TIỂU TỬ VĂN
Ảnh internet
Bọn đệ tử tranh luận
về mâu thuẫn, không ai chịu ai liền kéo tới hỏi sư phụ. Sư phụ kể một chuyện:
- Rằng
xưa có người đem mâu (giáo, vũ khí cán dài đầu có lưỡi nhọn) và thuẫn (mộc, lá
chắn) ra chợ bán. Anh ta cầm mâu rao: “Mâu
đây, đâm gì cũng thủng”. Rồi cầm thuẫn
rao: “Thuẫn đây, không gì đâm thủng”. Có người hỏi: “Nếu dùng mâu của anh đâm
vào thuẫn của anh thì thế nào?” Anh ta ngọng. Đó, các trò đã rõ thế nào là mâu
thuẫn chưa?
Bọn
đệ tử đồng thanh:
- Dạ rõ lắm ạ!
Sư phụ hắng giọng:
- Thế nếu bây giờ anh
ta rao như vầy: “Dạ thưa quý khách hàng thượng đế, về phương diện lí thuyết và thực tiễn, tính chất của vật thể
mâu này cơ bản là sắc, trong những điều kiện nhất định với những yếu tố khách
quan và chủ quan nhất định thì nó có khả năng
đâm xuyên qua mọi đối tượng. Còn dạng vật chất thuẫn này xét sâu về tính
chất và rộng về toàn cục, đứng trên phương diện tổng thể mà nói thì chủ
yếu nó có độ cứng và sức bền bảo đảm
tiêu chuẩn, đạt các số đo, độ tin cậy tuyệt đối. Trong một phạm vi, ở một môi
trường, trong một hệ thống nào đó tương ứng
với những tác động hữu cơ nào đó thì không thể bị bất cứ sự vật nào
xuyên qua được là một hiện thực”. Nếu anh ta rao như vậy có mâu thuẫn không?
Bọn đệ tử nín lặng, vò
đầu suy nghĩ, càng nghĩ càng rối rắm, đầu óc bừng bừng nên ỉu xìu thưa:
- Dạ như thế thì hết mâu hết thuẫn rồi ạ!
Sư phụ cười ngẫm nghĩ: Cứ quơ một mớ chữ nghĩa mà xoay tung hỏa mù cho một chặp
là chúng hết thắc mắc, biết đâu lại còn xem mình là thông thái. Thế rồi sư phụ
bỏ dễ theo khó, chẳng bao lâu bị tẩu hỏa nhập ma.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét