MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Từ CON trong tiếng Việt (chữ nghĩa)

 TIỂU HÙNG TINH
butnguyentu.blogspot.com

          Từ CON xuất hiện trong tiếng Việt với một tần suất lớn, tùy trường hợp sử dụng mà mang những nét nghĩa, hàm ý khác nhau.
          1. Trước hết, nó là một từ chỉ loại dùng chỉ động vật như con gà, con vịt, con cá, kể cả con đực, con cái, con vi trùng, con người, con trai, con gái, con tạo (hóa công, ông trời), con ma, con quỷ (trong trường hợp này, thượng đế, ma quỷ được hiện thực hóa thành động vật cụ thể)…Có người cho rằng con người gồm thành tố con chỉ phần thú vật hạ đẳng, thành tố người chỉ phần cao cả tinh hoa. Luận nghe là lạ hay hay nhưng thực ra khi nói vì con người, là con người thì đều tỏ ý tự hào, có yếu tố hạ cấp nào trong đó đâu. Hơn nữa, nói là con người có tác dụng khẳng định mạnh, đề cao hơn nói là người.
          2. Con cũng  dành chỉ người hoặc động vật thế hệ sau trong quan hệ trực tiếp với thế hệ  sinh thành hoặc thế hệ trên: gà con, Con hơn cha nhà có phúc (Tục ngữ), Nàng về nuôi cái (mẹ già) cùng con (Ca dao), cha mẹ lo cho con cái (con cái trong trường hợp này chỉ con). Có thể dùng làm danh từ xưng hô (trên gọi dưới, dưới tự xưng hô với trên): Con lại đây với cha! Thưa cha, con… Có thể dùng phụ sau danh từ, thuộc loại nhỏ so với loại lớn, phụ so với cái chính: sông con (so với sông cái), rễ con, cột con, xe con, gà con… 
3. Từ dùng để chỉ từng đơn vị, cá thể động vật: hai con gà (khi nói: mua gà thì không xác định được số lượng nhưng nếu nói mua con gà thì đã xác định số lượng là 1 con).
          4. Dùng để chỉ những sự vật thường có đặc điểm hoạt động, nói cách khác là động vật hóa sự vật: con đò (thường di chuyển), con mắt (nhìn, chớp mi), con tim (đập), con đường, con lươn (chạy dài trên đường), con thoi, con dao, con dấu, con nước, con số, con tính, con toán (biến hiện, thay đổi)…Chuyện kể ông Phan Khôi nghiên cứu ngữ học, một lần khoe đã tìm được lí do gọi con gọi cái. Gọi cái đối với những sự vật bất động còn gọi con đối với những sự vật có tính di động. Một người pha trò: Vì vậy mà người ta thường gọi “con ấy” và “cái ấy”. Vốn nghiêm túc, ông Phan Khôi lãng sang chuyện khác. Người viết bài này nghĩ chắc cũng vì lí do “ấy ấy” đó.
          5. Từ dùng chỉ  từ cá nhân người nữ không được coi trọng: con mụ đàn bà, con mẹ, con vợ, con ở (con hoa, con sen, con đòi , con nụ– đầy tớ gái) hoặc thân mật: con bé (bé gái), con nhỏ…Dùng để chỉ hạng người đáng thương : con bệnh hoặc đáng khinh: con ranh con lộn (đứa con được cho là đầu thai nhiều lần, không lần nào nuôi được để đòi nợ kiếp trước), con nợ, con nghiện (kẻ nghiện hút), con bạc, con phe (kẻ mua đi bán lại kiếm lời), con buôn (Ngày xưa người ta khinh thị tầng lớp buôn bán  vì cho là thách dối xảo trá, trái với đạo lí thánh hiền. Sĩ, nông, công, thương- buôn bán bị xếp cuối cùng trong tứ dân), con hát (nữ diễn viên trong hát tuồng- Xưa, nghề hát xướng bị xem là xướng ca vô loại, không được xếp trong tứ dân. Con cái của họ không được học hành, có học hành cũng không được đi thi, có tài cũng không được triều đình dùng- trường hợp Đào Duy Từ là một ví dụ).
          6. Chỉ vóc dạng, hình thể: to (đô) con, nhỏ con, oắt con
          7. Hợp với một từ khác để tạo thành một từ ghép hợp nghĩa hoặc tạo một cụm từ: vợ con (vợ và con), con cái (con), con cháu (thế hệ sau), con em (chỉ thế hệ trẻ), con bế con bồng, con bồng con mang , con cà con kê (cà kê dê ngỗng- tán gẫu hết chuyện này đến chuyện khác), con dòng cháu giống (con nhà có truyền thống giỏi giang), con dì con già (anh em con dì), con chú con bác, con gái con đứa (con gái), con Lạc cháu Hồng ( con rồng cháu tiên- tự hào về gốc gác người Việt),  con ông cháu cha (con nhà có quyền thế- Trong trường hợp này, người ta không cần nói theo cách thông thường là con cha cháu ông mà dùng kiểu tổng hợp nghĩa, nghĩa các thành tố bị biến dạng để tạo thành nghĩa chung, con ông này cháu bà kia, dựa thế thần là chuyện trái khoáy nên dùng kiểu nói năng trái khoáy nghe càng hợp)…
          8. Hợp với một từ khác để tạo nên từ ghép phân nghĩa: con nít, con mọn, con một, con rạ, con so, con thơ, con tin… Cũng có thể láy từ tạo ý nghĩa nhỏ: con con ( Sau chân theo một vài thằng con con (Kiều), cỏn con (chuyện cỏn con).
          9.  Một số từ đã biến nghĩa từ tự nhiên sang xã hội, từ con vật sang đồ vật, từ cụ thể đến trừu tượng, mang tính biểu trưng: con bài (đơn vị trong một cỗ bài lá)-  con cờ: chỉ phương tiện thực hiện một mưu đồ chính trị, con chạch: bờ đất nhỏ đắp cao chạy dài, con công đệ tử: những người sùng tín ở các đền miếu, con dao hai lưỡi: hai mặt tốt xấu của một sự việc, con đỏ: người dân bị áp bức (Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn- Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ- Nguyễn Trãi- Bình Ngô đại cáo), con lươn: phần ngăn cách được đắp dựng lên chạy dài giữa đường để tách  các làn xe, con chiên (cừu): tín đồ đạo Thiên Chúa, con chuột: - bộ điều khiển dùng trong máy vi tính-  u nổi lên khi bóp mạnh vào bắp tay, con cò: miếng gỗ  buộc trên cao để mắc dây trong khung cửi thủ công, con giống: cây nhỏ để trồng, con ong cái kiến: những người thấp cổ bé miệng, con rối: chỉ kẻ hành động theo sự giật dây, sai khiến của  người khác, con sâu con mọt: những kẻ tham nhũng, đục khoét, con tim: tình cảm, con tốt, con tốt đen (con chốt- trên bàn cờ tướng): kẻ bị người ta đem thí mạng, con vụ: xoay xở tất bật việc này qua việc khác.

                                                                                      10- 2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét