MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

GÁNH LÚA VỀ (chuyện xưa chưa cũ)


TIỂU TỬ VĂN

Ảnh internet

Kết quả hình ảnh cho gánh lúa
            Lớn lên mới gánh lúa, còn từ nhỏ  thì tập gánh nước. Nước phải gánh từ sông hoặc  từ giếng  xóm. Lúc đầu nhỏ trước lớn sau, cùng gánh một thùng, kéo phần thùng về gần đứa lớn cho đứa nhỏ đỡ hơn.  Rồi  dần dần tự gánh, hai đầu hai nửa thùng  rồi hai thùng như người lớn.
            Gánh nước mệt thì bỏ xuống nghỉ, nhiều khi nặng quá, thả dằn xuống làm thủng thùng bị mắng. Còn gánh lúa thì không thể.

            Lúa gặt xong được bó thành từng bó lớn, xóc hất lên vai gánh về. Gánh  đi trên bờ ruộng vướng víu nhấp nhô, gánh  chạy dưới  ruộng bùn, đường xa , phải gánh một mạch về nhà không có chuyện nghỉ. Lần đầu tiên cất gánh lúa lên vai, chạy một đoạn người như lửa đốt, tai lùng bùng, miệng thở hắt không ra hơi, muốn quẳng xuống nhưng không thể được, phải nghiến răng  gánh chạy về nhà. Đến nhà, chạy nhanh vào xổ lúa xuống, ngồi quạt mồ hôi, thở dốc một chặp người mới bình thường, nhìn lại đôi vai đỏ rần, nóng rát.  Gánh lần đầu được , đến các lần sau thì hai vai trầy trụa, đặt gánh lúa lên đau buốt nhưng cũng phải cắn răng chịu đựng, vài ngày vai chai thành  quen.
            Những người yếu thường  được người mạnh gánh lúa về trước rồi chạy ra ngước (rước đỡ). Không gì thiết thực vừa cảm động hơn gánh đỡ cho nhau một đoạn đường. Trai quê, phải tập gánh cho cừ mới nói chuyện gặt thuê, mới nói chuyện đi hỏi vợ làm rể, mới có cơ hội tỏ mặt tu mi ngước để  động chạm cô vợ chưa cưới một chút không thì cù lần lắm.
            Gánh nhẹ thì vừa  đi vừa nói chuyện được còn gánh nặng đưa lên vai là bắt đầu chạy. Những  người vùng biển thường gánh cá chạy  năm bảy cây số vào đồng bằng bán. Hỏi  sao không đi mà chạy, bảo  chạy cho nhanh. Đúng nhưng mệt lắm. Bảo chạy  để đỡ nóng chân khi qua bãi cát. Đúng. Thực ra cái chính là chạy tạo lực đẩy tới nhằm giảm bớt lực kéo xuống cho nhẹ. Gánh lúa cũng vậy, quằn lưng nhưng phải chạy, thở dốc nhưng phải chạy, bất chấp đường mấp mô, cẩn thận qua nơi sình lầy, bấm chân chỗ trơn trợt, thoáng đường một chút là chạy.
Nhìn cảnh “Gánh gánh gánh , gánh lúa về , gánh về…” thể hiện tình cảm vui tươi, no đủ, đẹp như bài ca nhưng có đặt gánh lúa trên vai mà chạy mới thấm hết nỗi gian nan.
           
1-2015

2 nhận xét:

  1. Từ Facebook : Van Long Hung Đúng là nhọc nhằn như trong bài viết. Gánh lúa không thể nào đặt xuống để nghỉ, vì hạt lúa sẽ rụng, thế nên gánh lúa là phải đổi vai, mà cái ni cũng phải tập nhiều lần mới thạo.Lúc đầu hai vai đỏ rực và rát rạt, dần dần bớt đau và chai lì. Khi có thể đổi vai thì việc gánh lúa đỡ nhọc hơn. Quả thật là đem bát mồ hôi đổi bát cơm.

    Trả lờiXóa