MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Hồi ức NGUYỄN HOÀNG

NGUYỄN VĂN HÙNG (Nguyễn Hoàng 1963- 1970)
ảnh internet

          CON VỊT CỌT


          Năm 1963, thi đậu đệ thất, tôi được vào học trường Nguyễn Hoàng, ngôi trường mơ ước của không biết bao nhiêu học sinh thời đó. Trường Tiểu học An Phú (xã Triệu Tài) của tôi có một lớp Nhất khoảng ba chục bạn người  hai làng An Hưng và Phú Liêu nhưng chỉ một mình tôi đậu, thời bấy giờ có người gọi thi tuyển này là thi công-cua (concourt), vinh dự nhưng lo âu lắm vì chuyện học hành thời đó căng thẳng, khó khăn . Nhà nghèo nông thôn, phần lớn các bạn tôi đều dừng trước ải học, đi giữ trâu làm ruộng hoặc học nghề, vài ba người  gia đình khá giả thì cho đi học trường tư Bồ Đề, Thánh Tâm.

         Trước khi thi, tôi học hè luyện thi với anh Đối vừa đỗ Diplome (Trung học), người  có học lực cao nhất trong làng. Anh Đối chỉ luyện môn Toán còn  Luận (Làm văn) và Thường thức thì tự ôn. Các bài toán khó trong các sách mấy trăm bài luyện thi, sách Trần Tiếu tôi đều giải bay, không chịu một bài nào. Anh Đối thường cho những bài toán thực khó rồi hướng dẫn gợi ý riêng cho từng đứa nhưng với tôi, anh biết tôi tự lực giải được nên  thử sức, không bảo. Đi đâu, gặp ai anh cũng khen tôi giỏi, chắc chắn đậu. Tôi mừng nhưng thật quá lo, lỡ hỏng một cái thì chết. Một đứa trẻ con mà phải gánh một trọng trách thi cử quá lớn, một thử thách quá lớn, điều này cũng khổ thật nhưng nhờ vậy mà tự trưởng thành biết bao nhiêu.
          Mấy người đi thi trước thường truyền cho kinh nghiệm rằng thi cồng - cua, người  ta lấy từ cao đến thấp cho đủ số nên chi đừng cho  đứa khác xem  vì nó đậu thì mình có thể hỏng, cứ làm bộ như mình làm bài không được kẻo nó châu vào xem, không cho xem nó rảy mực làm hỏng bài. Làm bài được hay không thì chưa lo  nghe chuyện bị rảy mực mà lo. Vào thi và cũng biết bao nhiêu kì thi nào có chuyện rảy mực gì đâu, hơn nữa còn có giám thị coi thi, sợ gì, rõ chuyện dọa trẻ con nhưng cũng làm cho mình e ớn.
          Vào thi, môn Luận tôi làm suôn sẻ. Môn Toán có hai bài, một bài phân số và một bài hình học, bài phân số dễ nhưng lại bí, không giải được, bài hình học hóc búa nhất nhưng lại giải ra. Thi ra, nghe tôi bảo chịu bài phân số, ai cũng ngạc nhiên, nhiều phụ huynh ở các nhóm khác nhau phải kéo tôi lại nhờ giải bài hình học. Tôi đậu thứ 146/250, loại trung bình, có điều đậu thôi, dẫu là đậu chót cũng oai rồi, thi tuyển vào học mà, cần gì phải đậu cao (không như ngày nay người ta tấn phong thủ khoa đầu vào).
          Thi đỗ, gia đình tôi có làm lễ ăn mừng, cũng xôi bánh thịt thà mời bà con anh em, tế cáo với tổ tiên. Chuyện thi đậu tưởng chỉ chuyện riêng mình, chuyện của một đứa trẻ con  nào ngờ trở thành vấn đề quá lớn, gia đình bà con kì vọng vào, nghe hai tiếng ăn mừng mà mắc cỡ. Nhỏ tuổi nhưng tôi cũng phải nghẹn họng xấu hổ khi  giữa đường có một người cố ý mỉa cho nghe: “Cả làng hỏng, mình nó đậu thôi thế mà cũng ăn mừng!”
          Gần ngày nhập học, từ chỗ học tiểu học chỉ cần hai quyển, một quyển ghi bài học một quyển làm bài tập bây phải mua một chồng mười mấy quyển vở và nghe tên các môn lạ hoắc thật là hồi hộp. Vào Nguyễn Hoàng phải mặc đồng phục quần xanh áo trắng có thêu họ tên và lớp trên túi. Trung học đệ nhất cấp (thất, lục, ngữ, tứ) thêu chữ đỏ, đệ nhị cấp (tam, nhị, nhất) thêu chữ xanh. Trong nhà không chị nào biết thêu, phải nhờ o Thỏn trong xóm thêu giúp. Áo phải bỏ vào quần, phải có dây nịt, đi dép có quai sau. Loại dép nhật (sau 1975 gọi là dép lào) bị cấm vì xem đây là dép dùng trong phòng ngủ, không lịch sự. Giàu thì sắm sandal, mình nghèo, nhà sắm cho đôi dép bố (dép địu) loại cắt gọt vụng về rẻ tiền, lại nữa phòng tuổi mau lớn nên mua trừ hao đôi dép dài hơn bàn chân.
          Tôi vốn nhỏ con cặng cọt nay phải thắng một bộ quần áo rộng rinh, chân mang đôi dép thô kệch quá khổ, lại nữa anh tôi còn sắm cho cái mũ nhựa đài loan phủ đến tận vai, lút hết mắt mày, cỡi lên chiếc xe đạp có cái ghi-đông hình chữ U ngày ngày đạp đi học. Trong đoàn học sinh từ làng tôi sớm sớm đạp xe lên tỉnh học thì tôi nhỏ nhất đạp cọc cạch theo đoàn. Ngày đầu tiên trên đường đến trường, bị bọn học sinh tiểu học ở Bích La Đông chế nhạo, thằng Vinh oắt con trong bọn gọi tôi là “Con vịt cọt! Con vịt cọt!” rồi cứ thế la toáng lên chọc ghẹo. Cứ thế, mỗi sáng đi học, gặp bọn  này, tôi lại trở thành mục tiêu chọc ghẹo. Khổ tâm xấu hổ tức tối lắm nhưng biết làm sao. Cứ hình dung con vịt đèo (cọt) lệt bệt theo đàn với hình ảnh tôi nhỏ nhoi ẹo qua ẹo lại đạp xe theo đoàn học sinh mà đứa nào cũng lớn ngồng mới thấy cái biệt danh nó đặt cho mình thật đắc địa, xuất thần. Từ đầu đến chân nào nón nào áo quần tất cả đều quá khổ với tôi, có lần chính anh Đối giỡn bảo: “Coi Hùng giống ông Hường quá!”, cả đoàn học sinh làng tôi cười ồ cứ thế lan truyền. Ở làng Nại Cửu có ông Hường, người nhỏ thó, đầu đội mũ đài loan, ngày nào cũng đạp xe lên tỉnh làm thợ cưa. Sự ví von này kể cũng độc đáo và độc địa. Tôi thường bị bạn bè gọi là ông Hường, có đứa còn chế tôi từ Văn Hùng thành Văn Hường (thực ra không phải ví với danh hài Văn Hường mà ví với ông Hường thợ cưa), tức lắm đến nỗi có lần phải đánh lộn.



II.               ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG


Làng tôi: Phú Liêu. Từ làng đến trường hơn bảy cây số, phải đạp xe men theo bờ sông Vĩnh Định qua Bích La Đông, qua Nại Cửu, qua Ba Bến, Trí Bưu mới tới tỉnh. Ngày tôi đi học, trong nhà sắm thêm cái đồng hồ lớn nhưng đồ cũ nên chạy không chính xác, hai bữa phải đem qua nhà khác xem nhờ đồng hồ để chỉnh lại giờ.  Nhà xa trường, đồng hồ không bảo đảm, tôi vốn đã hay lo càng thêm phấp phỏng, luôn sợ trễ giờ, bị giam ngoài cổng hoặc lên phòng giám thị xin giấy vào lớp. Buổi sáng ngủ dậy thường hoảng hốt    sợ trễ học. Cũng có khi lo quá, đi học quá sớm bị các đứa khác chế diễu là “đi bán bánh mì”.
Đường đất, trời nắng còn đỡ , cực nhất là trời mưa, một đứa trẻ con vật lộn với cái rét cái lạnh, vật lộn với đường bùn lầy cả bảy cây số đạp xe tới trường. Nhiều chỗ lầy quá, xe sục bánh đạp không tới, có chỗ xe xoay bánh tại chỗ, đứng chống chân xuống thì sụp dép địu mắc quai xuống bùn kéo lên không lên. Những ngày trời quá lạnh, dậy sớm là cực hình, ước gì không đi học mà ngủ một giấc cho thỏa thê. Ở làng tôi cũng có anh ngủ nướng buổi sáng, trễ học không dám lên phòng giám thị xin phép, bỏ học nhiều ngày sợ thầy gọi lên đọc bài rồi nghỉ luôn.
Trời mưa lụt, đường về làng bị tắc, tôi phải ngủ lại nhà người bà con trong họ. Ở nhà người ta hoài cũng ngại, có lần Công (học trên tôi một lớp) rủ tôi ngủ lại trong trường. Hai đứa cứ giữ nguyên áo mưa thay mền, ráp hai cái bàn lại rồi lên nằm ngủ, sáng ngày học tiếp. Có lần trời mưa lụt, ở lại khó lòng, tôi quyết về nhưng nước lụt lớn và chảy xiết quá vác xe lội không nổi, phải vào nhà thằng Thuyết bên đập làng Bích  La Đông xin ở lại mấy ngày.
Thị xã Quảng Trị là vùng đất cao, ở vùng tôi nước lụt ngập nhà ngập cửa nhưng ở đây không hề hớm gì. Trong suốt bảy năm học Nguyễn Hoàng, chưa bao giờ nhà trường cho học sinh nghỉ học vì lụt cả. Còn bây  giờ, do cái đập Trấm mà cứ lụt là thị xã ngập hàng thước nước.
Mưa lầy, nắng bụi, nhất là những ngày gió nam, gió quật bụi vào mặt xô lại, bườn xe không tới. Dọc đường Góc Bầu- Trí Bưu- Ba Bến- Ngô Xá thời đó thường có xe lam chở khách, chủ yếu là những người bán cá, xe nồng mùi cá, nén chặt người, chạy ì ạch. Những ông tài xế giang nắng cả ngày mặt mày cháy sém trông rất dữ. Có lần thằng bạn tôi rình níu vào sau xe cho đỡ đạp bị ông tài xế phát hiện, dừng xe, quát tháo định quật cho một trận, hú vía!
Học trò nhà quê, gia đình phải chắt bóp tốn kém lắm mới sắm cho được chiếc xe đạp, có đứa  nhà quá nghèo sắm không nổi phải đi bộ như Hiếu (Phú Liêu), tội lắm! Xe thường là xe cũ, sửa chỗ này hư chỗ khác, hỏng hóc thường trực nhẹ thì xìu bánh trật sên, nặng thì quẹo vành gãy sườn. Nghèo khó quá, không ích kỉ cũng thành ích kỉ, xe đứa nào cũng tháo bọt-ba-ga (yên sau), để không chở thì cù lần mà chở thì hư xe, nghĩ  cũng là một cách phòng ngừa từ xa đã được áp dụng thuở thiếu thời. Đường quê dốc dằn, lắm gai tre, xe thủng xe xìu liên tục, gắn ống bơm vào xe thì sợ bị ăn cắp. Gặp sự cố xìu thủng thì cứ việc dắt hàng cây số về nhà tự bơm vá. Có thể nói người ghét bọn học trò nhất là các chủ tiệm sửa xe đạp. Khi nào  cũng có bọn học trò bâu vào xin mượn ống bơm, mượn cái kềm cái búa, gặp cái loại khách hàng kiểu ăn mày này thì có nước sấp tiệm. Nhiều tiệm ghét quá, để sắn cái ống bơm hư cho mượn còn cái tốt cất vào, chỉ phục vụ cho khách có tiền. Thẩy cái ống bơm hư cho mượn khác gì đuổi, biết người ta đuổi nhưng không chịu rời vì biết đi đâu,  bọn học trò nhà quê rỗng túi này đâu có ngán, tìm cách xoay xở  bơm đi bơm lại cho được. Xong, lịch sự cám ơn, cỡi xe lên đường. Cùi mà, sợ gì lở!
Mình nhỏ, đi học có đoàn thì không sợ chứ đi riêng lẻ thì cũng ngán vì bọn trẻ dọc đường dọa. Đi qua làng Nại Cửu, tôi thường bị một đứa nhỏ hơn dẫn đầu một lũ nhóc chọc kẹ hoài, chịu không nổi, có lần tôi dừng xe thách đánh. Thẩy tập vở qua một bên, tôi nhào vào định đấm cho nó vỡ mặt nhưng lần nào cũng hụt lại bị nó thoi liên tiếp vào ngực, dính thêm mấy cú đá của nó vào bụng. Đánh không nổi, tôi tuyên bố thôi. Nó cũng ngừng. Cái hay là từ đó nó và bọn nhỏ đi theo không bao giờ chọc tôi nữa. Té ra muốn hòa bình đôi khi cũng cần chiến tranh, không đánh một trận không xong.
Thuở học tiểu học, lớp tôi có mấy đứa cùng làng lớn tuổi to con, không đánh  nhưng đứa nào cũng sợ, tôi thường rình đánh một đứa khác làng rồi chạy nấp sau lưng những đứa to con, thế là an toàn. Nay đi học đường xa, trong làng có mấy đứa to khỏe như Thạnh, học sinh làng khác cũng không dám dọa. Có lần thằng Công bạn tôi bị thằng Đà  người đâu miệt Ngô Xá dọa. Công đem chuyện mách với Thạnh, Thạnh không nói không rằng đạp xe đi ngang qua, thoi cho thằng Đà một phát ngã ngang, mắng “Sao dám dọa thằng Công làng tao”. Có lần cũng thằng Đà chạy lơ đễnh tông xe làm đổ gánh một bà đi đường, bà ta níu lại làm dữ bắt đền. Thằng Đà hoảng hốt chưa biết làm sao thì Thạnh đi ngang, dừng lại làm ra dáng đàn anh kẻ cả mắng Đà một trận rồi khéo léo xin lỗi. Bà đi đường cảm thấy hả dạ nên tha cho mà tiếp tục đạp xe tới trường. Mối thù được hóa giải, thằng Đà trở nên thân thiết với Thạnh.
Chiến tranh có mòi lan rộng, từ 1962 một căn cứ quân Mỹ được xây dựng sát bên trường, sợ bị ném tạc đạn nên con đường Duy Tân phía trước trại Mỹ bị rào ngăn lại bắt  xuống xe dắt bộ. Dắt bộ chưa đầy trăm mét nhưng mà nhục, thế là bọn học sinh không đi đường này nữa mà vòng ra Lê Văn Duyệt- Gia Long- Trần Hưng Đạo  rồi Lý Thái Tổ dài hơn cả cây số đến trường. Từ ngày có căn cứ Mỹ, một góc sân vận động bị lấy làm bãi đáp trực thăng, máy bay lên xuống liên tục, mỗi lần vậy thầy phải ngừng giảng. Từ phòng học nhìn qua thấy mấy cô gái làm sở Mỹ, bọn học sinh cứ thế ê lên chọc. Cứ khoảng cuối buổi chiều, lúc bụng dạ cồn cào là lúc mùi chiên xào thơm lựng bay qua hành hạ, đứa nào cũng nín thở rồi hít, thơm quá nhưng không dám nói ra sợ bị chê hạ cấp.


III.           TRUNG HỌC ĐỆ NHẤT CẤP

Học sinh đậu được phân  vào năm lớp đệ, thất 1, thất 2, thất 3 theo sinh ngữ Anh, thất 4, thất 5 theo sinh ngữ Pháp. Tôi vào đệ thất 2 , cứ thế lên lục 2, ngũ 2, tứ 2 từ 1963-1967. Môn học nhiều, học theo giờ (tiết). Lớp tôi do Trịnh Lăng (bạn bè thường trêu là Đinh Lăng- tên nhân vật trong bài Đồi thông hai mộ) hiền từ làm trưởng lớp, sau này Nguyễn Văn Nông (nay ở Bảo Lâm) thay. Lớp toàn nam nên nghịch ngợm hàng số một. Trong lớp có nhiều bạn học giỏi như Nguyễn Thái (thi băng Tú tài 1 mà đỗ hạng Bình thứ, bác sĩ ở Đắc Lắc), Lê Tây (An Lợi, tiến sĩ, ĐH KHNV Tp Hồ Chí Minh) …Học loại chiến cũng nhiều như Võ Mẹo (Trâm Lý, cử nhân Hóa), Lê Quang Bình (cao học Vật lí), Trần Trinh (thi băng đỗ Tú tài 1, ĐHSP Lí hóa), Lê Núng (Nhan Biều), Lê Thọ Khánh…Nổi trội về Anh văn có Ngọc Hùng (ĐHSP Anh văn), Giỏi Toán mà ba gai phải kể đến Hoàng Văn Thành (nghe đâu đang làm cho Việt Book tại Đà Lạt), người thì thấp lùn mà nghinh ngang dám gây sự dọa nạt cả học sinh lớp lớn. Trong lớp, nó biết tên cha mẹ đứa nào, hoặc biết gia đình đó làm nghề gì  là đến đầu buổi điểm danh hắn cứ thế réo, không đáp “có” thì sợ nó đánh vắng đành phải cắn răng hô “có”. Lên đệ thất rồi mà chưa bỏ thói trẻ con, còn rình xem tên cha mẹ bạn mình để khi cần thì “chửi”. Lê Xuân Quảng ngồi cạnh tôi, lần nọ khai hồ sơ (kiểu sơ yếu lí lịch), Quảng điền rồi chìa ra cố ý cho tôi xem tên cha là Lê Xuân Nảy, mẹ là Dương Thị Ồ, thực ra chỉ gần giống tên cha mẹ Quảng. Giận réo lên chắc nó vẫn tươi cười, đúng là ông Quảng này có cách phòng chống chửi từ xa hiệu quả. Tôi đã nhỏ con thế mà có mấy đứa còn “oắt” hơn như Ngọc Hùng, Dẫn, Tạo…, chúng được sắp ngồi bàn đầu. Nghịch trẻ con nhất là Ngọc Hùng (định cư ở bang Cali, Mỹ) và Dẫn, thầy cho nghỉ chơi tại chỗ, hai đứa rủ nhau núp xuống bàn đầu, cứ thế thằng Dẫn vạch quần tè ngay xuống nền gạch, đúng là thầy cũng chạy chúng mày. Thằng Bùi Hữu Bàng con ông Bùi Hữu Duệ phó tỉnh trưởng có năng khiếu vẽ hình cao bồi như trong các bảng quảng cáo xi-nê, học đâu được một năm rồi chuyển đi biệt. Ba trợn nhất lớp phải nói đến Nguyễn Trì, dù chưa đánh ai nhưng trong lớp đứa nào cũng sợ nó, nó trong băng nhóm ba gai. Nghịch phá bị thầy đuổi ra, anh ta len lén lại cửa sổ nháy thằng bạn bên trong thẩy quyển vở ra, thế là chuồn biệt luôn, liên tục vậy. Đứa đô con nhất lớp là Lê Cảnh Phong (Bích La Đông, hiện ở Cần Thơ), học đến lớp đệ ngũ thì lập gia đình, giấu biệt nên trong lớp không biết, chỉ phong thanh nghe nó có bồ. Ham vợ quá nên vừa lên đệ Tam là đã giả từ bút nghiên đi trung sĩ. Nó còn kể rằng buổi học cuối cùng nó còn cuỗm luôn quyển số điểm danh đệ Tam B4 (1967-68), còn giữ đến bây giờ (2014) làm kỉ niệm! Thằng Hồng cao nhất lớp, có lần giám thị xuống kiểm tra tác phong, tôi không có bảng tên nên bị đưa ra ngoài. Thằng Hồng, nó có bảng tên nhưng kéo ra ngoài được mà lật giấu vào bên trong cũng được, vào trường thì bày ra, ra khỏi trường thì thu giấu vào túi (chắc vì nó mắc cỡ, lớn ngồng  mà còn học đệ nhất cấp), nó bị tôi tố với giám thị. Giám thị đến kiểm tra, bảo người ta có bảng tên đàng hoàng. Tôi bị giám thị phạt đã đành, cuối giờ còn bị thằng Hồng tát cho một cái nảy lửa.  Tao thực sự xấu hổ và cảm ơn cái tát của mày đó Hồng, cái tát trị thói mách lẻo và cũng nhờ cái tát của mày mà sau này dù thời thế có đưa đẩy tao vẫn nhờm tởm và tránh xa được thói xoi mói điềm chỉ.
Nhà nghèo, có cơm ăn đi học là quý, ra quán rơ- tông (banh tay) mê thật nhưng không sao có được một đồng mua bốn cái thẻ tròn bỏ vào mở khóa, đành vẩn vơ hồi hộp xem bọn chúng đá, lâu lâu xin đá vài quả banh lẻ. Cứ ra chơi là một số đứa có tiền ùa vào các quán bánh kẹo của các ông phu trường mà ăn, hút thuốc. Nhiều thầy giáo cũng bức xúc việc nhà trường cấm học sinh ăn quà vặt trong khi nhà phu trường cứ bán, mâu thuẫn quá, nhưng rồi thầy cũng phải chua chát nói một câu cho tận cùng kì lí là không cấm được vì họ có quyền bán cho người ngoài (có điều người ngoài đâu có vào trong trường được mà mua)!
Cái năm tôi học đệ thất cũng là năm có sự biến Dương Văn Minh đảo chính Ngô Đình Diệm, học sinh  các lớp đệ nhị cấp tổ chức kỉ niệm văn hào Nhất Linh, một tác giả chính trong chương trình Việt văn mà chúng tôi được học thông qua những tác phẩm hết sức cảm động  Anh phải sống, Nhặt là bàng và sau này là Đoạn tuyệt. Chào cờ xong, là các học sinh lớp trên đăng đàn mời tất cả giáo sư và học sinh cùng dự, đọc tiểu sử, lên án chế độ Ngô Đình Diệm, nhắc lại câu nói “Đời tôi để lịch sử phán xét…” của Nhất Linh. Mới thấy học sinh các lớp đệ nhị cấp thời bấy giờ trưởng thành ghê lắm.  Ở Quảng Trị, sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, bên cạnh chính quyền dân sự có thêm một đại diện của Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Có lần trời mưa tầm tả, vừa đạp xe tới trường thấy học trò không vào học rồi thấy băng cờ khẩu hiệu ầm ĩ, chưa biết chuyện gì thì thằng Công học đệ lục bảo thầm là đi biểu tình đả đảo ông Tỉnh trưởng, hỏi Tỉnh trưởng là ông nào nó cũng không biết. Thế rồi học sinh bị cuốn đi biểu tình đả đảo ông Nguyễn Tri Sơn, nghe đâu ông ta từng làm tỉnh trưởng Bến Tre và là đảng viên Cần Lao. Đi thì đi, biểu tình người ta hô sao mình hô vậy. Đoàn biểu tình kéo theo đường Quang Trung trực chỉ Tòa Hành chính Tỉnh và tràn vào hô khẩu hiệu đòi bắt ông Tỉnh trưởng. Sau đó ông Đại tá Lê Văn Hiền thay mặt Hội đồng Quân nhân Cách mạng ra tuyên bố ông Nguyễn Tri Sơn không làm tỉnh trưởng Quảng Trị nữa và khuyên học sinh về lo học. Cuộc biểu tình này chắc là do sinh viên Huế ra tổ chức vì thấy một sinh viên lên tuyên bố biểu tình thắng lợi, kêu gọi học sinh giải tán. Lần đầu thằng oắt con này làm chính trị, tham gia biểu tình chính trị mà chẳng rõ đầu cua tai nheo gì cả.
Có lần trong một buổi mít-ting, thầy Mai dạy đệ nhị cấp, thường đi chiếc xe hơi rất sang trọng) lên phát biểu kêu gọi tinh thần khoan dung giữa mọi người Việt   vì "bàn tay có ngón dài ngón ngắn, ngắn dài đều hợp vào bàn tay". Hôm sau có truyền đơn tố cáo rồi đả đảo vì  cho là cần lao nhân vị, từ đó không thấy Thầy nữa.
Những năm sau 1963, không khí đấu tranh chính trị ở miền Nam dồn vào trường học, ngoài đường thì bãi công bãi thị, trong trường thì bãi khóa. Đầu tuần, chào cờ xong, một học sinh lớp trên ra tuyên bố bãi khóa, thế là nghỉ, nghỉ không kì hạn. Văn phòng Trường có lúc bị chiếm làm  văn phòng của sinh viên tranh đấu. Trước cổng trường có lần  dàn bày một cuộc tuyệt thực chống Trần Văn Hương, rồi Phật giáo biểu tình đưa bàn thờ ra đường… Mọi thứ rối loạn, trường không dạy dỗ được, học sinh nghỉ học đến ê chề.
Nhà xa, những giờ trống hoặc những trưa ở lại chờ học buổi chiều là những khoảng thời gian tự do, vào các tiệm sách đọc báo cọp hoài cũng bị xua đuổi, chẳng biết lang thang chỗ nào nên đi vào các tiệm vẽ truyền thần xem, đi vào các quán billard xem người ta đánh, luẩn quẩn mua ổ mì xíu hai đồng chan nước thế là xong. Thị xã thân thiết nhưng nghèo quá, sách báo lại thiếu, mình cũng nghèo nên chẳng biết sinh hoạt tinh thần ra làm sao.
Năm 1964, xuất hiện quán cơm Xã Hội sát bờ sông Thạch Hãn, bán giá rẻ 1 đồng (trong khi ổ mì xíu 3 đồng) cho những người nghèo, ngay tức khắc học sinh Nguyễn Hoàng tràn vào chiếm lĩnh “trận địa ăn uống” này. Lúc đầu chưa đông, cơm nhiều thức ăn khá, sau đó chất lượng có phần sút giảm nhưng lượng người ăn tăng mạnh, phải chen chúc mới mua được phiếu. Những học sinh cùng làng cùng nhóm thường phân công mua phiếu sớm, không thì hụt ăn.
Ngoài chuyện học thì các sinh hoạt xã hội khác khá hiếm hoi, bạn bè chỉ biết nhau rằng mày làng này, tao làng kia thân tình nhưng thiếu gần gũi. Cũng bởi chiến tranh rồi điều kiện sinh hoạt hạn chế một phần, phần thiếu tổ chức, trong khi các lớp khác ra được báo tường hoặc có du ngoạn…thì lớp tôi chẳng có hoạt động nào ra hồn ngoài việc có một lần vận động cứu trợ bão lụt, trưởng lớp Trịnh Lăng (Trà Liên) lên phổ biến kêu gọi kẻ ít người nhiều nhưng y ta lúng túng nói thành “kẻ ít nhiều tiền”, cả lớp cười cái ầm rồi chẳng ai đóng góp, kì thực có đứa nào có tiền đâu mà góp. Họa hoằn có một lần đến giờ thầy Lâm (toán lý) dạy, thầy cho nghỉ qua sân vận động đá banh. Lần này mấy tay Chơn Giáo, Chơn Chiên  trong lớp thì lầm lì nhưng ra đây  mới tìm được mảnh đất sống, phát huy được khả năng tung hoành, trở thành cầu thủ hàng đầu của lớp.
Nói chuyện tiền làm sao quên được những phen trốn nợ. Từ năm 1963, Trường đã xây xong dãy phòng ở sát đường Quang Trung, gọi là dãy nhà phụ huynh bởi do tiền của phụ huynh đóng góp xây dựng. Quy định trước đó là mỗi học sinh phải đóng 50 đồng. Văn phòng trường gửi giấy liệt kê danh sách những học sinh mà cha mẹ chưa đóng, giám thị gọi tên học sinh ra và mời lên văn phòng làm việc. Ở quê tôi, công làm thuê một ngày 2 đồng, công thợ là 3 đồng, nay phải nộp 50 đồng, lấy đâu? Nghe sợ lắm, nhìn thấy giám thị xuống và các lớp bên xôn xao là xin thầy ra ngoài ngay, trốn. Cũng có thầy phát hiện và nhá trước cho học sinh trốn. Hóa ra các thầy cũng thông cảm và “tiếp tay” cho học sinh nhà nghèo. Thực ra, nhà trường cũng chỉ  làm căng trong vòng tuần lễ rồi bỏ luôn, từ đó về sau không bao giờ nghe đến chuyện nạp quỹ phụ huynh gì cả. Chúng tôi học trường Nguyễn Hoàng 7 năm không phải đóng một đồng quỹ nào. Hơn nữa có bạn tôi như Võ Mẹo thi vào đỗ thứ 9, năm nào cũng lên lớp, được nguyên 7 năm học bổng.
Chúng tôi học Toán  đầu tiên với thầy Thỉnh (người làng Đạo Đầu), thầy dạy hình học và bảo có nhiều loại hình học cao cấp hơn nhưng giờ hãy học hình học phẳng cái đã, cũng giống như nắm nguyên lí chiếc tàu bay già  rồi sau đó hãy tìm hiểu về phản lực. Dạy về đường thẳng song song, thầy bảo trong thực tế không có hai đường thẳng song song, hai bức tường song song thì ngôi nhà sẽ sập, hai sợi dây dọi gọi là song song kì thực nó gặp nhau ở tâm quả đất…Những phản biện về Toán như vậy làm chúng tôi thích thú, hằn sâu như một thứ triết lí. Thầy phụ trách lớp tôi lại kiêm nhiệm Phòng thí nghiệm của trường, đặc biệt ở Nguyễn Hoàng, phòng được đặt tại vị trí trung tâm trang trọng nhất của Trường. Có lần Thầy cho cả lớp đi làm vệ sinh Phòng thí nghiệm, chúng tôi háo hức, cả một thế giới tranh ảnh, bản đồ, mô hình, thiết bị hiện ra trước mắt. Đứa nào cũng tích cực lau dọn theo phân công, cuối buổi thấy thưởng công  bằng  cách cho soi nhìn kính hiển vi. Thầy hướng dẫn điều chỉnh to nhỏ khi quan sát một cọng tóc. Chúng tôi thấy sợi tóc đen hóa màu tím, chung quanh  là những nốt sần nhỏ, thật thích thú khó tả.
Chúng tôi cũng học Toán với thầy Phan Khắc Đồ (sau này dạy ở Phan Chu Trinh- Đà Nẵng), một người có phương pháp sư phạm cực kì chặt chẽ và sáng sủa, thầy dạy ở các lớp trên, bảo chỉ dạy tạm ở lớp chúng tôi. Môn Toán trừu tượng và logic đến nghiệt ngã nhưng dưới sự hướng dẫn của Thầy, mọi thứ trở nên rõ ràng, đứa học toán kém nhất lớp cũng hiểu được. Có lần trường tổ chức văn nghệ tại rạp Đại Chúng, Thầy có lên biểu diễn violin.
Chúng tôi cũng được học Toán với thầy Nguyễn Văn Thị. Người Thầy thấp mập, là sĩ quan pháo binh biệt phái. Thầy hiền nhưng nghịch và khi nổi nóng thì cộc tính lắm. Thường thì bọn học sinh lớp trước đã nắm tính tình phong cách khả năng của các ông thầy và rỉ tai lưu truyền cho lớp sau khai thác. Thầy giải bài toán xong, hướng dẫn lại, nhiều khi nói nhanh nên gấp gáp lúng túng  Thầy thường bảo này ra này, này ra này, thế…thế …thế…Ai không tin giở sách ra mà xem. Học trò cười ồ, Thầy đỏ mặt nhưng cũng cười rồi mắng: Cười chi mà cười! Biết Thầy nghịch, mấy khi còn dư giờ, có đứa gọi ý thầy cho biết chuyện kín. Thầy cười bảo : Lớp tụi bây con trai tau mới nói chứ lớp có con gái  tau không nói đâu. Đàn ông một lỗ hai việc còn đàn bà hai lỗ hai việc…Cả lớp cười rần rần. Và nhiều chuyện độc nữa kia. Thưa Thầy, Thầy dạy chúng em học toán hàng năm, biết bao kiến thức nhưng rồi không khéo chúng em quên hết, còn chuyện “trần tục” này thì không nhắc cũng nhớ, một mảng vui  học đường, cứ nhớ đến Thầy là mỉm một nụ cười. Thầy hiền như Bụt nhưng nóng lên thì học sinh sợ một phép. Có lần Thầy lên văn phòng có việc, sổ điểm để nguyên trên bàn, Trần Phiếm lên ghi vào cột  kiểm tra một điểm số khiêm tốn: 13 (Thời bấy giờ thang điểm 20). Cả lớp đều thấy, đương nhiên không ai thóc mách lại  thế mà Thầy vừa vào, liếc qua sổ đã phát hiện ngay. Thầy đập bàn gọi Trần Phiếm, mắng: Có khi mô mi cỡi lên đầu cha mi  mà nhổ râu cha mi không? Phiếm khóc xin lỗi. Thầy quát đi lấy sổ phạt, Phiếm bị phạt 2 giờ cấm túc. Thời bấy giờ mà nghe hình phạt cấm túc dù chưa biết xử phạt thế nào nhưng sợ lắm.
Cô Táo cũng dạy Toán lớp chúng tôi, tôi nhớ như in chữ kí cô trong sổ đầu bài là cTáo, cô dạy nhiệt tình và dễ hiểu. Cô vừa là Giáo sư Hướng dẫn lớp. Có lần, tiết của cô  Huệ (lí hóa), lớp không có khăn bảng, Cô hỏi sao không chuẩn bị, trong lớp có tiếng nói không ai phân công. Cô bảo sao không báo với giáo sư  hướng dẫn để phân công, giờ hướng dẫn để làm gì. Có người thưa rằng giờ hướng dẫn Cô cũng dạy toán luôn. Cô Huệ bảo rằng thế thì tốt, người ta dạy toán cho còn việc khác lớp phải lo đi chứ. Có tiếng dưới vọng lên: Dạy thì ăn tiền. Cô Huệ giận, bước ra. Đến giờ sinh hoạt, cô Táo vào hỏi ai phát biểu. Cả lớp im lặng. Thực ra tôi và nhiều bạn chỉ nghe tiếng hàng sau vọng lên chứ cũng không biết ai phát biểu. Cô hỏi nhiều lần vẫn im lặng. Cuối cùng cô cho ghi phiếu kín tên người nói. Té ra anh chàng Lê Cảnh Phong. Phong bị phạt 2 giờ cấm túc. Trên đường về, anh ta  vẫn bướng bỉnh bảo: Cô mất 2 giờ mới phạt được tau, Cô phạt tau 2 giờ thì tau cũng phạt Cô 2 giờ. Nói năng thầy chạy thật! Sinh hoạt hướng dẫn (giờ của giáo sư cố vấn- ngày nay gọi là giờ sinh hoạt lớp, tiết chủ nhiệm) bị xem nhẹ, chắc cũng thiếu chuẩn bị về nội dung hoặc khung sinh hoạt nên Thầy Cô thường cho nghỉ hoặc dạy chuyên môn trám vào. Trong trường học hiện nay, tiết sinh hoạt cũng tỏ ra thiếu hấp dẫn và  hiệu quả, giáo viên và học sinh  rất chán.
Năm đệ thất có thầy Sơn dạy vẽ, bởi nói giọng Nam bộ nên lớp thường gọi Thầy là người Sài Gòn, học thì học vậy nhưng không nghe rõ thầy nói gì. Có lần Thầy dặn vẽ trang trí ở nhà nhưng tôi không nghe rõ, đến giờ, các bạn khác đưa bài lên chấm điểm, tôi hoảng lên vẽ đại một hình vuông rồi kẽ vẽ  vào, bị ăn zéro. Một môn mà đứa kém nhất cũng được 13- 15 điểm, mình lại bị 0, làm sao bù điểm, đau đớn xấu hổ thật! Môn hội họa thực sự làm chúng tôi thích thú ở năm đệ ngũ, Thầy giới thiệu mình là một giáo sư hội họa chứ không phải họa sĩ, Thầy hướng dẫn các quy luật xa gần, cách thức ước lượng, bố cục…Dưới những nét phác họa kỹ thuật, bức tranh hoàn thiện dần trên bảng thực thích thú, cả lớp bị mê hoặc, tiếc rằng chỉ học Thầy có mấy tháng.
Cô Tường Vi dạy địa, thầy Ân dạy lịch sử, thầy Tuần dạy vạn vật. Thầy Ân có mái tóc bồng bềnh, giọng khàn khàn, tôi nhớ cò lần Thầy say sưa giới thiệu về phi đội Thần Phong ném bom và đâm máy bay vào hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng trong thế chiến II. Thầy đọc những bức thư của các phi công gửi cho vợ trước khi lên đường cảm tử. Nghe cũng phải xuýt xoa cảm phục người Nhật. Thầy Bá là người dạy môn Anh văn đầu tiên, thầy người thanh nhỏ, đọc tiếng Anh rất ròn. Sách học là quyển Let’s learn English. Môn học cần ghi nhớ, nhiều bạn thiếu ôn luyện, nửa chừng thì nản rồi buông. Cô Tâm Thạnh (phu nhân của thầy Gioang) mới ra trường được phân vào dạy lớp tôi. Cô trẻ trung, mảnh mai, tóc cắt kiểu demi garçon như một nghệ sĩ, hiền từ, thường nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không la rầy. Có lần dạy bài Thông điệp của nữ hoàng Anh gửi thần dân, cô ngại viết bảng, hỏi có ai viết bảng đẹp, các bạn giới thiệu tôi. Thực ra trong lớp tôi nhiều người viết chữ đẹp, nhất là chữ Nguyễn Thái, đẹp như khắc chạm. Chữ tôi khi viết đứng khi viết nghiêng, thay đổi mẫu kiểu tùy hứng, có sắc sảo nhưng không thật bay bướm lắm. Tôi hồi hộp lên viết bảng, xong về chỗ xem lên, đến bây giờ mới được xem đầy đủ sản phẩm của mình, quá đẹp, bạn bè tôi có con mắt thật. Trong khi tôi viết bảng thì Cô chép toàn bài vào trong tập cho tôi, thực vinh hạnh nào bằng, tôi thường khoe với bạn bè “thủ bút” của  Cô, tiếc rằng không lưu giữ được. Vừa rồi xem ảnh Lê Quý Phi  (tứ 3) gửi cho, thấy Cô hạnh phúc bên Thầy, nét xưa Thầy Cô vẫn còn, dễ nhận ra, thật cảm động.
Năm đệ lục, thầy Liệu (hình như dạy môn Địa lí) dạy chúng tôi một đoạn hành khúc nói về người dân Do Thái trên đường về lại vùng đất Hứa: Ề sa lu lơ man à vô đa. À vô đa lơ man ê sa lù. Zùm gà li ga li ga li zùm gà li gạ li... Chẳng hiểu nội dung thế nào, chúng tôi cứ tưởng tượng ra đoàn ngươi Do Thái về phục quốc sau hàng nghìn năm lưu lạc, vừa phấn chấn vừa cảm phục một dân tộc kiên cường.
Lớp học  môn Việt văn với cô Hảo, Cô dạy chu tất, cung cấp cho cả một hệ thống kiến thức từ chuyện Thơ Nhị thập tứ hiếu đến văn chương Tự lực văn đoàn. Thầy Quật (Thầy bảo quật là quýt, tên Thầy  lấy từ chuyện Lục Tích trộm quýt, một tấm gương hiếu) dạy  vui, giờ Thầy thực cởi mở. Cao hứng, Thầy còn cho  cả lớp tập làm thơ. Trong lớp có hai bài được Thầy khen đó là bài của tôi và Lê Tây. Bài thơ của tôi làm lúc thiếu niên mà không thua ghì ông cụ non chắc cũng  vì chịu ảnh hưởng của Chinh phụ ngâm gì gì đó.
Chàng vẫn mãi là người lính chiến
 Nơi xa xăm đợi tiến bước chân
 Khi nào hết việc trung quân
 Thì chàng trở lại sống cùng vợ con
Thầy khen vần điệu chuẩn, có điều trung quân là xưa rồi, nay người ta phải nói trung với dân. Sắp tết, Thầy vào, cả lớp nhao lên  xin cho liên hoan, té ra Thầy cũng chuẩn bị sẵn một bữa đãi đằng độc đáo là lôi ra cho cả lớp chục phong kẹo cao su chia nhau vừa nhai vừa  văn nghệ. Thầy bảo muốn hát hò trò chơi kể chuyện tiếu lâm gì cũng được. Được thể tôi kể một câu chuyện tiếu lâm hơi tục, mấy bạn cùng bàn bấm bấm sợ thầy rầy la nhưng không, thầy bảo cứ kể tiếp tục rồi cười đỏ cả mặt mũi. Sau này lên đệ Tam, tôi lại được học với Thầy. Thầy Anh cũng có dạy lớp chúng tôi một thời gian, Thầy cẩn trọng, vốn chữ Hán phong phú, thường dẫn nghĩa giúp học trò hiểu kĩ.
   

Có thể nói thầy Mai là thầy Việt văn để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với lớp. Ở Thầy là sự kết hợp vốn hiểu biết thâm sâu và phong phú của một nhà nghiên cứu văn học và phong cách diễn đạt sắc sảo bay bướm đầy sáng tạo của một nhà nghệ sĩ. Thầy đã thổi vào hồn chúng tôi lòng say mê văn chương từ thơ Đường, từ điển tích, từ tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa đến thơ văn Việt Nam. Thầy chỉ ghi đề bài, thế là giảng, đọc thơ cổ điển cũng như thơ hiện đại truyền cảm lạ lùng. Cả một hệ thống kiến thức được Thầy dẫn dắt, đối chiếu gieo trong lòng người học biết bao ấn tượng. Những bài thơ chữ Hán khó thế mà nhờ thầy truyền cảm, chúng tôi đều nhớ thuộc lòng. Mồi điếu thuốc Salem, rít một hơi, Thầy vừa đi lại vừa giảng, lớp im phăng phắc, chúng tôi vừa ghi vừa thấm từng lời. Phân tích màu xanh trong Chinh phụ ngâm:. Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/ Thấy xanh xanh như mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai Thầy lại đối chiếu qua màu xanh  Cỏ non xanh tận chân trời trong Truyện Kiều rồi màu xanh trong thơ hiện đại: Làng tôi là một màu xanh/ Màu xanh thân mến trong lành anh ơi/ Nhưng từ khói lửa ngụt trời/ Màu xanh nay đã úa phai điêu tàn/ Màu xanh của mạ non/ Ôi một màu xanh rờn/ Thắm như những tà áo/ Của cô nàng gót son/ Màu xanh của vườn cây/ Mà buổi trưa nào đấy/ Ra vườn tôi cộ võng/ Nằm lặng ngắm trời mây…(Văn Hai). Thầy phân tích  từng sắc thái, từng tâm trạng, chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa mê mẩn. Không thấy Thầy gọi lên đọc bài nhưng bài của Thầy đứa nào cũng đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, cứ trông đến giờ Thầy để mà xuýt xoa.
Các thầy trước đây rất oai. Nội cái tên gọi giáo sư nghe cũng trân trọng rồi. Khoảng cách giữa thầy trò là khoảng cách kiến thức, mỗi thầy một nét riêng nhưng thầy nào cũng giỏi, trò rất phục thầy, chắc cũng nhờ sự tuyển chọn làm cho ngành sư phạm  bấy giờ thu hút được tinh hoa. Sinh hoạt của thầy cũng cách biệt. Thầy đi cửa giữa, học sinh chỉ được đi cửa nhỏ một bên bên. Khu sinh hoạt của thầy riêng biệt. Phụ huynh cũng không dám mời thầy ăn uống nói chi học sinh, không có chuyện thầy đi chơi ăn uống buông tuồng với trò. Thầy lại sang, những năm 60 mà nhiều giáo sư đi xe con,  xe vespa, mặc veston cà vạt sang trọng trong khi học trò áo quần còn có chỗ vá, đi dép địu. Sau này được như thầy là trong mơ rồi. Thường những ngày sắp nghỉ tết nguyên đán, thấy thầy vào là lớp xin liên hoan, thầy phải xì ra một cọc. Được chơi khỏi học lại còn được ăn bánh kẹo, sướng! Trò không tiền, thầy chiêu đãi trò chứ không có chuyện trò chiêu đãi thầy như sau này. Trường có tổ chức xổ số tom-bô-la vào dịp tết, ai mua? Thầy mua rồi phát tặng cho các lớp. Thầy hào phóng lắm!
Phải nhập học cả tháng tôi mới thấy thầy Hiệu trưởng, dáng thầy cao thẳng, phương phi. Dưới hiệu trưởng có hai bộ phận giúp việc là giám thị và giám học. Học sinh rất sợ thầy Xuân tổng giám thị, dáng người cao to, râu ria, da ngăm, nhiều đứa vi phạm nội quy bị thầy đánh tới tấp. Sau ngày đảo chính 1/11/63, nghe rằng bị học trò đả đảo, Thầy chuyển đi đâu không rõ. Và rồi thầy Thanh lên làm tổng giám thị. Giám thị có nhiều như thầy Địch, thầy Kinh…còn trẻ, chỉ nhắc nhở ít la mắng nên học sinh đều có cảm tình. Những năm này nhà trường có thêm phòng y tá  do cô Hồ phụ trách, chúng tôi rất siêng lên xin thuốc, cứ khai nhức đầu sổ mũi linh tinh gì đó là được cho cả nắm thuốc. Bộ phận giám học được thành lập khoảng 1964, do thầy Vĩnh Quyền dáng người thanh lịch phụ trách. Giữa phòng giám học và dãy lầu treo một sợi thừng ngăn, có lần bạn tôi là Đỗ Điện nhảy qua bị vướng, té gãy tay (nghe đâu bây giờ đang làm chủ nhà hàng ăn uống tại Ái Tử).
Thời bấy giờ trong thanh thiếu niên thường dùng quán ngữ "Xưa!" để chê bai một điều gì đó. Có lần, một học sinh cứ đi vô đi ra văn phòng, thầy Doan làm thư kí  hỏi có việc gì, anh ta không nói rồi bảo "Xưa!". Thầy Doan nóng lên sạc cho một trận: "Vô cổ bất thành kim, không có xưa làm sao có nay, không có cha anh làm sao có anh, không có ông nội anh làm sao có cha anh?". Anh học sinh kia có nước chạy. Tôi chưa bao giờ thấy có người chưởi hùng hồn, chưởi sướng đến như vậy.
Trong học sinh bấy giờ có nhiều băng nhóm thường gây sự đánh lộn, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi sợ lắm. Văn Cư học trên tôi một lớp, người lỏng khỏng yếu ốm nhưng nhờ mẹo vặt mà không ai dám dọa lại còn sợ nó nữa chứ. Nó quen với thằng Thu người lầm lì nóng lên là bất kể, nổi tiếng đấm đá. Cư bàn với Thu, cho Thu giả làm đàn em, trước mặt học sinh các lớp, Cư quát tháo đánh đá vào người, Thu làm bộ dạ huện sợ sệt, bọn học trò tưởng tay này ghê gớm lắm, sợ Cư một phép.
Bấy giờ, đứa nào thi đệ nhất lục cá nguyệt hoặc đệ nhị lục cá nguyệt (bây giờ gọi là kiểm tra học kì 1, học kì 2) mà điểm cao nhất lớp thì được vinh hạnh làm sơ mi (chermi), xếp bài mình ngoài cùng bọc (làm áo) các bài còn lại. Người làm sơ- mi phải xếp thứ tự theo điểm số, lập danh sách, trình giáo sư bộ môn kí rồi nộp lại cho phòng giám học. Trong 4 năm đệ nhất cấp, đứa học trò trung bình như tôi may mắn được ngóc lên 2 lần ở môn Nhạc và môn Việt văn, thế là vinh dự lắm rồi. Những bạn giỏi có khi làm sơ-mi mệt nghỉ.
Học hành tuyển chọn  khó nên lớp dưới lớp trên cách biệt, học sinh lớp trên cũng phải ra vẻ kẻ cả với lớp dưới và lớp dưới không nói lễ phép nhưng cũng phải kiêng vì lớp trên.

IV.            TRUNG HỌC ĐỆ NHỊ CẤP

Hè năm 1967 hoàn thành chương trình đệ nhất cấp, kì thi trung học (Diplome) được bỏ  một năm rồi,  học sinh nào đủ điểm thì  được cấp chứng chỉ Trung học. Lên đệ nhị cấp, vấn đề đầu tiên là chọn Ban. Bấy giờ Trường có 3 ban: Ban A (hai môn chính là Vạn vật và Lí hóa (đều hệ số 3), ban B: (môn Toán hệ số 4, Lí hóa hệ số 3), ban C (môn Việt văn và Sinh ngữ (Ngoại ngữ Anh hoặc Pháp) hệ số 3). Toán và Anh văn mình không giỏi, chỉ còn nước chọn ban A, nhiều đứa mỉa là ban “học thuộc lòng bất tài vô tướng”, kệ nó, biết mèo nào cắn mỉu nào.  Bạn bè thuở đệ nhất cấp một phần nghỉ học, phần chuyển trường, còn lại phân tán, tôi vào đệ Tam A1. Giờ trên túi áo được thêu tên và lớp màu xanh.
Nhờ trong hè có dịp tiếp cận sớm với  chương trình nhất là xem trước môn Toán nên lên tôi học khá thong thả. Môn Pháp văn là sinh ngữ phụ cũng tạo được hứng thú vì là bô môn mới toanh với mình, do thầy Gioang giảng dạy. Thầy đọc tiếng Pháp hay và khá nghiêm khắc nên học trò rất chịu học.
Suốt  đệ nhất cấp, lớp tôi toàn đực rựa, nay lên đệ Tam mới có một số bóng hồng:  Lịch, Thêm, Diệu Á, người lớn nhất là chị Trà. Một số bạn quen các lớp khác, thêm số bạn từ trung học tư Bồ Đề, hoặc trung học các huyện như  Gio Linh, Hải Lăng vào như Ngọc Chắt, Ngọc Vọng, Chớ, Giỏ, Cường, Dũng, Tín, Đằng…Từ Tứ 1 lên có Hiệu, Tứ 3 có Quang Vọng …
Thầy Quật lại dạy Việt văn, tính Thầy vui, dư giờ thì cho học trò kể chuyện, không khí lớp vui rộn lắm. Thầy Lộc dạy văn chuẩn mực, kiến thức chắc đủ nhưng ít bay bướm, chỉ để lại một ít ấn tượng khi thầy đi sâu phân tích ba bài Thu của Nguyễn Khuyến mà Thầy thủ đắc.
Lớp chúng tôi cũng được học với Thầy Đằng. Tôi nhớ, dạy thơ văn nhàn tản của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thầy bảo cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như nhà giàu, ăn thịt cá bưa ớn thì thích món dưa giá. Đúng là một phản biện đáng suy nghĩ. Có lần thầy ra đề văn nghị luận xã hội: Con dại cái mang. Tôi giải thích, bình luận đồng thời vận dụng thực tế cũng như các quan niệm tôn giáo để nêu một số phản biện. Bài làm của tôi được thầy cho điểm cao ngất ngưởng với lời phê khen ngợi những lập luận phản biện. Bài được bạn bè chuyền tay nhau đọc. Thế là tôi có tiếng “cây văn” của lớp, đó cũng có thể là điểm nhấn sau này tôi chọn vào Đại học sư phạm Việt Hán và sau này đi vào viết lách thường nghiêng về phản biện thậm chí khi dạy Cao đẳng, nhà trường cũng giao tôi đảm trách phần hùng biện trong Nghiệp vụ sư phạm.
Môn vạn vật học với cô Toàn, dáng người cao ốm, ai cũng phục trí nhớ của cô. Chúng tôi học đi học lại không nhớ nhưng cô bảo cô học dễ lắm, chắc nhờ Cô có phương pháp.
Môn lí hóa đệ Nhị học với thầy Bính, Thầy mới ra trường và đảm trách khoảng giữa học kì. Mới ra dạy nên còn lúng túng lắm nhưng Thầy nhiệt tình và tận tụy nên học trò rất quý. Do là năm thi, nhiều bạn nài nỉ mở nhóm dạy thêm, Thầy đồng ý đảm trách. Nhóm  mở trường Bồ Đề, Thầy kiêm luôn ôn luyện cả Lí - Hóa - Toán. Thuở ấy tưởng Thầy còn độc thân, trong lớp thường cặp đôi chị Trà với Thầy, Thầy phớt lờ. Có bữa đang học thêm, Thầy nói chưa dứt thì chị Trà có ý kiến, một đứa vọt miệng chọc: Thầy nói chưa hết mà chị Trà đã giành (Ý như phụ nữ át chồng), Thầy giận quát : Đừng nói tầm bậy! Im re hết, từ đó không đứa nào dám cặp đôi nữa. Vừa rồi Quý Phi (tứ 3) gửi cho tấm hình chụp ở Huế, thấy Thầy vẫn mạnh khỏe, mừng lắm!
Thầy Lộc dạy toán dễ hiểu. Thầy Mãn dạy môn sử cho lớp từ đệ Nhị, Thầy người nhỏ, nói năng rất duyên dáng. Thầy vừa tốt nghiệp ĐHSP Lịch sử. Tôi nhớ nhất câu nói đầu tiên đầy ấn tượng của Thầy: Sử là gì? Sử là thời sự của quá khứ. Cách diễn đạt của thầy bóng bẩy, lời nói có sức lôi cuốn, tâm huyết  với bộ môn. Thầy còn dạy tôi năm đệ Nhất nữa.
           Cuối năm đệ Tam, lớp học quân sự lần đầu tiên được mở tại trường, nam sinh phải dự. Mỗi đứa được phát một bộ đồ ka-ki vàng, mũ ca-lô. Đa phần đều tháo ra may lại, chỉ vài đứ để nguyên vậy mà mặc, rộng thùng thình. Lớp do các sĩ quan bên Tiểu khu (đóng tại Thành Đinh Công Tráng nay là chứng tích Thành Cổ) phụ trách. Quân sự dăm bài, cũng đội ngũ một hai, lăn lê bò toài lấy lệ rồi sau đó tham gia duyệt binh trước  Tòa Hành chính tỉnh. Đến năm đệ Nhị cũng có học quân sự mấy buổi đại khái về hàng lối đội ngũ do các Thầy là sĩ quan biệt phái như thầy Thăng, thầy Sấm... đảm trách.
Trong số bạn bè, tôi thân với Nguyễn Đằng (ở thôn Thạch Hãn) nhất, hắn vui tính, hiền hòa. Đằng có năng khiếu trình bày, thường làm các thiếp xuân hình hoa và cô gái nhân dịp tết, Đằng ưu tiên tặng tôi một tấm, thật tuyệt. Hè đệ Tam, Đằng đưa quyển lưu bút và một hai nài nỉ tôi viết đầu tiên. Tự nhiên nghĩ mình đi lính làm bài thơ gửi lại cho Đằng, dài lắm, chỉ nhớ một đoạn:
  Phượng nở rồi mình thấy lòng tê tái
 Bước chân đi xa tuổi dại học trò
 Xa Đằng rồi còn đâu chuyện nhỏ to
 Xa tất cả những giờ không còn gặp
 Xa bạn bè mình thấy lòng quặn thắt
 Nhưng Đằng ơi mình biết nói làm sao
 Đứng nhìn nhau hai dòng lệ tuôn trào
 Trai chinh chiến với mùa li loạn…
Bài thơ lan đi khá nhanh, tôi nhận được nhiều lời khen và nhiều bạn có cảm tình. Nhất là thằng Giáo lớp kế bên (nhà ở xóm Ga), nó thuộc hơn cả tôi thuộc bài thơ mình nữa, nó cứ xuýt xoa câu Trai chinh chiến với mùa li loạn. Tôi xem Đằng và bạn bè là kẻ ở, đặt mình vào thân phận người đi nào ngờ tôi chẳng đi lính tráng gì cả, học một mạch đến sau 1975 ra trường còn bạn bè đa phần đều đi lính, riêng Đằng không học lên đệ Nhị nữa mà đi lính sớm, đi chuyên viên không quân. Hóa ra thơ mình mà vận người.
Bọn học trò trong lớp tôi nghịch giỡn ghê lắm. Tôi nhớ thằng Tín cận, có lần thầy Đằng sai đọc lại bài ca dao “Tiếc sự biết nhau quá chậm”, hắn dặng hắng rồi ngâm như người ta tấu sớ: Trèo lên cây bưởi hái hoa “Rớt”(Bước) xuống vườn cà hái nụ tầm xuân… Bạn bè cười rung lên cả nhưng y vẫn thản nhiên ngâm đọc. Nghịch thầy chạy luôn!
Không khí chiến tranh lan vào học đường, ngồi học mà nghe tiếng súng tiếng bom từ xa, bên trường máy bay trực thăng lên xuống liên tục, ngoài đường lính tráng, xe pháo súng đạn. Tất cả chi phối tâm trí thầy trò. Trường chỉ tổ chức dạy học các môn chứ không có hoạt động vui chơi sinh hoạt gì khác. Học trò thì bị phân tâm. Một số quyết tâm lo học, một số mang tâm lí rã rời. Thi bán phần (Tú tài 1) đến nơi, lao vào mà ôn. Chuyến này hỏng tú tài là anh đi trung sĩ… Đậu tú tài là cầm chắc cái chuẩn úy trong tay.
Trước khi đi thi Tú tài, nhà trường tổ chức cho học sinh thi thể dục nào chạy, ném tạ, leo dây, nhảy cao… để lấy điểm cọng thêm, cao nhất là 2 điểm (một loại điểm rèn luyện thân thể, thực ra chẳng rèn luyện gì, cứ đến lúc đó thì thi), hình như tôi được 1 điểm.
Chúng tôi phải vượt đoạn đường hơn 60km vào Huế thi Tú tài 1. Tôi thi tại trường Quốc học. Tôi nhớ đề văn năm ấy ra bình giải hai câu thơ của Nguyễn Khuyến: Ơn vua chưa chút đền công, Cúi trông thẹn đất ngửng trông thẹn trời. Đề thuộc loại khó, phải nắm chắc hoàn cảnh lịch sử và tiểu sử tác giả, nắm được tâm trạng của tác giả mới bình giải được. Môn Việt văn tôi không sợ, vạn vật làm đúng, giải toán ra, các môn khác làm được được. Mới thấy, chưa thi thì lo lắng đủ thứ, thi xong một phát làm được hay không cũng cảm thấy mình nhẹ tênh. Đứa nào cũng có cảm giác đó.
Đang thơ thẩn chơi trước nhà thì thằng Nhẫn rủ đi Huế dò kết quả. Thì đi, xin mạ ít tiền rồi lên đường. Xe chạy dọc đường gặp con rắn bò ngang, nó lách tránh bảo gặp rắn là may lắm. Vào đến trường Quốc học cũng là lúc Hội đồng treo dán kết quả, Tên tôi, số kí danh, đúng rồi, tôi đậu, hạng thứ. Coi đi coi lại cho chắc ăn, tôi đậu rồi! Còn nó, thằng Nhẫn, dò nát cả vẫn không thấy, rà qua danh sách các phòng vần khác xem thử có lộn không, cũng không thấy. Tôi giữ xe nó vào dò, mặt nó trắng bệch chạy ra, tôi bảo nó giữ xe, tôi vào dò, lại không có bước ra. Thế này thì nó hỏng thiệt rồi! Mặt thất sắc, nó mất tinh thần hẳn. Cay đắng. Thôi về! Biết nó mất tinh thần tôi bảo để tôi chạy xe cho nhưng nó vùng vằng. Thôi ghé vào ăn uống gì rồi về, nó ừ. Ăn uống xong tôi trả tiền nhưng nó giành trả, quyết giành trả, tôi đành chịu. Trên đường từ Huế ra Quảng Trị giữa muôn ngàn xe cộ nào xe Mỹ, nào xe nhà binh ùn ùn vụt vụt mà nó lầm lì lách lách lạng lạng chạy như thằng say, tôi ngồi sau lè lưỡi nhắm mắt, phát lạnh cả người. Quãng đường hơn 60km mà tôi nín khe, không sao an ủi nó được một lời vì  nói ra càng dở, hơn nữa sợ nó giận mắng cho thì mệt. Tới Quảng Trị, nó đưa tôi tận nhà, tôi chưa kịp nói gì thì nó bảo: Thôi chúc mừng mi còn đời tau không biết đi về đâu đây! Rồi cúi mặt quày xe đi ngay. Những năm 1980, tôi làm giáo viên tình cờ gặp nó chạy mánh ở Sài Gòn, chẳng ma nào ra hồn, tôi còn đói hơn nó.
Tôi vào, biết tin tôi thi đỗ, cả nhà mừng rỡ, mọi người đều khen ngợi thán phục. Cả xóm Ga mười mấy đứa thi, chỉ có hai đứa là tôi và Tâm (hiện ở Đồng Nai) đậu. Năm 1968 thi nới, năm nay thắt lại, tỉ lệ đỗ chung chỉ 10,2%. Qua  được một mô ách trong chặng đời học tập, sướng không gì bằng.  Lớp tôi khoảng gần bốn chục người nhưng số đậu chỉ sáu người, đúng là trên đầu ngón tay. Không qua được ách, nữ đi lấy chồng còn nam không còn tuổi để học lại thì đã có quân trường hạ sĩ quan Đồng Đế vẫy gọi!
Đậu và hỏng hơn kém nhau cái bằng là hơn kém nhau một cái đầu. Nhiều mối tình lìa tan cũng vì nàng đậu chàng hỏng. Cặp Phan- Ánh cũng cặp kè nhau từ nhà đến trường suốt hai năm học không lúc nào rời, con đường Quang Trung con đường Hưng Đạo ngày ngày chàng nàng chung bước, học sinh cả trường còn biết nữa là. Thế  nhưng định mệnh trớ trêu, nàng Ánh vượt qua kì thi còn chàng Phan rơi lại. Ngày biết kết quả cũng là ngày tự động khai tử mối tình, không  một lời trăn trối.
Khi học lớp dưới chúng tôi thường ngắm nghía ngưỡng mộ những học sinh đệ Nhất vì họ đã có Tú tài 1, thấy các anh đi ngang, chúng tôi còn khép nép tránh đường. Bây giờ mình cũng được lên đệ Nhất. Năm  1967, Ban A chỉ có 1 lớp đệ Nhất. Còn một cửa ải Tú tài 2, nếu không vượt được thì không thể “rớ cột trụ đại học”, lại phải lao đầu vào học.
Nhất A được vài chục bạn gom từ các lớp đệ nhị lên và một số bạn hỏng Toàn phần học lại. Nữ có mấy bông là Hoàng, Quỳnh, Thìn (sau này đều tốt nghiệp ĐHSP Vạn vật), hình như Lê Thị Ba cũng có học một thời gian sau mới chuyển lớp? Năm đệ Nhất ai cũng chúi mũi học, không có thời giờ để sinh hoạt, chuyện trò nên ít thân thiết.

Môn Việt văn  không còn được học ở đệ Nhất nữa mà thay bằng môn Triết. Môn mới có vẻ trí tuệ thâm sâu, gồm ba bộ phận Luận lí học, Đạo đức học và Tâm lí học, đứa nào cũng háo hức. Thầy Tâm dạy Triết. Ở Thầy là một con người trí tuệ ẩn giấu sau một con người chơn chất mộc mạc, một trí thức dưới một vẻ dáng nông dân hiền hòa. Thầy dạy hấp dẫn, học sinh mê phục. Lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc với những bậc thầy trí tuệ nào  Socrate, Platon,  Aristote, Hegel, Kant, Descartes…, biết đến duy tâm duy vật, biết đến tam đoạn luận, biết đến trực giác, ý thức…Trong giờ triết học, tôi thường hỏi và được thầy khen. Có lần tôi thắc mắc rằng Descartes đề cập đến bản thể và tùy thể (nhị nguyên) nhưng  cũng chính ông lại duy tâm khi tuyên bố; “Tôi tư tưởng (hoài nghi) vậy tôi có”, như vậy là mâu thuẫn. Thầy khen rối rít rằng: “Anh thắc mắc có lí, anh thắc mắc có lí!”. Được thầy Tâm khen  đâu có dễ, tôi sung sướng hãnh diện đến bây giờ.
Thầy Suyền dạy toán. Đúng là môn toán đệ Nhất  mà đệ Nhất A thôi đã cực khó. Những bài Thầy cho giỏi lắm học trò cũng chỉ giải được phân nửa, Thầy phải hướng dẫn mới giải xong. Có nhiều bài quá khó, Thầy cũng phải toát mồ hôi vò đầu suy nghĩ cả giờ. Môn học căng thẳng lắm, thỉnh thoảng Thầy cũng dành một ít thời gian kể cho cả lớp nghe chuyện Thầy đi chơi Sài Gòn, vui lắm. Thầy Gioang lại dạy Pháp văn. Thầy Châm dạy Anh văn theo quyển English for today (Book 4). Môn chính Vạn vật do cô Ngọc Lan dạy. Cô sôi nổi, nghiêm khắc, dạy rõ ràng chặt chẽ. Đúng là các cô Vạn vật có trí nhớ tuyệt thật. Tôi có may mắn gặp Cô khoảng năm 1978 ở Trường cấp 3 Duy Xuyên – Quảng Nam. Thầy Tường dạy Lí Hóa chưa đầy nửa năm học thì chuyển đi, Thầy Bính thay thế, thường thì các thầy chỉ tập trung dạy Lí còn Hóa giao cho học trò tự học.
Đối với một học sinh trung bình như tôi thì năm đệ Nhất là năm học quá vất vả. Hết năm học lại vào Huế thi Tú tài 2 (ngày 8-7-1970). Bài làm có môn được, môn tàm tạm, chưa biết đậu hỏng thế nào. Thôi thì rủ một cái nhẹ gánh, được thì lên đại học không thì quân trường Quang Trung vẫy gọi.
Đang tha thẩn thì nghe xe hon da ầm ầm tiếng réo, thằng Lê Đắc Đơn (làng Đa Nghi, hiện kinh doanh nhà hàng ở Bảo Lộc) kéo theo một đám bạn bè ùa vào báo tin đậu, tôi ngần ngừ chưa tin vì sợ bọn chúng lừa. Thằng Đơn khẳng quyết rằng không tin thì đưa quyển sách Vạn vật ra cho nó xé cho mà tin. Thế là tin, mình đậu, gào lên một cái cho đã nào, sướng quá chừng trời đất! Và rồi chạy về Trường rồi đi báo tin cho các bạn khác. Thi cử năm này cũng dễ thở nên trong lớp tôi đậu gần hết, chỉ hỏng năm sáu người. Đậu hạng thứ thế là được rồi, trong lớp có Quang Vọng đậu ưu, Thiện Thuyết đậu bình.
Làm bộ hình ma nhưng thực ra tôi tướng cóc, nhát lắm, tôi thường gọi mấy cô học cùng lớp bằng chị, xin kính nhi viễn chi. Tuổi học trò cũng loáng thoáng bóng áo dài trắng này áo dài trắng khác nhưng chỉ thoáng qua mong manh. Cũng làm thơ tình kiểu như tưởng tượng ra rồi bi lụy của tuổi mới lớn. Không có một mảnh tình vắt vai nhưng lại làm thơ thất tình mới là ngộ. Bài thơ hình như chịu ảnh hưởng âm điệu của một người du học ở Pháp. Tôi chép trong sổ, thằng cháu học lớp đệ thất rình đọc rồi xuýt xoa khen, hỏi thơ ai, tôi bảo của tôi. Có người khen dù đó là đứa trẻ con  nên chi cũng nhớ nhập tâm.
Thôi mà em
Bởi hai đứa mình
Không một lời ước hẹn
Dĩ vãng úa tàn
Biết làm sao cho vẹn thương yêu
Anh biết xa em
Đã mất rồi tất cả
Hình bóng dịu hiền
Một đời anh ấp ủ
Em đi rồi
Làm sao thương nhớ cho nguôi
Em đừng bảo vì tình anh nông nổi
Anh dối lòng anh
Em không tin dù chỉ một lời

             ***
Có ngôn từ nào không
Diễn tả được cõi lòng
Khi hai đứa mình
Ngày nhớ…
Đêm mong…

Tình yêu thuở học trò Nguyễn Hoàng của tôi là thế. Đúng là “giết người trong mộng đã bội thề”. Não nề dữ hôn!
Ngẫm lại từ lớp Thất 2, sau bảy năm (1963-1970), từ một lớp 50 học sinh chỉ có khoảng chục người: Nguyễn Thái, Trần Trinh, Lê Tây, Lê Núng, Lê Quang Bình, Lê Xuân Quảng, Võ Mẹo, Văn Viết Đế, Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Hùng (không biết các bạn chuyển trường thế nào) hoàn thành trọn vẹn được bậc trung học. Con đường đại học mở ra cũng là lúc giã từ biết bao bè bạn.

V.               VĨ THANH

Đất Quảng Trị gắn bó sâu nặng với thời lập nghiệp của các chúa Nguyễn nhất là việc mở mang và xây dựng một cõi phương nam, Trường vinh dự mang tên vị chúa khai nghiệp Nguyễn Hoàng. Ngôi trường Nguyễn Hoàng của tôi, ngôi trường gắn bó sâu nặng cả quãng đời trung học, vật vã với gió nam gió bấc, với gian nan đau thương của chiến tranh bom đạn. Ngôi trường với bao tâm huyết của thầy và nỗ lực của bạn. Từ Trường bao thế hệ đã trưởng thành và tỏa khắp mọi miền. Trò chạy loạn Trường cũng chạy loạn, có thời gian trường phải dời vào Non Nước Đà Nẵng rồi  về Hải Lăng, chơ vơ trong cát gió. Hòa bình trở lại, bao thế hệ học sinh Quảng Trị  trở về nhưng Trường cũng bị xóa tên từ đó, bao thế hệ học trò cũ như mất bến đậu, mất chốn trở về. Rằng xưa ở một gia đình nọ, đời ông chịu thương chịu khó nhịn ăn nhịn mặc tích cóp tiền của mua thật nhiều ruộng đất để lại cho con cháu. Để tưởng nhớ công lao vun đắp, đời con ông có dựng cho ông một tấm bia nho nhỏ để ghi công trạng hòng cho con cháu nối đời nhớ đến tổ tiên. Đạo lí tưởng đơn giản như thế nhưng nào ngờ đến đời cháu, đi đâu chúng cũng khoe có đất nhiều ruộng tốt, gắn bó máu thịt với ruộng đất, ra sức dọn đất dọn vườn để sinh sôi của cải, và gặp cái bia mộ giữa phong sương lẽ ra thắp vào mấy nén nhang nào ngờ chúng nhẫn tâm cuốc bỏ vì chê là hủ lậu, cho là tàn tích phong kiến bóc lột.  Nghĩ đau!
Nhớ về Nguyễn Hoàng, nhớ về một thời trai trẻ, ngôi trường hằn sâu trong tâm khảm bao thế hệ. Được học ở Nguyễn Hoàng là một vinh dự, từ Nguyễn Hoàng ra đi, có người thành đạt, có người không nhưng ai mà chẳng tự hào mình từng một thời học sinh của ngôi trường yêu quý này. 



LỚP ĐỆ THẤT 2 – ĐỆ TỨ 2
NĂM HỌC 1963-64 ĐẾN 1966-67

1. Đặng Khắc A                                              2. Phan Văn A           
3. Nguyễn Văn Ánh                                       4. Bùi Hữu Bàng 
5. Lê Quang Bình                                          6. Võ Thái Bình         
7. Nguyễn Chơn Chiên                                  8. Phan Đình Dẫn          
9. Trần Dưỡng                                                10. Lê Đảo     
11. Văn Viết Đế                                              12. Đỗ Điện   
13. Nguyễn Chơn Giáo                                  14. Phùng Giáo          
15. Nguyễn Hiêu                                            16. Nguyễn Duy Hoa
17. Nguyễn Hồng                                           18. Huỳnh Minh Hùng        
19. Nguyễn  Ngọc Hùng                                20. Nguyễn Văn Hùng          
21. Lê Hy                                                        22. Lê Thọ Khánh     
23. Huỳnh Văn Khánh                                  24. Trịnh Lăng           
25. Thái Văn Lưu                                          26. Võ Mẹo  
27. Lê Thanh Năm                                         28.  Nguyễn Hữu Nguyên   
29. Lê Văn Nông                                            30. Lê Núng                                                 
31. Lê Cảnh Phong                                        32. Trần Phiếm                                             
33. Trần Đình Phùng                                     34. Lê Xuân Quãng                               
35. Thái Văn Sinh                                          36. Văn Son                                                
37. Nguyễn Minh Sơn                                    38. Nguyễn Đình Kiến Tánh                          
39. Lê Tây                                                       40. Nguyễn Thái                                           
41. Hoàng Văn Thành                                   42. Nguyễn Tạo                                    
43. Võ Văn Thảo                                            44. Nguyễn Trì                                             
45. Trần Trinh                                                46. …Thanh Trúc                                         
47. Đoàn Tùng                                                48. Nguyễn Tượng                                       
49. Trần Yên                                                   50. .....Phú (nói giọng Bắc)

-----------------------------------------------------

Võ Mẹo (Võ Làng Trâm) ghi lại theo trí nhớ, Lê Quý Phi (Tứ 3) bổ sung...
Bản chụp danh sách Thất 2 đến Tứ 2/NH do Lê Xuân Quãng cung cấp . Còn thiếu  ... PHÚ, Đinh Quang Tạo chuyển qua  Thất 3- Tứ 3.










































1 nhận xét:

  1. March 9, 2015 Từ Facebook
    Quang Toan Nguyen tao da doc roi, bai viet nhung ky niem tu nho den khi vao de that cho den de nhat truong NH...bai rat hay,nhieu ky niem .....tao gio benh kem tri nho...bai nay lam nho lai mot thoi hoc tro dang yeu...gio dau con..cam on Tiểu Hùng Tinh
    March 31, 2015 Từ facebook Nguyen Suong Bai Viet cua anh hay lam, cam on lớp dan anh
    UnknownSeptember 3, 2015 a
    Chú viết hay lắm. Cháu rất thích những câu chuyện như vầy. Viết để nhớ. Sao chú ko viết về làng mình nhỉ? Hôm trước về thăm làng, gặp anh em Sang, Sáng nhắc tới chú nhiều lắm.
    September 3, 2015 Từ facebook
    Mu Nguyen Thi Bài viết quá hay Chú ạ,chân thật,gần gủi và rất thân thương .
    Like · Reply · 3 hrs
    Sĩ Tú ký sự đẹp !
    September 9, 2015
    Doi Nguyen Anh da doc HOI UC NGUYEN HOANG .Hay qua Chu Hung oi ! Thanks a lot of .
    September 6
    Bâng Khuâng July 27, 2016 at 6:39 PM
    Bài viết giản dị nhưng cuốn hút vì chân thành!
    August 29, 2016 Hoa Nguyen Thi Hay lắm ! Anh không học Vạn Vật nhưng trí nhớ cũng siêu đó chớ !
    Hoa Nguyen Thi Hay lắm ! Bài viết rất sống động . Trí nhớ của anh siêu lắm, thua chi dân Vạn Vật ?
    Tiểu Hùng Tinh Cảm ơn Hoa Nguyen Thi quá khen.
    Hoa Nguyen Thi H cũng có viết về thời kỳ đi học Trung Học . Để rồi gửi qua email cho anh đọc chơi . H ko viết blog
    August 29, 2016 Từ Facebook: Lê Đức Tải -Giá trị vô cùng!
    Huan Hoang Ngoc Thầy ơi ! Thì ra Thầy cùng lớp với Thầy Hùng Anh văn Hồi trước Thầy Hùng vô Cà Mâu trước khi vượt biên em có gặp Thầy Hồi sau75 Thầy Hùng dạy em ở C3 Đôngha
    Tiểu Hùng Tinh- Đúng, mình là bạn Nguyễn Ngọc Hùng (hiện ở Cali).
    July 16, 2017 Hồ Trọng Trí -
    Cám ơn Tiểu Hùng tinh cho đọc Hồi Ức Nguyễn Hoàng hay & chi tiết độc đáo

    Trả lờiXóa