BÚT NGUYÊN TỬ
Ảnh internet
Tiếng Hán Việt có nhiều từ chỉ
vua: đế, vương, hoàng, quân. Đế
Nghiêu, đế Thuấn (Ông Nghiêu làm vua, ông Thuấn làm vua) được xem là hai ông
vua đầu tiên của Trung Hoa cổ đại. Đến đời Ân, Chu thì gọi là vương như Trụ
vương nhà Ân, Chu Thành vương nhà Chu. Khi nhà
Chu suy, vua một số nước chư hầu (chỉ được phong tước công, hầu) cũng tự phong
lên tước vương cho ngang hàng nhà Chu như Sở vương, Tấn vương…Đến Tần Thủy
hoàng gồm thâu thiên hạ, xem công lao mình bao trùm công lao Tam hoàng Ngũ đế
nên tự xưng là hoàng đế- Tần Thủy hoàng đế. Như vậy, danh hiệu hoàng đế là cao
nhất.
Thời
phong kiến, nhiều lần nước ta chiến thắng, giành được độc lập nhưng bởi là nước
nhỏ, cần giữ hòa hiếu nên vua Việt phải xưng thần (bề tôi) với vua Tàu, gọi là
thần phục Thiên triều. Khi lên ngôi, vua Việt phải sai sứ sang xin cầu phong và
vua Tàu sai sứ sang sắc phong, cao nhất là An Nam quốc vương. Tuy vậy, trong
thực tế, vua Việt vẫn tự xưng là hoàng đế. Trung Hoa có đế thì Việt nam có đế. Thời Bắc thuộc, Lý Bí lãnh đạo nhân dân đứng
lên giành độc lập, lấy quốc hiệu Vạn Xuân, tự xưng là Lý Nam đế. Thủ
lĩnh kháng chiến Mai Thúc Loan có nước da đen được nhân dân tôn là Mai Hắc đế.
Đến đời Lý, trong Chiếu dời đô ( Lí Thái Tổ chủ trương dời kinh đô từ Hoa Lư
(Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) với lí do là để xây dựng sự nghiệp đế vương muôn đời. Trong kháng
chiến chống Tống, Lý Thường Kiệt có bài Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) đã nhấn mạnh: Nam quốc sơn hà Nam
đế cư (Sông núi nước nam vua nam cai quản). Chữ đế hết sức quan
trọng thể hiện sự bình đẳng, không lệ thuộc, không yếu thế trước Trung Hoa.
Quân
thần cương- đạo vua tôi là mối dây ràng buộc, là trật tự đầu tiên trong tam
cương (quân thần, phụ tử, phu phụ) của đạo lí nho gia. Khổng tử chủ trương
chính danh: Quân quân, thần thần, phụ
phụ, tử tử (Vua ra vua, bề tôi ra bề tôi, cha ra cha, con ra con). Sau này,
nhiều nho gia cực đoan, muốn lấy điểm với bọn vua chúa nên đã méo mó thành ra
quan niệm Trung thần bất sự nhị quân
(Tôi ngay không thờ hai vua), Quân sử
thần tử, thần bất tử bất trung (Vua khiến bề tôi chết, bề tôi không chết là
không trung thành) nhằm truyền bá tư tưởng ngu trung. Có vua sáng (minh quân),
có vua hôn ám (hôn quân); minh quân thì thờ, hôn quân thì phải lật thay bằng vua
khác cho ra vua thế mới đúng với chính danh chứ!
Con gọi cha (đang làm vua) là phụ hoàng (vua cha). Nhiều ông vua như
Trần Nhân Tông, Hồ Quý Ly sớm truyền ngôi cho con để lên làm thái thượng hoàng.
Vua còn nhỏ (ấu quân) thường có người nhiếp chính- cai trị giúp. Chỉ có vua mới
được quyền gọi anh em của mình là hoàng huynh hay hoàng đệ (Anh, em của vua không
được gọi vua bằng em, anh mà phải gọi là hoàng thượng, xưng là thần tử. Ngay cả cha
mẹ cũng hiếm khi gọi con là hoàng nhi mà vẫn gọi là hoàng thượng, bệ hạ). Các vợ bậc cao của vua là hoàng hậu thứ đến là hoàng
phi. Vua gọi mẹ là mẫu hậu, thái hậu. Con trai chuẩn bị nối ngôi là thái tử,
còn lại là hoàng tử. Con gái được gọi là công chúa, nếu có tước phong ngang
tước công thì gọi là quận chúa.
Vua Nghiêu, vua Thuấn truyền ngôi cho người hiền, chế độ
thế tập (truyền ngôi cho con hoặc em) có ở Trung Hoa từ thời Hạ, Vũ; ở Việt
Nam, có từ thời Hùng vương; phương Tây cũng có rất sớm- Con vua thì lại làm vua !
Những triều đại trở thành chuyên chế, do một dòng tộc trị vì nên hình thành cả
một bộ sậu hoàng gia, hoàng triều, hoàng tộc...
Họ vua thành họ của nước (quốc tính), nhiều triều đại có lệ ban quốc
tính cho các công thần như Nguyễn Trãi được đổi thành Lê Trãi vì có công với
nhà Lê. Tục này vẫn còn ở một số nước
như Cam-pu-chia, ông thủ tướng Hun-xen được mang thêm họ vua thành Sam-đec
Hun-xen.
Nước, bờ cõi vua trị vì là vương thổ, vương quốc. Khi
Pháp chiếm Lục tỉnh, Nguyễn Đình Chiểu viết : Cám bởi một câu vương thổ (Đau buồn vì đất đai nhà vua bị mất) (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Thời phong
kiến, đất đai do tư nhân sở hữu nhưng danh
nghĩa vẫn là đất vua- Đất vua,
chùa làng, phong cảnh bụt. Tháng 8/1945, vua bảo Đại thoái vị sau đó câu
kết với Pháp, được Pháp giao cho vùng Tây Nguyên, xem là Hoàng triều cương thổ !
Xưa quan niệm sống là hưởng ơn vua lộc nước. Nhiều người
được vua ban cho phần ăn thừa, được cho miếng thịt, một ít bánh trái thì xem là
đại vinh hạnh. Đem về nhà chưa dám ăn liền, phải đặt lên bàn thờ cho tổ tiên
hưởng trước rồi mới đem xuống phát cho
một người một chút gọi là chung hưởng
lộc vua ban. Khổng tử làm quan nước Lỗ, khi vua ban thịt cho các quan mà không
có phần thịt cho mình, biết không còn được trọng dụng nên từ quan. Còn ban lộc
là còn tín nhiệm, lộc vua quan trọng và ý nghĩa đến thế !
Không phải khi nào vương cũng chỉ vua mà nhiều khi chỉ là tước phong : vương, đại vương, phó vương (tước phong
ngày xưa thường là công, hầu, bá, tử,
nam). Tước vương thường chỉ phong cho người trong hoàng tộc. Trong triều đại có cả vua và chúa (vua bù nhìn,
quyền lực trong tay chúa) thì chúa thường được mang tước vương như Điện Đô
vương- Trịnh Cán (thời Lê Trịnh), còn vua vẫn giữ danh hiệu hoàng đế. Nhiều tay
chúa cũng muốn hớt luôn danh hiệu hoàng đế về mình cho gọn nhưng không dám vì sợ quần thần, dân chúng không
phục rồi sinh biến (trường hợp Tào Tháo cũng chỉ mang danh Ngụy vương ; có
lần chúa Trịnh định xóa sổ vua Lê, sai người thăm dò ý kiến, được Nguyễn Bỉnh
Khiêm khuyên Giữ chùa thờ Phật thì
ăn oản, nên không dám ). Đời Trần có
lệ phong vương cho người hoàng tộc có công : Trần Quốc Tuấn được phong
Hưng Đạo đại vương, Trần Nhật Duật là Chiêu Văn vương... Đời Nguyễn cũng phong
vương cho người hoàng tộc sau khi chết : Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy
Lý vương Miên Trinh... các công chúa được phong là quận vương. Nhiều vua còn phong vương cho cả thần bổn xứ
hoặc thần làng.
Không phải chỉ trần gian mới có vua mà còn cả một hệ
thống vua thần thánh. Trên hết là Ngọc hoàng thượng đế, thứ đến cõi nào cũng có
vua nào Long vương (vua nước), Diêm vương (vua âm phủ), Tây vương mẫu..., trong
bếp còn có vua bếp (Táo quân) và ngay đến con khỉ Tôn Ngộ Không cũng từng chiếm
cứ một vùng xưng là Mỹ Hầu vương...
Dân giả cũng đặt ra lắm thứ vua, người giỏi giang vượt
trội hoặc bá chủ một lĩnh vực nào đó thì gọi là vua : vua bưởi, vua voi, vua lốp, vua cờ (kì vương), vua leo núi... Một số thủ lĩnh dân tộc
thiểu số vùng cao cũng được gọi là vua : vua mèo (người Hơ mông). Đến rượu cũng có rượu đế dành cho các vua
(ba xị đế) uống. Dân giả miền Tây Nam bộ
cũng tếu táo đặt cho chiếc xe đạp lôi là xe
vua (xe xếp sòng các loại xe dành cho các khách hàng thượng đế ngự). Cường
hào ác bá làm trời đất một cõi cũng được gọi vua con, thứ này phải mạnh tay trừ diệt thì mới yên dân.
Mấy ông vua hay xem mình là thiên tử (con trời), trời mới
là vua cao nhất (thượng đế). Ngày nay, trong thương trường người ta đem ông
trời này nhập thân vào khác hàng gọi là khách
hàng thượng đế, ý bảo khách hàng là tối thượng mà sản xuất kinh doanh phải
tận tâm phục vụ. Không phải ngày nay mà từ xưa, những tư tưởng tiến bộ đều xem
ý dân là ý trời, dân đã là trời thì vua nào cũng phải tuân theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét