Mặt
(tiếng Hán: Diện): Phần trước đầu có nhiều bộ phận mắt , mũi, miệng… Mặt
gốc là một bộ phận cơ thể được phái sinh
thành nhiều nghĩa chỉ phần (có thể tròn hay phẳng) chường ra : Mặt trời, mặt trăng, mặt nước, mặt gương,
mặt bàn, mặt bằng…
Trong
tiếng Việt, mặt thường được sử dụng theo lối hoán dụ (dùng bộ phận chính yếu,
tiêu biểu để chỉ toàn thể) để chỉ cả người: coi
mặt, dạm mặt (nhà trai đưa lễ đến để gặp gỡ, xem con dâu tương lai); đối mặt (đối diện), mặt đối mặt là cần thiết khi cần đối chứng những
vấn đề của các bên liên can. Thần thái con người thường hiện ra ở khuôn mặt hay
nói cách khác, khuôn mặt tóm thu thần thái con người nên mới có chuyện coi mặt mà bắt hình dong, nhìn bề ngoài để đoán định nhân cách, đoán
định bên trong. Hoạt động âm thẩm đến lúc ra công khai gọi là lộ mặt (xuất đầu lộ diện); dằn mặt là dùng lời lẽ hay hành động đe
nạt người khác; ý kiến, thái độ quay ngoắt trăm tám chục độ bị mắng là trở mặt; chê bai mắng mỏ người khác
trước đông người thì dễ làm người ta bẽ
mặt, mất mặt. Mặt dày mày dạn chỉ
hiện tượng nhiều kẻ chai mặt, không còn biết mắc cỡ nữa. Đầu trâu mặt ngựa (Ngưu đầu mã diện) chỉ bọn ác quỷ.
Hình
ảnh mặt thường được dùng làm các tử mắng mỏ, khinh ghét: mặt dày, mặt mo, mặt thớt, mặt
cú, mặt quỷ… Sắc diện cũng thể hiện khi chất, nhìn vào có thể đoán định
được các trạng thái tâm lí. Mặt trắng chỉ hạng người trẻ còn tuổi
học trò (bạch diện thư sinh); mặt tái có thể do giận hay sợ tùy
người; mặt cắt không còn chút máu chỉ
sự sợ sệt (Mặt như chàm đổ mình dường dẽ
run- cảnh Thúc Sinh quá sợ sệt trong buổi báo ân báo oán của Thúy Kiều); mặt đỏ tương trưng trung nghĩa (mặt Quan
Công); mặt đen mang hai nghĩa trái
ngược nhau: chỉ thiết diện vô tư như mặt Bao Công – Trông lên mặt sắt đen sì (Kiều) hoặc chỉ những kẻ xấu , kẻ ác-
những khuôn mặt phản diện trong xã hội: khuôn
mặt đen, mặt mốc… Mặt đỏ như vang mặt vàng như nghệ chỉ hai trạng thái đối
nghịch: Oai phong và sợ sệt. Mặt xanh
nanh vàng chỉ trạng thái đói khát hoặc bệnh hoạn. Trong nghệ thuật hát
tuồng, mỗi tính cách nhân vật được thể hiện bằng những khuôn mặt khác nhau.
Và
không thể không đề cập đến nhưng khuôn mặt đẹp. Mặt hoa da phấn chỉ ngươi đẹp đài các. Mặt chữ điền vuông vức cũng là quý tướng- Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Hàn Mặc Tử). Cũng có khi mỉa mai người đẹp túi rỗng là Mặt chữ điền tiền không có. Mặt trái xoan (trái sầu đâu, sầu
đông) cũng là khuôn mặt lí tưởng của những
cô gái.
Có tích Thôi Hộ đời Đường đi chơi xuân, khát nước, gõ cửa một nhà có hoa đào thì được một cô gái bưng nước ra cho uống, Thôi Hộ cảm động lắm. Năm sau, chàng lai đi chơi xuân chốn cũ thì không còn gặp cô gái nữa, chỉ có hoa đào trước gió như cười cợt. Tức cảnh nên thơ, hãy đọc để cảm thêm về khuôn mặt đẹp- người đẹp như thấp thoáng trong hoa: Khứ niên kim nhật thử môn trung- Nhân diện đào hoa tương ánh hồng- Nhân diện bất tri hà xứ khứ- Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Thôi Hộ) (Năm ngoái ngày này trong cửa này- Nàng cùng hoa đào lồng bóng- Năm nay nàng đi đâu vắng bóng- Hoa đào còn cười trước gió đông).
Có tích Thôi Hộ đời Đường đi chơi xuân, khát nước, gõ cửa một nhà có hoa đào thì được một cô gái bưng nước ra cho uống, Thôi Hộ cảm động lắm. Năm sau, chàng lai đi chơi xuân chốn cũ thì không còn gặp cô gái nữa, chỉ có hoa đào trước gió như cười cợt. Tức cảnh nên thơ, hãy đọc để cảm thêm về khuôn mặt đẹp- người đẹp như thấp thoáng trong hoa: Khứ niên kim nhật thử môn trung- Nhân diện đào hoa tương ánh hồng- Nhân diện bất tri hà xứ khứ- Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Thôi Hộ) (Năm ngoái ngày này trong cửa này- Nàng cùng hoa đào lồng bóng- Năm nay nàng đi đâu vắng bóng- Hoa đào còn cười trước gió đông).
3-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét