MỤC LỤC BLOG

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

PHỐI HỢP (HỢP TÁC)- một nguyên tắc cơ bản trong quản lí giáo dục

NGUYỄN VĂN HÙNG
Trường CĐSP Sóc Trăng

1.      Đặt vấn đề:
            Nguyên tắc quản lí là những tư tưởng chỉ đạo sự tổ chức và hoạt động của chủ thể quản lí; là quy tắc xử sự và hành động mà các cơ quan và cán bộ phải tuân thủ trong quá trình quản lí (Dựa theo tài liệu của Trường CBQLGD &ĐT II ) (1).
            Định nghĩa về nguyên tắc này thống nhất với nhiều tài liệu quản lí trước đây. Cần đề cập thêm là nguyên tắc quản lí mang tính chung, cơ bản, bền vững, cứng rắn. Nói chung, nội hàm của định nghĩa không gây tranh luận, vấn đề là việc xác định những nguyên tắc nào là cơ bản.
            1.2. Nhiều tài liệu quản lí nói chung và quản lí giáo dục (QLGD) trước đây đều có đề cập đến phối hợp (hợp tác) như một nguyên tắc cơ bản (Xem Hoàng Chúng (2), Nguyễn Văn Lê (4)…) nhưng gần đây, hai tài liệu có tính giáo khoa cho người học QLGD  một của Trường Cán bộ quản lí GD và ĐT (Khu vực phía Bắc) năm 2000 (5) và một của Trường Cán bộ Quản lí GD và ĐT II (Khu vực phía Nam) năm 2005 (1) lại không đề cập, nói rõ hơn chỉ đề cập đến những hệ luận (hệ quả) của nguyên tắc phối hợp đó là “Nguyên tắc kết hợp Nhà nước và xã hội”(5 có đề cập), “Nguyên tắc kết hợp quản lí theo ngành và theo lãnh thổ”(5 và 1 đều có đề cập).
            Vấn đề đặt ra là trên cơ sở nào để xác định nguyên tắc quản lí? Vì sao phối hợp phải trở thành một nguyên tắc cơ bản trong QLGD? Phải có sự nhất quán trước hết là về các vấn đề lí luận cơ bản để tạo được sự nhất quán trong học tập và hoạt động quản lí thực tiễn.
            Bài này chỉ đề cập đến lĩnh vực giáo dục , các từ quản lí được dùng chỉ mang ý nghĩa quản lí giáo dục.
2.      Phối hợp (Hợp tác)- một nguyên tắc cơ bản của QLGD.
Căn cứ xác định.
Muốn xác định nguyên tắc quản lí trước hết phải nắm được bản chất quản lí. Bản chất quản lí chính là các quan hệ quản lí. Hai quan hệ cơ bản trong quản lí là quan hệ chỉ huy- chấp hành (quan hệ dọc): “Một người độc tấu vĩ cầm thì tự mình điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì phải có nhạc trưởng” (K. Marx, Tư bản, qI, tập II, ST, HN, 1976, trang 39) và quan hệ phối hợp (quan hệ ngang) đó là sự hợp tác của nhiều tổ chức, bộ phận, cá nhân nhằm thực hiện chức năng chung, “phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất, khác với sự vận động  của những khí quan độc lập của nó”(K. Marx, sđd, trang 39).
 Hai quan hệ dọc và ngang được xem là thuộc tính bên trong không thể thiếu, tiêu biểu cho bất cứ trình độ phát triển xã hội. Khi đã xem là thuộc tính quản lí thì nếu không có nó sẽ không có quản lí. Hai quan hệ có mối liên hệ lệ thuộc và quy định lẫn nhau, hợp tác càng nhiều (tức có sự phân công cao) thì sự lệ thuộc giữa người và người, tổ chức và tổ chức càng lớn do vậy chỉ huy cũng như hợp tác phải chặt chẽ, linh hoạt. Quan hệ này chính là điều kiện đồng thời là hệ quả của quan hệ kia.
Điều  3 , Luật Giáo dục – 2005 đã quy định: “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo
 dục gia đình và giáo dục xã hội” đây cũng chính là căn cứ xác định nguyên tắc phối hợp trong quản lí, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ giáo dục.
Quan niệm về phối hợp (hợp tác) trong quá trình quản lí và hoạt động.
Hợp tác thể hiện sự tùy thuộc, liên quan về nhiệm vụ, sự ràng buộc không thể tránh khỏi trong quá trình lao động, hoạt động trong một tổ chức, xã hội, “một cơ thể sản xuất” chung. Hệ thống (chỉnh thể) càng có nhiều phần tử thì sự lệ thuộc nhau giữa các phần tử càng lớn.
Cần có sự phân định để hiểu rành mạch về khái niệm hợp tác. Quan hệ hợp tác khác với quan hệ đồng nhất , vì đồng nhất sẽ sinh ra lẫn lộn, chồng chéo, không phân định chức năng nhiệm vụ. Quan hệ hợp tác khác với quan hệ tách rời, vì nếu tách rời, lỏng lẻo tức không còn hợp tác, mạnh ai nấy làm  nảy sinh tình trạng hỗn loạn hoặc tê liệt, có tính chất phản quản lí. Hai quan hệ đồng nhất và tách rời là hai cực cần tránh trong công tác quản lí. Quan hệ hợp tác được thể hiện ở các mặt, các khâu có liên quan mà các bên cần có trao đổi, thống nhất kế hoạch hành động để tạo sự đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện tốt chức năng chung.  Hợp tác phải có phân công, phần nào cần liên kết hỗ trợ, phần nào chủ động làm, hỗ trợ mà không “lấn sân”.
Một vấn đề có tính nguyên tắc trong quan hệ phối hợp là bình đẳng, không ai chỉ huy ai mà chỉ trên cơ sở hợp tác đồng thuận. Trong thực tế để phối hợp có hiệu quả cần nghiên cứu nội dung phối hợp giữa các hệ thống (hoặc phần tử) và tiến hành phối hợp theo từng cấp độ trong hệ thống (dạng ngang cấp bậc) thì thuận lợi hơn.
Như đã nói trên, chỉ đạo điều hành chỉ thực sự có hiệu quả khi phát huy được tính chất phối hợp và ngược lại, hợp tác chỉ hiệu quả khi có sự chỉ huy thống nhất thông qua  phương hướng, mục tiêu và kế hoạch sát hợp. Quản lí nhằm nâng cao tính tự quản, không thể nói tự quản khi các bộ phận, cá nhân trong hệ thống chưa  tự giác, chưa tiến hành các hoạt động phối hợp. Hệ giáo dục lại là một hệ mở do vậy việc phối hợp các lược lượng, các môi trường, các nguồn lực rất đa dạng. QLGD chỉ thật sự có hiệu quả khi thực hiện tốt nguyên tắc phối hợp.
Các lĩnh vực thực hiện nguyên tắc phối hợp.
Phối hợp giữa nhà trường (cơ sở giáo dục) với các hệ thống xã hội khác .
Đây là vấn đề cơ bản có tính chất nguyên lí “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” (Điều  3 , Luật Giáo dục – 2005). Việc phối hợp giữa nhà trường- gia đình và các tổ chức, đoàn thể xã hội phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, cần có nhiều hình thức linh hoạt, nội dung trọng tâm là giáo dục, vận động, phát huy các nguồn lực xã hội phục vụ giáo dục.
Phối hợp trong phạm vi nhà trường (cơ sở giáo dục).
- Phối hợp hoạt động giữa chính quyền và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong nhà trường . Thể hiện qua các hội  nghị liên tịch, hội nghị mở rộng để thống nhất kế hoạch chỉ đạo, đánh giá, tạo sự đồng bộ, tránh sự chồng chéo trong hoạt động đồng thời phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể quần chúng. Cần xác định rõ lĩnh vực cần phối hợp và lĩnh vực riêng của từng tổ chức, tránh làm cho các tổ chức đoàn thể trở thành bị động, trở thành “cấp dưới” của chính quyền.
Phối hợp giữa các bộ phận  Khoa (Tổ)- Phòng- Ban.
Mỗi bộ phận có chức năng riêng trong cùng một chỉnh thể là nhà trường (cơ sở giáo dục), cùng tác động lên một chỉnh thể là người học do vậy các bộ phận phải hoạt động đồng bộ, tránh tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” giảm sút hiệu quả giáo dục. Người học cũng như một sản phẩm được gia công trong nhiều xưởng để hoàn thiện. Nếu một xưởng nào đó tùy tiện hoặc thiếu sự phối hợp thì coi chừng sẽ cho ra lò những sản phẩm méo mó, kém chất lượng.
- Phối hợp giữa các lớp với nhau thông qua việc lớp trên trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn lớp dưới, lớp này kiểm tra lớp khác (hình thức kiểm tra chéo) nhằm uốn nằn, kích thích, tạo không khí thi đua học tập rèn luyện. Ngoài ra, các tổ trong lớp cũng tiến hành phối hợp thông qua các hình thức thi đua học tập nói trên.
            - Phối hợp giữa các cá nhân ; người dạy- người dạy, người học- người học.
            Sản phẩm giáo dục (người học) không phải của riêng một người nào mà là sản phẩm của một quá trình tác động của nhiều người, nhiều lực lượng. Điều này đòi hỏi các lực lượng giáo dục mà trước hết là người dạy phải có những tác động đồng bộ, thống nhất, phải hợp tác chặt chẽ khi tác động để tạo ra sản phẩm. Người dạy (nhà giáo dục) trong quá trình tác nghiệp cũng phải thường xuyên trao đổi chuyên môn (nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục, giảng dạy) thông qua việc trao đổi bài soạn, dự giờ rút kinh nghiệm…Giữa giáo viên giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm và các giáo dục viên  tuy nhiệm vụ khác nhau nhưng do tác động đến cùng đối tượng nên đòi hỏi phải hợp tác.
            Câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” đúc kết kinh nghiệm của người xưa về giáo dục tỏ ra tiến bộ trong thời đại ngày nay. Giáo dục, rèn luyện dễ nhất, có hiệu quả nhất khi giáo dục trong tập thể và dùng tập thể để giáo dục. Kích thích học tập mạnh nhất là tạo không khí đua tranh lành mạnh trong người học, dùng bạn bè làm gương, người học tự kiểm tra, góp ý lẫn nhau theo định hướng của nhà giáo dục. Sản phẩm tốt nhất của giáo dục là tự giáo dục, thể hiện ở tinh thần tự quản của tập thể, cá nhân người học có ý thức  đoàn kết, tương trợ, thi đua và đấu tranh trong nội bộ. Những điều này sẽ không đạt được nếu thiếu sự phối hợp giữa các thành viên.
3.      Nói đến xã hội là nói đến phân công và hợp tác.
Phân công và hợp tác là hai mặt của một quá trình, theo triết học thì đây là hai mặt đối lập cùng tồn tại trong một sự vật hiện tượng, tồn tại trong một quá trình. Phân công càng cao thì hợp tác càng phải chặt chẽ, trên phương diện vĩ mô hay vi mô của xã hội ta đều thấy điều đó. Xã hội, giáo dục ngày càng phát triển có nghĩa là phân công càng cao do vậy vấn đề hợp tác chặt chẽ đặt ra hết sức bức bách. Trong quản lí, chỉ huy và phối hợp đi với nhau như bóng với hình, tồn tại cùng nhau, nương dựa vào nhau để phát triển, nếu chỉ huy-chấp hành là xương sống thì phối hợp là máu thịt của cơ thể quản lí. Quên đi nguyên tắc phối hợp khác gì bỏ mất một mặt quản lí, dù cho người lãnh đạo chỉ huy có nỗ  lực đến mấy thi công tác quản lí vẫn cứ què quặt, kém hiệu quả. Phối hợp do vậy là một nguyên tắc cơ bản của quản lí.


2/09

                       
                        THƯ MỤC THAM KHẢO

1.      Hoàng Chúng  và Tgk, Một số vấn đề về lí luận Quản lí GD, tập 2, Tài liệu lưu hành nội bộ, Tp HCM, 1982.
2.      Hà Sĩ Hồ và Tgk, Những bài giảng về quản lí trường học, tập 2,Giáo Dục, HN, 1989.
3.      Nguyễn Văn Lê, Công tác quản lí trường học, Trường CBQLGD tp HCM, 1983.
4.      Trường Cán bộ Quản lí GD và ĐT, Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lí ngành học  mầm non (quyển 2), tiểu học (quyển 3), trung học (quyển 4), Hà Nội, 2000.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét