như một tập quán, một nét văn hóa của dân tốc vùng cao. Lại còn có chợ âm phủ, nơi người cõi
dương và người cõi âm mua bán với nhau. Chợ đậm màu cổ tích dị đoan, xưa Thủ
Huồn tìm và gặp vợ ở chợ âm phủ. Có chợ âm phủ lẽ đâu không có chợ
thượng giới chứ, phải ghi công
thi sĩ Tản Đà. Ông lên hầu trời và than “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Chư tiên vốn mê phục thơ ông, rối rít dặn: “Anh gánh lên
đây bán chợ trời” (Hầu trời). Té ra trên trời cũng có chợ- chợ tiên giới. Văn thời
Tản Đà hạ giới chê thì có thượng giới cần còn văn chương thời ra ngõ gặp nhà
thơ này muốn đưa lên thượng giới chắc phải hóa như hóa hàng mã hoặc đưa ra chợ
trời nhân thế cho người ta cân kí.
Cái
gì bán được, cần bán cứ đem ra chợ. Ở mấy thành phố lớn nay có thêm chợ
cơ bắp (dân thất nghiệp vùng quê lên sức dài vai rộng ngồi thành từng
cụm, ai cần cứ tới thuê). Phương Tây xưa
có chợ nộ lệ, đem nô lệ (công cụ biết nói) ra bán, chủ nô nào cần
thì tới mua. Ngành giáo dục là nơi đào tạo, rèn luyện nhân cách cũng không quên
đóng góp phần phá hoại nhân cách, làm cho chợ thêm phong phú. Đó là chợ
trường (buôn bán tạp nham trong trường học), chợ thi (thi cử mua bán
bát nháo), chợ luận văn (loại nào cũng có đầy hè phố, bỏ vài ba chỉ
mua là có luận văn luận án, luận gián luận mọt gì cũng có.
Chợ
còn được gắn với một thái độ nào đó. Dại nhà khôn chợ mới ngoan, Khôn nhà dại chợ
thế gian chê cười (dại được hiểu như thật thà, khôn được hiểu như ma lanh).
Nói ăn
chợ ở đình, đầu đường xó chợ để chỉ những người cù bất cù bơ, bụi đời. Đem
con bỏ chợ chỉ sự tráo trở lừa đảo, đẩy người ta tới chỗ xa lạ hỗn độn
rồi bỏ mặc.
Ngoài
chợ thông thường còn có hội chợ để trưng bày, giới thiệu sản
phẩm, qua đó giao dịch làm ăn. Hội chợ thì đông người, từ nay phái sinh ra cụm
từ đòn
hội chợ (nhiều người tham gia đánh một người). Chợ là nơi trung tâm,
hội tụ có khi trở thành địa danh cho cả vùng: Chợ Lớn, Chợ Rẫy, Chợ Quán, Chợ
Gạo, Chợ Lách, Chợ Rào…
Ở
thành thị miền nam trước đây nhiều phong trào chống đối: Học sinh bãi khóa
(nghỉ, không học), dân chúng đình công bãi thị (không làm việc, không đi
chợ, không họp chợ), làm tê liệt hoạt động xã hội, gây điêu đứng cho chính
quyền.
Chợ
có tầm quan trọng trong đời sống xã hội. Những vấn đề nhu cầu, tiêu dùng, cung
ứng trong xã hội được thực hiện chủ yếu thông qua chợ. Những vấn đề thị trường,
tiếp thị, bán mua… đều thông qua chợ. Càng ngày, siêu thị càng phổ biến, người
ta còn đi chợ trên internet. Quan niệm cho đúng về chợ, tổ chức hợp lí hệ thống
và quản lí hoạt động của chợ đó là những vấn đề cấp bách trong một xã hội văn
minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét