MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Cung bậc TIẾNG KHÓC

BÚT NGUYÊN TỬ
Ảnh internet
Phật giáo quan niệm đời là bể khổ: “Nước mắt chúng sinh trong ba nghìn thế giới còn nhiều hơn cả nước bón đại dương”. Một nho sĩ khẩu khí hừng hực “chí nam nhi, nợ tang bồng, dọc ngang ngang dọc” như Nguyễn Công Trứ vẫn xem đời là khổ: “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, Trần có vui sao chẳng cười khì”. Khóc cười  là biểu hiện hỉ lạc bi ai. Trong văn chương cổ kim, điệu buồn lấn át niềm vui, tiếng khóc át cả tiếng cười. Ai khóc? Khóc ai? Do đâu? …Tùy đó mà tiếng khóc có những sắc điệu khác nhau.

Có lẽ bài khốc văn đầu tiên trong văn học Việt Nam là bài khóc tế công chúa nhà Nguyên do Mạc Đĩnh Chi ứng tác và đọc trong lễ tang khi đang làm nhiệm vụ sứ thần ở Trung Hoa:
“Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
 Quảng hàn nhất phiến nguyệt
 Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!”
 (Trời xanh một đóa mây- Lò hồng một điểm tuyết- (Vườn) Thượng uyển một cành hoa- (Cung) Quảng hàn một mảnh trăng- Ối! Mây tán , tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết!)
          Bốn câu bốn chữ nhất, hiểu theo nghĩa độc nhất, thứ nhất đều được. Sánh mĩ nhân với tinh hoa đất trời, ngôn ngữ tụng ca thăng hoa đến tột cùng rồi đột ngột gieo chữ “Y” đầy ma lực chuyển tả đột ngột từ sự sống sang cái chết, từ tột cùng hoàn mĩ đến tàn tạ mất mát. Chữ “Y” vừa tán vừa khóc, vừa níu giữ vừa đưa tiễn. Cái chết của người đẹp làm cho đất trời cơ hồ nghiêng đổ. Khốc văn  khóc công chúa nước người , kiểu cách tán tụng ngoại giao nhưng vẫn là tuyệt tác xúc cảm, mang mang thương tiếc.
          Đọc Truyện Kiều , khó ai quên được  cảnh Thúy Kiều trong cơn gia biến đành lỗi ước với tình quân để bán mình chuộc cha. Cái đêm cuối cùng trước khi thuộc về tay người, sau khi lạy giao kỉ vật cho Thúy Vân nhờ nối duyên với Kim trọng, Kiều khóc:
                                       “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
                             Thôi thối thiếp đã phụ chàng từ đây!”
“Ôi”, “Hỡi” ngắt câu thơ ra như nấc, như tiếng sụt sùi nức nở gọi tên người tình. Hai tiếng “Thôi thôi” nghẹn ngào tuyệt vọng. Tiếng khóc vượt quá sự chịu đứng của người con gái. Và đúng vậy, sau đó: “Cạn lời hồn ngất máu say, Một  hơi lặng ngắt hai tay giá đồng”.
          Trước Nguyễn Du, Phạm Thái cũng nổi tiếng với bài Văn tế Trương Quỳnh Như (Phạm Thái mưu đồ chống Tây Sơn để khôi phục nhà Lê, quen biết rồi yêu em gái Trương Đăng Thụ là Quỳnh Như nhưng mẹ nàng không đồng ý mối lương duyên, ép gả cho người khác. Quỳnh Như tự vẫn, Phạm Thái thành một con người bất đắc chí, lang bạt kì hồ, mất năm 36 tuổi).
          “Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ , thu lẫn trăng rằm…
          …Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi tình cho nấn ná lương duyên. Mình long đong phận gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh…
          …Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm, chua xót cũng vì đâu? Não ruột cũng vì đâu?”
          Bài khốc văn chữ tiếng sang trọng, thanh nhã, hòa quyện nhuần nhuyễn, đau đớn xót xa cực độ. Từ mở đầu đến kết thúc là liên tiếp những câu hỏi bi thống  như muốn vạch trời mà kêu lên nỗi chua xót, trớ trêu, oan nghiệt, của đôi trai tài gái sắc.
          Tiếng khóc lan cả vào cung cấm. Một ông vua Tự Đức tài hoa hay chữ cũng cũng có những vần thơ Nôm khóc Bằng phi (bà phi tên Bằng) nổi tiếng:
                   “Ới thị Bằng phi đã chết rồi!
                    Ới tình! Ới nghĩa! Ới duyên ơi!
                    Mưa hè nắng chái oanh ăn nói
                    Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi
                    Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
                    Xếp tàn y lại để dành hơi
                    Mối tình muốn rứt ma không đặng
                    Lẽo đẽo theo hoài khóc mãi thôi!”
Bài thơ tám câu, hai câu đầu có bốn tiếng “Ới” một tiếng “ơi”. Câu đầu là tiếng khóc dài. Câu sau : tình, nghĩa, duyên được tách ra bởi các tiếng “Ới” tức tưởi, chia lìa và cuối câu là tiếng “ơi” chua xót. Tiếng khóc của Tự Đức hụt hẫng, chới với, đứt đoạn như không còn chỗ bám víu trước hung tin.
          Tam nguyên Yên Đỗ cũng nấc lên khi nghe bạn là Dương Khuê mất:
                                       “Bác Dương thôi đã thôi rồi!
                             Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta!”
          “Thôi đã thôi rồi” vừa nói giảm nói tránh trước tin dữ vừa như tiếng nấc tủi, tiếng khóc rệu rã tội nghiệp của “Tuổi già giọt lệ như sương”.
          Thảm nhất là lúc Nguyễn Khuyến khóc con trai là Nguyễn Hoan:
                    “Bảng vàng bia đá ngàn thu, tiếc thay người ấy
                    Tóc bạc da mồi trăm tuổi, thiệt  lắm con ơi!”
          Dù tác giả có nói tránh (người ấy) cho bớt chạm vào nỗi đau, dù tiếng khóc tiềm ẩn trong các thành ngữ có vẻ kiểu cách, khuôn sáo “bảng vàng bia đá”,  “tóc bạc da mồi” thì tiếng kêu  xót xa “con ơi!” cuối cùng vẫn bật lên. “Tre già khóc măng”, Nguyễn Khuyến khóc tiếc đời con vừa khóc tủi phận mình. Tình nghĩa cha con  quyện làm một, đau đớn tột cùng.
          Trong lịch sử cuối thời Lê trịnh đầu thời Tây Sơn có một nhân vật đầy rẫy mưu đồ được xem như gian hùng đời loạn, không từ bất cứ thủ đoạn nào để  xây đắp và củng cố địa vị  đó là Nguyễn Hữu Chỉnh. Thế nhưng con người ấy vẫn có bài văn Khóc chị thống thiết:
          “Ôi! Kiếp nhân sinh  là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như lửa đá, như chiêm bao; giây phút nên không dù nhẫn trăm năm cũng chẳng mấy…
          Thương thay chị mới hai mươi chín tuổi, cũng là kiếp hóa sinh…Ôi! Tạo vật làm sao, con người thế mà đến điều đau đớn thế. Bên trời góc bể, thân cố có ai; Đất khách quê người bui (chỉ) một chị một em đã hình đơn bóng chếch”.
          Lời văn nôm na mà bi thiết, khóc chị vừa đau  cho kiếp người phù sinh, vừa thể hiện tình thương chị thiết tha vừa mang niềm đau nhân thế. Đọc, ai chẳng cảm động. Ở đây có một Nguyễn Hữu Chỉnh khác, một Nguyễn Hữu Chỉnh nhân bản hơn.
          Tiếng cười của con người có khi tàn ác ngược lại, tiếng khóc bao giờ cũng thấm đẫm nhân văn, tình người. Nói văn chương là cuộc đời, văn học là nhân học… Nhưng cuộc đời là gì, con người là gì? Tùy quan niệm. Có điều văn chương về tiếng khóc lúc nào, bao giờ cũng thấm đậm tình người. Tiếng  khóc có cung bậc sắc điệu khá nhau nhưng cung bậc sắc điệu nào cũng mang nỗi đau làm nao lòng người, giúp con người gần lại, cảm thông và nhân ái với nhau hơn.

1 nhận xét:

  1. Facebook- Like: Kim Tran, Trieu Hoang and 11 others

    Quoc To Cong -[CUNG OÁN NGÂM]
    Thảo nào khi mới chôn nhao
    Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra (khổ quá! khổ quá!)
    Khóc vì nổi thiết tha sự thế
    Ai bày trò bãi bể nương dâu
    Trắng răng đến thuở bạc đầu
    Tử, sinh, kinh, cụ... làm nao mấy lần.

    Trả lờiXóa