MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

LÚA (chữ nghĩa)

TIỂU TỬ VĂN
ảnh internet
 
 
LÚA- cây lương thực chính của nhiều dân tộc trong đó có người Việt. Có chuyện  sau 1975, nhiều sinh viên Sài Gòn đi thực tế ngoại thành, thấy lúa, có người ngạc nhiên: Cây lúa đây hả? Té ra quẩn quanh thành phố, ăn cơm hàng ngày mà lúa là gì thì không biết.

Tùy trường hợp mà lúa mang nghĩa chung hay cụ thể.  Lúa- chỉ chung cây lúa và hạt lúa; lúa má- chỉ cây lúa; lúa gạo- chỉ hạt lúa. Để thu hoạch được hạt lúa phải qua nhiều công đoạn: trồng tỉa (làm đất, gieo sạ- cấy, làm cỏ, theo dõi chăm sóc), thu hoạch (gặt, chuyên chở- gánh, đập hoặc suốt), bảo quản (phơi phóng, giê sảy cho sạch, cất  giữ), ra hạt gạo còn phải xay, giã , sang, giần. Ở Nam bộ thường ôm vác lúa đến chỗ suốt còn ở Trung và Bắc thường gánh về nhà rồi mới đạp, suốt…Hình ảnh “Gánh gánh  gánh thóc về…gánh về…gánh về”…trong một bài hát hết sức sinh động vì thể hiện được nhịp chạy khi gánh thóc nặng vừa thể hiện niềm vui thu hoạch. Ở Trung và Bắc người ta thường chất lúa bó thành từng giã vòng tròn rồi người dắt trâu đi vòng quanh đạp, sau đó xảy tách riêng rơm và thóc. Ở Nam bộ trữ thóc trong ví bồ,  Trung và Bắc thường cất giữ trong tra, lẫm (chồ) để chống ẩm mốc và chuột bọ.
Cây lúa phát triển qua nhiều giai đoạn, có những tên gọi rất hình tượng: lúa non- lúa thì (thời) con gái, lúa ngậm đòng- lúa trổ đòng, lúa ngậm sữa, lúa uốn câu (quằn xuống vì nặng hạt). Thành ngữ bán lúa non  chỉ cảnh người nông dân thiếu thốn bức bách, lúa chưa kịp chín đã phải bán trả nợ. Sau này còn biến dạng gọi hoa hậu lúa non  mỉa mai việc tổ chức thi hoa hậu nhí.
Ở miền Nam trước thường hay dung quán ngữ lúa đời hàm nghĩ tàn đời, chắc do chữ úa mà ra?
Theo mùa vụ có lúa xuân hè, lúa hè thu, lúa đông xuân, có vụ mùa, vụ chiêm- “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ- Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Thường thì làm hai vụ, có nơi xen canh, tối đa là ba vụ lúa.
Có hàng nghìn loại lúa, phải là nhà nông học chuyên nghiệp mới phân loại nổi. Nhà bác học Lê Quý Đôn (thế kỉ 18) trong Vân Đài loại ngữ đã liệt kê hàng trăm giống lúa. Có thể nói ông là người đầu tiên Việt Nam nghiên cứu về lúa. Tùy thủy thổ mà có các loại lúa khác nhau. Lúa trời (lúa ma)- thường có ở vùng Đồng Tháp Mười, hạt nhỏ, nước đến đâu lúa cao  đến đó, thu hoạch bằng  các lách xuồng  vào giữa đám lúa, lấy sào lùa ép, đập lúa hai bên vào; lúa sớm- gieo sớm và thu hoạch sớm trong vụ mùa; lúa rẫy (lúa nương, phân biệt với lúa nước) gieo thẳng trên nương ở miền núi;  lúa nếp- hạt dẻo, to và thơm dùng nấu xôi, làm bánh; lúa thần nông (IR)- trên cơ sở lai tạo các giống; lúa mì- ở vùng ôn đới, thường dùng làm bánh mì; lúa mạch- ở vùng ôn đới, hạt nẩy mầm dùng chế rượu bia. Các giống lúa địa phương tuy có khả năng thích ứng cao nhưng do năng suất thấp nên mất dần; do nhu cầu lương thực, người ta thường trồng loại lúa cao sản, lúa lai.
Hạt lúa có chắc (mẩy) có lép (dẹp). Chắc dành cho người, dẹp dùng nuôi gà vịt. Cây lúa đang làm đòng mà bị mưa gió ngã đổ thường bị hốp (háp), chỉ có vỏ, mất trắng. Nông dân thường chọn những hột lúa chắc mẩy nhất từ đám ruộng tốt để làm lúa giống, còn lại thì cho vào bồ vô bao. Thóc lúa đầy bồ chỉ sự no ấm, thấy ngót bồ lưng bồ là lo. Lén xúc lúa bồ đem đổi rượu thì  khác gì treo khóa miệng ăn gia đình con cái. Ăn luôn lúa giống  chỉ cảnh ăn tàn do đói nghèo hoặc xả láng, xơi kiệt nguồn tái sản xuất. Người nông dân quý hạt lúa, xem là hạt ngọc nên cố không để rơi vải lãng phí. Người ta còn tận thu bằng cách đi mót (lượm) lúa sót, cắt lúa chét- lúa nảy lên từ mầm ở các đốt gốc rạ…
Biệt danh tếu táo đặt cho người làm ruộng là Hai Lúa hàm nghĩa quê mùa. Thực ra, người làm lúa ngày nay đã áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật, mỗi người nông dân bên cạnh pho kinh nghiệm phong phú đã  tích trữ vốn kĩ thuật dồi dào. Ai dám bảo họ quê.


2005- 2011



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét