MỤC LỤC BLOG

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Lai rai CHUYỆN RẮN



TIỂU HÙNG TINH
butnguyentu.blogspot.com
Ảnh internet
 Kết quả hình ảnh cho rắn độc
 
          Rắn được định nghĩa  là động vật thuộc loại bò sát, không chân, thân dài, có vẩy, di chuyển bằng cách uốn thân. Mới có chuyện trẻ em ê a học bài, không biết ngắt câu nên đọc: Rắn là một loài bò… Rắn là một loài bò… sát không chân.

            Con người vốn sợ và xa lánh rắn, việc dùng rắn biểu diễn như cho rắn quấn mình, cho rắn chui vào miệng, ra lỗ mũi, thổi sáo gọi rắn…đều mang lại cho người xem cảm giác rùng rợn.
Kinh Thánh (Cựu ước) kể chuyện thoạt kì thủy, thủy tổ loài người là ông Adong và bà Eva được Chúa Trời cho ở vườn Địa Đàng, được hưởng cây trái trong vườn nhưng Chúa dặn không được động đến cây biết lành biết dữ. Quỷ Sa tăng hiện hình thành con rắn xúi bà Eva, bà Eva giục chồng ăn. Adong nghe lời vợ ăn vào, từ đó biết xấu hổ và cả hai bị Chúa Trời phạt đuổi khỏi Địa Đàng mở ra kỉ nguyên trần gian khổ nạn. Rắn hung dữ, có nọc độc,  từ xưa đã đồng nghĩa với quỷ nên con người khiếp sợ. Kinh Phật có chuyện lúc đức Phật thiền định dưới gốc bồ đề thì ma vương hiện hình thành bầy rắn để quấy phá nhưng bị ngài thu phục, đám rắn hổ mang kia lại uốn mình thành hình lọng để che chở cho ngài, trong hội họa và điêu khắc Phật giáo thường thể hiện hình ảnh này.

            Chém rắn lập nghiệp, chuyện Tàu có Lưu Bang. Cuối đời Tần, loạn lạc liên miên, Lưu Bang vốn là một đình trưởng ở huyện Bái, thường gọi là Bái công, trong một lần dẫn thuộc hạ qua khu rừng nọ bỗng bị con rắn lớn chặn ngang, ai cũng sợ, Bái công rút kiếm chém thành hai đoạn, tên tuổi dậy lên, hào kiệt  khắp nơi tụ về và sau này lập nên đại nghiệp nhà Hán. Truyện dân gian Việt Nam có Thạch Sanh chém mãng xà vương rồi thẳng đường xuống thủy phủ, được vua Thủy Tề trọng thị, tặng nồi thần và đàn thần rồi đưa về trần giúp vua dẹp giặc lập công đem lại thái bình, được cưới công chúa và lên làm vua.

            Rắn còn biết báo oán,  tương truyền Nguyễn Trãi thuở còn dạy học, một bữa sai học trò phát dọn một cồn hoang để làm trường, đêm ấy nằm mơ thấy một bà mẹ mang hai đứa con đến khóc lóc van xin đừng phá nhà mình. Nguyễn Trãi không để ý lắm. Sáng ngày, ông vẫn cho tiếp tục công việc, khi dọn cỏ làm nền, học trò  phát hiện một rắn mẹ và hai rắn con bị chém chết và báo cho Nguyễn Trãi, ông giật mình. Đêm đó thao thức không ngủ được, ông mở sách đọc thì thấy một giọt máu từ trên rơi xuống thấm xuyên ba tờ giấy. Sau này, Nguyễn Trãi Nguyễn Trãi bị án tru di vì cho rằng âm mưu cùng thiếp là Thị Lộ giết vua Lê Thái Tông. Khi Thị Lộ bị chém đầu, một con rắn trong người vọt qua lỗ cổ và thoát ra ngoài. Người ta cho rằng thị Lộ là con rắn đấu thai báo thù còn giọt máu thấm xuyên ba tờ giấy là điềm báo tru  di tam tộc.

