MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

QUAN ĐIỂM TẢ PÍN LÙ

TIỂU TỬ VĂN
ảnh internet

            Mỗ theo nghề thầy. Muốn làm thầy phải học thầy, nhiều thầy càng tốt càng giỏi. Cầu được ước thấy.
            Trước hết, được thầy Giáp truyền cho quan điểm thầy truyền thụ- trò tiếp thu. Theo thầy, dạy học là chuyển kiến thức từ thầy sang trò, thầy truyền nhiều trò được nhiều, truyền ít được ít do vậy thầy phải gắng lên tích luỹ cho nhiều đặng truyền cho tốt. Nghe cũng có lí, cứ thế làm theo.
            Một thời gian lại được giáo sư Ất bồi dưỡng rằng quan điểm giáo dục truyền thụ một chiều như các ông đồ ngày xưa lạc hậu rồi, bây giờ thầy trò đều làm chủ, thầy chủ đạo- trò chủ động, cả hai đều tích cực. Nghe cũng hay, theo luôn.
            Thời gian sau lại được giáo sư tiến sĩ Bính, thấy bảo ba thứ lí thuyết cổ điển thủ công xưa xớm đó bỏ đi, quan điểm bây giờ là dù chiếc xe bò cũng phải gắn động cơ vào, thầy thiết kế- trò thi công, giáo dục phải là công nghệ. Nghe cũng hay, theo luôn!
            Thời gian sau nữa lại được giáo sư viện sĩ Đinh truyền cho cái mới, bảo học trò là trung tâm là quan điểm giáo dục hiện đại nhân bản nhất. Học trò như mặt trời, mọi phương tiện kể cả thầy cô giáo đều phải xoay quanh mặt trời bé con, chệch quỹ đạo là tiêu… Nghe rắc rối nhưng cũng hay, theo luôn!
            Hỏi: - Ai thuyết cũng khen cũng theo, bây giờ làm sao?
            Đáp: - Cứ làm đại thôi, trật chỗ này thì trúng chỗ khác, không đụng chỗ này cũng va chỗ kia  chứ biết làm sao nữa.
            Hỏi: - Cái nào cũng trúng nhưng không có cái nào ra cái nào cả, tùm lum tà la thế này thì làm sao?
            Đáp: - Thì thêm được một quan điểm mới trùm lên tất cả, quan điểm tả pín lù.

9-12

1 nhận xét:

  1. Facebook, 24--11-21,22L,1bl, 1cs
    Đinh Thị Thanh Điệp Nó trở thành lẩu thập Cẩm

    Trả lờiXóa