TIỂU HÙNG TINH
Sau 1975 cho đến khoảng 1995 ở Tây Nam bộ tồn tại Ban Giáo dục xã xem
như một cấp độ quản lí trên trường dưới phòng. Người viết từng có bài thơ châm
tổ chức này trên báo Cần Thơ: “Gọi Ban
nhưng chỉ một người- Vừa trưởng vừa phó đồng thời nhân viên- Là Ban giáo dục xã
em”.
Cái chức chẳng ai
thèm, ba món kinh tế quyền hành người ta tranh hết rồi, còn sót cái chức đói
này thôi cứ giao cho một tay có quá trình xóa mù nào đó đảm trách là được.
Nhiều người được bố trí cũng an phận hưởng định suất xã làm việc nhà, lâu lâu
họp dân hô hào phổ cập, vận động học sinh “ra lớp” cho có, thế thôi. Có kẻ lại
không chịu yên, xem mình là cấp trên các hiệu trưởng cấp 1, cấp 2 trong xã,
chuyện gì cũng xò vào đòi chỉ đạo, đòi ra lệnh.
Ở xã An huyện K, để thị uy quyền lực, trưởng
ban giáo dục xã đã xông vào trường cấp 2, quy tụ một số giáo viên chống đối để
lập thành ban thanh tra để tra xét hiệu trưởng. Trưởng ban phân công cho giáo
viên đếm từng tờ trong từng xấp giấy mà nhà trường mua theo tiêu chuẩn để phân
phối cho học sinh làm tập (Thời bấy giờ bán từng xấp giấy rời, mua về tự đóng
thành tập vở). May không thiếu trang nào, nếu nột xấp thiếu 1-2 tờ thì dám quy
chụp cho hiệu trưởng tham ô giấy, ăn vào tiêu chuẩn học sinh, có nước chết.
Cục thịt thừa, ai cũng
muốn giải thể cho nhẹ mình mẩy thế nhưng
có ông phó chủ tịch văn xã huyện K vốn là trưởng phòng giáo dục lại lội ngược,
chủ trương củng cố. Trong đợt học chính trị và chuyên môn đầu năm học, thay vì cử
hiệu trưởng hiệu phó thì lại giao cho
các trưởng ban giáo dục đi tiếp thu để về triển khai quán triệt. Các ông chỉ
trình độ tiểu học cấp tốc, đi dạy cũng chỉ mức dạy xóa mù phổ cập, lâu nay quen
cầm leng cầm cuốc nhiều hơn cầm viết, bắt con cá con cua nhiều hơn nắm con chữ
con số thế mà giao cho công việc quá sức.
Cơm đùm gạo bới đi tiếp thu, đến báo
cáo thì trật chìa lộn xộn tẩu hỏa nhập ma. Kinh nghiệm nói thành “kinh nguyệt”,
“thường xiên rút kinh nguyệt”, ăn nhập thành “ăn nhậu”, nhận thức lí tính thành
“nhậu thức lí chín”, chỉ tiêu thành “chi
tiêu”, “lên chi tiêu”…. Nhất là luận điểm thầy chủ đạo- trò chủ động mà khi thì bảo trò chủ đạo thầy chủ động, khi
thì bảo thầy động động trò đạo đạo trật lộn lia chia. Lúc đầu giáo viên còn khúc khích, sau đó cười
thành từng tràng. Diễn giả đâm rối,
cuống lên bảo đầu óc tui nguội rồi, đi hấp mấy bữa chưa kịp nóng đã nguội ngắt,
học ít mà quên thì nhiều, nhớ tới đâu nói tới đó, các đồng chí thông cảm. Giáo
viên cười ầm ầm. Bí nước đành cho giải lao rồi tan hàng.
Quán với triệt, giáo viên no một bữa cười. Không
những lúc đó mà sau này, gặp nhau, nhắc chuyện nghe trưởng ban giáo dục xã
triển khai, ai cũng ôm bụng ngặt nghẽo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét