TIỂU HÙNG TINH
butnguyentu.blogspot.com
butnguyentu.blogspot.com
Cũng như từ con, từ CÁI xuất hiện với tần suất lớn, có
ý nghĩa khác nhau, được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau.
1. Trước hết, cái được dùng chỉ loại
đồ vật: cái bàn, cái ghế vừa mang ý
nghĩa chỉ đơn vị: nói đóng bàn thì
không biết đóng mấy cái nhưng nếu nói đóng
cái bàn thì có nghĩa chỉ đóng 1 cái bàn. Cái thường đi với từ chỉ số lượng:
năm cái bàn, hai cái ghế…Dùng
chỉ từng đơn vị riêng lẻ, động tác hoặc
quá trình ngắn: ngã một cái, loáng một cái,
đùng một cái…Ở Bắc Trung bộ, cái được phát âm thành cấy: hai cấy ghế hoặc kì:
kì cưa…
2. Cái dùng chỉ giống loại- giống cái
(phân biệt với giống đực) trong động vật cũng như thực vật: trâu cái, hoa cái, nhị cái, đu đủ cái…
Người ta thường thêm tiếng cái để chỉ bé gái ở miền Bắc: cái Hoa, cái Hĩm…Cái còn có nghĩa chỉ mẹ: Nàng về nuôi cái (mẹ) cùng con, Cái cò (cò mẹ) đi đón cơn mưa- Cái tôm
cái tép đi đưa cò về. Khi nói làm lụng để nuôi con cái thì con cái trong trường hợp này chỉ có ý nghĩa con, tiếng
cái mất nghĩa, chỉ còn tác dụng láy. Cái
ghẻ: động vật sống kí sinh ở da, gây ra bệnh ghẻ.
Chuyện vui: Hai vợ chồng nọ li dị, đến phần chia gia
tài, bà vợ ra điều kiện rằng bà là giống cái nên cái gì thuộc giống cái là của
bà, cái gì thuộc giống đực là của ông. Ông chồng tưởng bở, gật liền. Đến khi
chia gia sản, từ cái bàn , cái ghế, cái chổi đến cái nhà đều của bà. Ông chồng
chỉ còn ba thứ giống đực là ông bình vôi, ông táo và đực rựa. Thua cú đậm,
trắng tay!
3. Cái là tính từ hàm nghĩa lớn, thường đi sau danh
từ: sông cái, đường cái, ngón tay cái…hoặc
mang nghĩa làm chủ trong đám bạc: nhà cái
(phân biệt với nhà con)( người phân phối bài, khui bài, chung chi hoặc ăn
tiền nhà con), làm cái, bắt cái (trong
hai trường hợp này, cái là danh từ). Phần chất đặc, thường là phần chính trong
món ăn có nước: Ăn cả nước lẫn cái, Khôn
ăn cái dại ăn nước, Ăn hết nước hết cái (ăn cạn tàu ráo máng, ăn sạch
trơn). Cái (từ Hán Việt) cũng hàm
nghĩa lớn lao: cái thế: bao trùm cuộc
đời: cái thế anh hùng (người anh hùng
vượt lên mọi người).
4. Chỉ giống gây ra chất chua: cái giấm, cái mẻ.
5. Cái dùng với nghĩa như từ sự nhằm danh từ hóa các động từ: cái ăn (sự ăn), cái mặc, cái
tốt, cái xấu…Danh từ hóa các tính từ: cái tốt, cái xấu, cái thiện…Danh từ
hóa các trạng từ: cái vui, cái buồn…Dùng
cụ thể hóa các danh từ trừu tượng: cái
tâm, cái tính, cái tình…
6. Dùng như một từ chỉ định trong trường hợp trách
móc, mắng yêu: cái anh này, cái thằng
này… Vuốt râu nịnh vợ: con bu nó- Quắc mắt khinh đời: cái bộ anh (Trần Tế
Xương).
7. Từ cấn cái
chỉ trạng thái vướng mắc, trong này tiếng cái có thể do từ cài (làm cho một vật mắc vào
một vật khác: cửa đóng then cài, cài hoa…) biến từ thanh bằng (cài) sang thanh
trắc (cái) khi kết hợp với cấn. Đây
không phải là từ láy mà là một từ ghép hợp nghĩa, chỉ là trường hợp biến âm chứ
không có nghĩa như các từ cái đã đề cập ở trên (Tham khảo thêm công trình
nghiên cứu: Giữ phụ âm đầu, tiến hành biến đổi vần- một phương cách tạo từ
trong Tiếng Việt- Tác giả: Nguyễn Văn Hùng, Nghiên cứu khoa học, Trường CĐSP
Sóc Trăng, 2011)
8. Một trong những đặc trưng trong địa danh ở Tây Nam bộ là dùng
tiếng cái: Cái Tắc, Cái Cui… Gọi Cái Bè, Cái Dầm thì còn dễ suy vì gắn và
giống với sự vật còn khi đặt tên là Cái
Mơn, Cái Vồn, Cái Nước… thì thực khó
hiểu vì không biết nó liên quan đến cái gì, giải mã được vấn đề này thì thực lí
thú.
9. Từ tiếng cái, hình thành một loạt thành ngữ, tục
ngữ đắc dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày: Cái khó bó cái khôn, Cái nết đánh chết cái đẹp, Cái răng cái tóc là
góc con người, Cái sảy nảy cái ung...
10- 2012
10- 2012
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1.Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ
điển Ngôn ngữ, Hà Nội,19922. Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ, Gs Nguyễn Lân, Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993
3. Sách Kiến thức Tiếng Việt phổ thông, Đỗ Việt Hùng, Giáo Dục, 1997
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét