MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Dữ đòn (Truyện ngắn)


 
TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet
          Tin  thầy Th người làng bên về dạy lớp Nhì (lớp 4)  trường làng làm bọn  học trò chúng tôi sợ lắm. Năm ấy tôi lên lớp Nhì, chỉ nghe đồn thôi đã hoảng, nỗi lo âu đè nặng cả tháng trước lúc tựu trường.



            Việc đến đã đến. Buổi học đầu, chúng tôi đứng dậy chào, Thầy cho ngồi xuống và tuyên bố dằn mặt rằng:- “Hay chữ không bằng dữ đòn, thương cho roi cho vọt, cái đầu mà lười mà dốt thì cứ phết vào hai bãi đất hoang, đằn xuống mà quất. Đó, liệu hồn, lo mà học!” Nói xong, thầy phát một động tác vụt mạnh xuống, cả lớp phăng phắc, thét rét.

          Chép bài. Tiếng thầy rành rọt. Thầy đi quanh vừa đọc vừa kiểm tra. Bỗng tôi nghe tiếng Thầy quát bên tai, chưa kịp hoàn hồn đã “cốp”, đầu tôi choáng váng. Cái thước  bằng gỗ gõ anh tôi làm cho vừa dài vừa đẹp, đường  cạnh thẳng sắc mà tôi hãnh diện khoe với bạn gãy đôi, văng xuống nền. Tai ù, mắt tôi hoa lên, khiếp đảm. Thằng bạn ngồi bên  cúi lượm nửa phần thước gãy nhè nhẹ để lên bàn. Một chặp sau, cố định thần tôi mới biết lỗi mình đã ghi s thành x. Tôi không thấy đau, không biết  chính xác điểm thầy đánh chỗ nào, chỉ thấy vùng đầu nóng bừng. Cả lúc ấy và sau nầy, tôi chưa bao giờ sờ tìm chỗ vết ấy. Tim đập mạnh, người chới với, vừa sợ vừa xấu hổ với bạn bè, tôi khựng người như tượng gỗ suốt buổi học. Có tiếng xì xào phía sau: “Đánh gãy thước, khiếp!”. Tội cho tôi, người đầu tiên trong lớp hứng đòn thầy ngay buổi học đầu tiên ngày khai trường. Trên đoạn đường về nhà, tôi thành trung tâm cho bè bạn lo âu, đứa nào cũng nhìn tôi ái ngại, xâm xì. Tôi bước như kẻ mất hồn, lỡ ai trong nhà tôi biết thì nguy, lỡ mọi người biết rồi  đồn thổi là mình mang tiếng dốt bị thầy đánh gãy thước thì còn mặt mũi nào.

            Nối tiếp tôi là bạn bè trong lớp, kẻ trước người sau thọ nạn, không sót đứa nào. Càng ngày càng minh chứng rõ lời đồn của mọi người và lời Thầy tuyên bố  cảnh cáo trong buổi học đầu. Có lần, thằng bạn tôi lên bảng làm toán, nó cộng sai con số bị Thầy gõ thước bản đánh cụp vào đầu. Đầu trụi ca-rê bị cạnh thước chém trúng u lên như quả trứng, rách thịt, máu chảy nhiều. Thầy  vội lấy nhúm bông gòn lau nhưng máu cứ trào ra, hoảng hồn, Thầy lấy lọ giấm trong tủ  đựng đồ cách trí xoa tẩm vào rồi bảo bạn tôi giữ yên cục bông một chặp. Cục bông cũng thấm đỏ cả máu.

            Buổi nào cũng có đứa bị đánh. Mỗi lần trả bài lớ ngớ đọc sai, đọc ậm à cà rựt là bị Thầy thuận tay vả bôm bốp vào miệng. Mỗi khi viết sai viết ẩu hoặc không thuộc bài đều bị bắt đưa tay ra, bỏ lên bàn, úp sấp lại. Thầy  lấy đầu thước hoặc ngọn roi dí đẩy cho đúng vị trí rồi đột ngột vung lên quật xuống, đau điếng. Lũ bạn truyền nhau rằng cứ để yên cho Thầy đánh trúng mu tuy đau nhưng cố rụt thì dễ bị trúng lóng hay mút ngón tay đau buốt không kể xiết. Có đứa còn bảo mỗi lần thấy Thầy vung roi thì thay vì rụt tay thì hãy đẩy chuồi tay tới, trúng chỗ cổ tay đỡ đau hơn. Nhiều đứa sợ quá, rụt tay như phản xạ làm Thầy đánh hụt đập cái “xẹp” xuống bàn. Những roi hụt đều không được tính, Thầy bắt bỏ tay ra, đánh lại. Chỗ bị đánh nhất là các lóng sưng vù lên thành những lằn tím xanh như con đỉa, chỉ sờ vào thôi đã đau tận xương. Các ngón tay bị đòn cứ đơ ra rãy rãy, đau chưa kịp thổi đã phải thò ra chịu đòn tiếp.

            Có đứa biết chắc bị ăn đòn đã lén nhét lận sẵn quyển vở sau bàn thối nhưng khó qua mặt Thầy. Đập một phát kêu “bộp” khác tiếng là Thầy  phát hiện ngay. Dám qua mặt, dám dối trá ư, thế là tăng “tiêu chuẩn” hứng đón lên gấp đôi. Cuối cùng, bọn con trai chúng tôi rỉ tai nhau nói mẹ may cho quần vải dày, loại vải xi-ta thời ấy, kiểu quần đùi ống rộng loại “giàng xay” vừa bền vừa mát lại có tác dụng đỡ đòn. Phương cách này có hiệu quả nhất.

            Ác nhất là đau không được khóc, khóc là bị ăn thêm đòn. Nhìn những đứa lúc chịu đòn mới tội nghiệp, bộ mắt méo xẹo dúm dó lại, miệng mím mếu, mắt đỏ hoe van lơn thất vọng. Mỗi lần ngọn roi quật xuống là mắt nhíu nhếch, miệng há dếch nhưng hai hàm răng cắn khít lại chịu đựng vừa nén tiếng  kêu khóc bật ra. Khốn khổ!

            Trên bàn Thầy luôn sẵn ngọn roi hoặc cây thước bản, ngọn roi nào bị gãy toe thì thay mới, trong hộc bàn dự trữ sẵn một mớ. Bộ “giáo hình cụ trực quan” nhìn thôi đủ lạnh da gà. Cũng có lúc nguồn roi bị cạn, tìm không ra, Thầy bắt “phạm nhân” đi kiếm bẻ roi dương liễu. Ngọn roi thon mót lần sần quất vào buốt nhói từng mảng da thịt.

            Bọn con trai lớp tôi đi học về tới bờ rào (kinh) là đua nhau “cuổng trời” vừa lội vừa tắm.Những  lúc đó, bọn con gái che mặt chạy hết. Ngó mà kinh. Bàn thối- hai bãi đất hoang như Thầy  nói- đứa nào cũng chằng chịt đường ngang lối dọc đan nhau xiên xẹo. Cái hình thước bản thì  giữa rộp lên thâm tím, hai  đường biên mưng mủ trắng như mép viền, các lằn roi  thì sậm  đen lại, bầm dập.

            Thầy đánh là chuyện  bình thường ở lớp, ngày nào cũng có đứa “thọ hình”. Kẻ trước người sau, chẳng ai tránh khỏi cơn thịnh nộ chứ đâu phải riêng mình, chuyện bị Thầy đánh gãy thước  cũng có phần nguôi ngoai nhưng  đã in thành vết hằn trong tôi theo năm tháng.

            Thầy giỏi, dạy rõ lại khéo tay nhưng cả lớp tôi  vẫn không học khá lên được. Sợ! Có lỗi đã sợ, không lỗi cũng phập phồng, nỗi sợ rình rập tiềm ẩn đâu đó vì chưa biết ngọn roi giận dữ  quất xuống lúc nào. Nghĩ tới lớp tới trường là sợ. Những phút ra chơi ngắn ngủi, những ngày lễ tết chủ nhật qua mau, rồi  lại đến trường và sợ. Bọn tôi mong sao sớm nghỉ hè để được lên lớp Nhất. Nói  phải tội, mỗi lần nghe Thầy bệnh phải nghỉ dù có thương  có lo nhưng rất mừng. Nỗi mừng có lộ ra mặt nhưng không đứa nào dám thốt thành lời. Và Thầy lại lên lớp, lo âu lại về, những đứa bé con chúng tôi ngày càng co rúm lại. Sợ quá tới nỗi bọn trẻ con chúng tôi trong giờ ra chơi cũng không dám chạy nhảy la hét. Chỉ duy nhất có một lần Thầy sai thằng bạn tôi về nhà dẫn chó săn đi săn chuột ở chỗ đám mạ thầy gieo gần trường. Chúng tôi được nghỉ, theo Thầy xem chó săn chuột. Đây là lần chúng tôi được túm tụm xung quanh Thầy mà tha hồ gào thét.

            Bẵng một thời gian, tôi đã lên trung học, một lần gặp Thầy, phải nhắc lắm Thầy mới nhớ. Thầy đã về hưu. Với giọng buồn buồn, Thầy bảo rằng chẳng thấy  em nào tới thăm và rồi những giọt nước mắt trên gò má nhăn nheo.

            Bọn học trò chúng tôi đứa nào cũng kính Thầy. Trước Thầy, chúng tôi vẫn là những đứa học trò nhỏ rụt rè. Thầy dạy nhiều điều chúng tôi vẫn ghi nhớ riêng những trận đòn “kỉ niệm” dù cố cũng không thể nào quên.


 

1 nhận xét:

  1. 26 tháng 10, 2016fACEBOOK- Kim Tran, Vệ Quách Đào and 9 others
    Lê Đức Tải- Rất hay!
    Hong Donhu- Thời đó nhiều thầy dữ đòn lắm, nhưng học trò phải chịu đựng, ko phải như bây giờ, thầy cô sợ học trò. Cảm ơn anh Tiểu Hùng Tinh,bài viết hay mà xúc động !
    Hoa Nguyen Thi- Bài viết sâu sắc đó anh , nhất là mấy câu kết
    Thật là một quan điểm sai lầm ! Các thầy hồi ấy nói riêng và lối giáo dục hồi ấy nói chung đều " dữ đòn" như vậy. Trẻ bị sợ hãi thì sẽ nảy sinh dối trá . Thầy ấy chắc cũng có nghe câu " giáo đa thành oán" chứ nhỉ ? Vậy mà đánh học trò như khảo tù ! Thương mà như vậy thì ghét làm thế nào he?
    26 tháng 11, 20182 Shares-Tuan Vo, Vietluan Nguyen and 9 others
    Hy Vo Không như bây giờ, đụng vào các ông bà học sinh bây giờ coi chừng. Trên cần thành tích, thầy cô lại càng khổ, trên thúc xuống, dưới thúc lên. Cho nên cứ để học sinh lên lớp đều đều. Vậy chất lượng chả giống ai.

    Trả lờiXóa