           Trong dân gian có cả chuyện rắn báo ân. Dã Tràng làm nghề săn, bữa nọ vào rừng, thấy chuyện rắn đực đi kiếm mồi, chờ có thế, rắn cái ở nhà  lại tằng tịu với một con rắn khác, tức giận giương cung bắn chết rắn cái. Rắn đực về  hang, thấy rắn cái chết lại có mũi tên  có khắc chữ Dã Tràng liền tìm tới nhà báo oán. Đêm, rắn đực bò lên mái nhà rình, trong khi đó, Dã Tràng kể cho vợ nghe chuyện rắn cái ngoại tình. Rắn đực hiểu chuyện liền tạ ơn Dã Tràng một viên ngọc, mang vào có thể nghe được tiếng nói loài vật. Có ngọc rắn, Dã Tràng săn đâu trúng đó. Một bữa đang ngồi nhà thì có con quạ tới báo nơi kia có một con nai chết, tới lấy thịt, nhớ dành cho quạ bộ lòng. Dã Tràng nghe theo đem nai về làm thịt rồi nấu nướng chè chén luôn cả bộ lòng. Quạ tới đòi, Dã Tràng ra đuối, quạ chửi, Dã Tràng giận lấy cung bắn, quạ kẹp luôn mũi tên bay thả xuống một xác người trên sông. Dã Tràng bị quy tội giết người, bị giam vào ngục. Trong ngục, nghe bọn kiến bàn với nhau sắp có lụt lớn, Dã Tràng báo với nhà vua để phòng bị. Quả nhiên lụt lớn nhưng do phòng bị sớm nên không thiệt hại gì. Nhờ công lao, Dã Tràng được tha. Nhà vua hỏi sao  có thể biết chuyện, Dã Tràng thực tình thưa mình có ngọc rắn có thể nghe tiếng nói loài vật. Vua mượn nghe thử quả đúng như vậy và rủ Dã Tràng ra biển để nghe cá tôm trò chuyện, đang nghe thì vua lỡ tay để ngọc vuột xuống biển. Dã Tràng nhảy theo mò nhưng không được, tiếc quá nên hóa thành con dã tràng ngày ngày xe cát lấp biển tìm ngọc, cứ thế bao đời Dã tràng xe cát biển đông- Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

            Ngụ ngôn xưa có chuyện hai con rắn muốn dời chỗ ở nhưng ngại không dám đi qua vùng đất trống vì sợ người ta đập chết. Liền bàn nhau con này cõng con kia lên lưng, cứ thế bò qua. Ai thấy cũng nghi là rắn thần nên kéo nhau tránh thật xa. Đôi rắn cứ thế an toàn dời chỗ ở. Chuyện đơn giản thế nhưng hàm chứa biết bao điều lộng giả thành chân xưa nay. Bao kẻ thực lực không có nhưng khoác lác khoe quen lòe biết dựa hơi dựa bóng cũng lừa dọa được người khác, hư giả để lạm dụng tín nhiệm, lợi dụng mê tín để trục lợi…

            Nhà Phật cũng mượn rắn để ngụ ngôn chuyện chân giả. Rằng một người từ ngoài nắng bước vào nhà  nhìn dây thừng tưởng rắn nên hoảng hốt, sau một hồi định thần mới biết thực đó là dây thừng. Theo nhà Phật thì tâm động thế giới động, tâm bình thế giới bình. Tâm động thì nhìn gà hóa cuốc, tâm bình mới nhận chân được bản lai diện mục. Có cái tưởng chân thực, khư khư níu giữ hóa ra là giả, có những sự thực kề cận rành rành ra đó nhưng do thiên kiến, do vọng tưởng, do u  minh nên nhìn không ra.

            Trong thực tế, ngoại trừ phù thủy, chứ ai mà chẳng kinh sợ rắn thế nhưng lại có một biểu tượng rắn rất thân thiện thậm chí là mong ước của con người đó là con rắn biểu tượng trường sinh bất tử  trong y học, sự tái sinh biểu hiện sự phục hồi qua bức tranh Rod of Asclepius (Cái gậy của  Thần Y Thuật).

            Truyện cười dân gian kể rằng anh chàng nọ khoe vợ rằng mình thấy một con rắn dài trăm thước, ngang 40 thước. Vợ mỉa làm gì có chuyện rắn dài đến thế. Anh ta giảm còn 80 thước, vợ không tin. Giảm tiếp còn 60 thước, vợ không tin. Giảm tiếp còn 40 thước hỏi vợ chịu tin chưa? Nín không nổi, bà vợ cười  ré lên: Dài 40 thước, ngang 40 thước, hóa ra con rắn vuông!

Xin mượn tiếng cười để kết thúc mục lai rai chuyện rắn này.

                                                                                                                   



                                                               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét