MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

BIỆN LUẬN LOẠI SUY


NGUYỄN VĂN HÙNG
Trường CĐSP Sóc Trăng
Ảnh internet


1. - Loại suy, loại tỉ (so sánh tương đồng), tương tự là phép suy luận logic dựa vào một số dấu hiệu (mặt, tính chất, quan hệ) giống nhau giữa những đối tượng để kết luận các dấu hiệu giống nhau khác. Có người xem đây là một hình thức suy diễn (suy luận diễn dịch) nhưng thông thường người ta vẫn xem là một phép suy luận có tính chất độc lập ngang với suy diễn và quy nạp và chứng minh.
    - Có thể biểu diễn phép loại suy bằng một số sơ đồ sau:
            SĐ 1:   X có các dấu hiệu  a, b, c, d, e                       
Y có các dấu hiệu b, c, d, e
=> Y cũng có dấu hiệu a.
SĐ 2:   X và Y có chung các dấu hiệu a, b, c, d, e
X có dấu hiệu m
=> Y có dấu hiệu m.
SĐ 3:   X có các dấu hiệu (điều kiện, nguyên nhân)a, b, c, d, e, thì dẫn đến hệ quả M
                        Y có các dấu hiệu  a, b, c, d, e, thì dẫn đến hệ quả M.
                        => Z có các dấu hiệu a, b, c, d, e, thì cũng dẫn đến hệ quả M.
 
              - Trong các giai đoạn ban đầu của khoa học, phép loại suy thay cho sự quan sát có hệ thống và thực nghiệm; những kết luận căn cứ vào những dấu hiệu bề ngoài, thứ yếu. Khoa học phát triển, phép loại suy dần dần mất đi ý nghĩa của phương tiện giải thích nhưng nó vẫn giữ vai trò kim chỉ nam, vai trò dự báo và định hướng nghiên cứu, hoạt động, nhất là giai đoạn ban đầu. Khi xem xét một cách riêng lẻ, phép loại suy không có hiệu lực chứng minh  cho tính chất xác suất của kết luận đưa ra do vậy cần sử dụng loại suy cùng với các phương pháp nhận thức khác để tăng độ chính xác và hiệu quả.
 
            Ngạn ngữ phương Tây có câu: Hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào. Thân nhau do phù hợp về tính cách do vậy quan sát kĩ tính cách một người có thể suy ra cả nhóm. Người bác sĩ chẩn bệnh cũng vậy, những triệu chứng của một loại bệnh nào đó trước đây họ thường gặp nay gặp một bệnh  nhân có nhiều triệu chứng tương ứng sẽ giúp cho họ dễ dàng định bệnh. Người làm công tác điều tra tội phạm cũng thường xem xét các dấu hiệu, đối chiếu với hàng loạt dấu hiệu thường gặp trong các vụ án trước(có trong kinh nghiệm, sách vở…) để sớm khoanh vùng và xác định nghi can. Phương pháp loại suy có vai trò to lớn trong công tác dự báo: dự báo thời tiết dựa trên các dấu hiệu lặp lại trong từng chu kì , thời điểm để sản xuất, phòng chống; dự báo thị trường tăng giảm để điều tiết cung cầu  hoặc đầu tư kiếm lời… Người làm giáo dục cũng căn cứ vào những dấu hiệu tương đồng về độ tuổi, khuynh hướng, dáng bộ… để nghiên cứu từng nhóm trên cơ sở đó tìm hiểu, xác định tính cách từng học sinh… Nói chung, trong các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, quân sự, nhân lực…loại suy giữ vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, có tính chất quy định lúc đầu.

            2. Vận dụng loại suy trong biện luận và liên tưởng.

            2.1. Trước hết là tránh việc nhầm lẫn, nhìn gà hóa cuốc vi phạm luật đồng nhất. Trạng Heo là mẫu chuyện tiêu biếu. Trạng nguyên Heo qua sứ Tàu, quan Tể tướng Tàu mời ăn bánh để thử tài đối đáp. Trong dĩa có ba cái, Trạng ngon miệng xực láng. Tể tướng ngồi tiếp đưa lên ba ngón tay, Trạng đưa lên năm ngón. Tể tướng lùa bàn tay vào bụng, Trạng nắm tay lại thụi tới. Tể tướng Tàu đứng dậy chấp tay vái phục và đề nghị vua Tàu phong Trạng nguyên. Trạng Heo nhờ đối đáp thành công mà trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên. Cuộc đối đáp đại thắng lợi nhờ đâu? Viên Tể tướng đưa ba ngón tay ý bảo Tam cương, Trạng đưa năm ngón, y hiểu là Trạng đáp lại Ngũ thường. Y lùa tay vào bụng  hàm nghĩa Hung trung binh giáp (Binh giáp chứa trong bụng), Trạng nắm tay thoi được y hiểu là Chưởng thượng kinh luân (Kinh luân trên bàn tay). Đó là do y nghĩ ra và hiểu. Còn Trạng thì sao? Trạng thấy viên Tể tướng đưa ba ngón tay, nghĩ rằng y chê mình ăn hết cả ba cái bánh mới đưa ra năm ngón ý bảo là năm cái ta ăn cũng hết. Thấy viên Tể tướng lùa tay vào bụng, Trạng nghĩ rằng y ta  cười mình ăn có mà vỡ bụng, Trạng bực bội nắm tay định thoi một phát cho biết thế nào là lễ độ may mà nó tránh được, vái xin tha mạng.
 X tưởng Y thế này, Y tưởng X thế nọ, cùng một biểu hiện mà mỗi người hiểu suy một cách. Luật đồng nhất A là A ở đây bị biến dạng A thành B, thành C, càng suy lí càng phi lí, bế tắc vì phi logic. Có hai trường hợp xảy ra: một là thiếu logic suy luận hợp lí sinh ra nhầm lẫn, hai là biết nhưng cố tình nhấm lẫn, cố tình đánh đồng để ngụy biện.
Biện luận tương tự không được hồ đồ kiểu vơ đũa cả nắm kiểu lập luận: Ai cũng tham lam cả, túi áo còn dốc ngược lên trời thì con người còn tham lam. Khi nói Cha nào con nấy tức là đã đồng nhất điều kiện tạo ra sự vật (ảnh hưởng của cha đối với con) và hệ quả (đứa con, sản phẩm. Lưu ý: a --> b => Có a thì có b (Đúng), Không có a thì có b (~a => b) (vẫn Đúng); khả năng đúng khi có a chỉ một nửa. Không  hồ đồ bất phân kiểu nói: Chính chuyên chết cũng ra ma, Lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng.  Hoặc Giàu (A) nghèo (B) gì cũng chết (C) . A --> C, B --> C => A <=> (tương tự) B. Cùng hệ quả nhưng điều kiện, nguyên nhân có thể khác nhau, không thể xem việc đồng hệ quả tức là đồng nguyên nhân được. Không chủ quan suy bụng ta ra bụng người kiểu có những kẻ phạm tội rồi tự an ủi : ai rơi vào trường hợp mình cũng phạm tội thôi. Không được đánh tráo khái niệm sinh ra nhấm lẫn khái niệm này với khái niệm khác kiểu: Giày dép còn có số huống chi con người, tránh sao cho khỏi số. Số ở đây chỉ có một vỏ ngữ âm nhưng mang ý nghĩa khác nhau (từ đồng âm khác nghĩa), chỉ tương tự về hình thức, không tương tự về nội dung. Cũng không được đánh đồng bản chất với dáng vẻ bề ngoài như mấy tay tướng số. Những người ti hí mắt lươn, Trai thì trộm cướp  gái buôn  chồng người. Coi mặt mà bắt hình dong. Nhìn dấu hiệu về một bộ phận cơ thể để quy ra tư cách đạo đức, quy kết là người xấu thì không còn gì hồ đồ và bất công hơn. Những kiểu cách suy luận này đều có tính chất ngụy biện.
 
2.2. Vài kiểu dạng biện luận, liên tưởng loại suy.
 
2.2.1. Dùng vật để gợi suy nghĩ về người. Phê phán việc cha mẹ đối xử tàn tệ với con cái, người ta nói: Sói còn không ăn thịt con. Luận điểm này buộc người nghe phải liên tưởng tương đương: Sói còn vậy huống chi người, không như vậy hóa ra người còn thua sói, thua cả con vật. Truyện ngụ ngôn thường dựa vào những tập tính loài vật hoặc đặc tính sự vật để khoác cho nó tính cách người, để đề cập đến những vấn đề của con người, của xã hội. Đây là loại tư duy hình tượng, hư cấu, người nghe phải chấp nhận để tìm những giá trị tương đương. Đây cũng là cách nói bóng gió, nhã ngữ, một cách nói khéo không đi trực diện. Khi nói Thúy Kiều bị thất tiết bởi tay Mã Giám Sinh, Nguyễn Du viết: Tiếc thay một đóa trà mi(A), Con ong đã tỏ đường đi lối về (B). Phải từ và vượt ý nghĩa A, B để hiểu được hàm nghĩa X, Y (A, B => X, Y). X, Y là cái tinh thần được giấu trong vỏ bọc (xác) A, B.
 
2..2.2. Mượn hiện tượng tự nhiên để chỉ hiện tượng xã hội. Trời khi nắng khi mưa, người lúc vui lúc buồn. Tiền vào nhà khó (hiện tượng xã hội) như gió vào nhà trống (hiện tượng tự nhiên). Nêu hiện tượng tự nhiên cho dễ chấp nhận như một tất yếu rồi tạo ra sự liên quan so sánh với hiện tượng xã hội cho dễ nhận thức, dễ thừa nhận hoặc ngược lại nêu một hiện tượng xã hội rồi dùng một hiện tượng tự nhiên để minh họa, thuyết phục. Phương pháp này thường dùng phổ biến trong tục ngữ, ca dao (Trước đây người ta thường dựa trên phương cách sáng tác để chia ca dao thành ba loại: Phú (phô diễn trực tiếp), Tỉ (so sánh, tương quan), Hứng (phóng túng tưởng tượng trước khi vào nội dung) – Người viết sẽ trở lại các vấn đề này khi có dịp).
 
2..2.3. Dùng nhỏ suy ra to và ngược lại. Suy luận có tính tương đương nhưng phóng đại, từ hẹp ra rộng, từ ít thành nhiều. Như nói: Trong gia đình , anh em còn xung khắc huống chi trong xã hội, tránh sao khỏi bè cánh, phe phái tranh giành. Nói như vậy tức đã bám lấy điều tương tự để suy rộng ra. Cũng có thể gắn những suy luận thành những vế tương đương: Ba bà  bốn chuyện thì chín người mười ý là điều dễ hiểu. Chuyên cổ có vị vua quyết tâm kéo quân qua đánh nước láng giềng phía nam, triều thần can gian không được. Ngày nhà vua kéo quân ra trận, trên đường thấy một ông lão đang cười ngặt nghẽo dưới ruộng, vua lấy làm lạ, cho quân lính gọi lại hỏi. Ông lão thưa: Ngu dân ngẫm chuyện mà nhịn cười không nổi. Vua hỏi chuyện gì? Ông lão kể rằng có kẻ nọ đưa vợ đi chơi. Đi ngang chỗ ruộng dâu, thấy có nhiều cô gái đẹp liền xuống tán tỉnh. Khi trở lại thì vợ đã bị thằng cha khác rước mất rồi.  Nhà vua nghe chuyện, tỉnh ngộ, gấp rút kéo quân vế nước. Đi chim người mà không lo giữ vợ thì vợ bị người khác chim, lo đi đánh nước người mà không lo giữ nước biết đâu nước khác lại kéo quân chiếm nước mình, được thêm đâu thấy mà coi chừng mất trắng. Đó là những dẫn dụ tương tự từ hẹp suy ra rộng, từ chuyện nhỏ suy ra chuyện lớn.
Và ngược lại, từ lớn có thể suy ra nhỏ. Nguyễn Gia Thiều viết: Có âm dương, có vợ chồng. Dẫu trong thiên địa cũng vòng phu thê (Cung oán ngâm khúc). Trời đất cũng có âm có dương có vợ có chồng, con người sống trong trời đất đương nhiên cũng phải vậy thôi.
 
2..2.4. Dùng dễ suy ra khó. Đây là một loại phương pháp dẫn dụ từ đơn giản đế phức tạp như mượn chuyện ăn mặc (dễ) để nói sản xuất (khó khăn phức tạp hơn): Ăn kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa; Gần mực thì đen gần đèn thì sáng (hình ảnh dễ thấy, dễ nhìn) suy ra:  Gần người tốt thì nên tốt, gần người xấu thì bị nhiễm thói xấu (phức tạp, khó thấy, khó đo lường). Người đẹp (B) vì lụa (A), lúa tốt (D) vì phân (C). A --> B (tương tự) C --> D => A <=> C; B <=> D (hiểu theo nghĩa tác nhân và hệ quả trong điều kiện này).
 
2.2.5. Từ người này suy ra người khác, lần này suy ra lần khác. Đây cũng là dạng liên tưởng đồng loại, một  phần cũng suy bụng ta ra bụng người nhưng có khai thác nhân tố hợp lí của nó. Cảnh Kiều bị Tú  bà đánh, Nguyễn Du  viết :Thịt da ai cũng là người, Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau (Kiều). Nôm na là người thì có thịt có da, ai bị đánh cũng đau cả. Khổng Tử nói: Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân – Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người. Kiểu suy: Người ta cũng như mình, mình không thích thì người ta cũng không muốn.
Nếu các đối tượng có chung các điều kiện thì từ trường hợp đối tượng này có thể suy ra trường hợp đối tượng khác dưới dạng dự đoán. Mười người cùng học chung lớp (Điều kiện về thời gian, người dạy, các phương tiện giống nhau) mượn sách Thư viện đều trả trễ thì người thứ 11 trong lớp đó mượn, nhân viên thư viện có thể đoan chắc là cũng trả trễ (Kết quả có thể sai nhưng khả năng đúng lớn hơn, suy luận kiểu này hợp logic).
 Một hành vi được đối tượng tiến hành nhiều lần có tính lặp lại thì lần kề tiếp khả năng đó có thể tái diễn. Một người mượn sách mười lần không trả đúng hẹn thì lần thứ 11 khả năng trả trễ hẹn lớn hơn khả năng trả đúng hẹn.
 
2.2.6. Dùng cụ thể để nói trừu tượng hoặc cụ thể hóa vấn đề trừu tượng. Lối so sánh liên tưởng này thường được dùng nhất là trong thành ngữ, tục ngữ. Mắt nhắm mắt mở (cụ thể) - ú ớ không rõ , không nắm được vấn đề, hiểu không đến nơi đến chốn (trừu tượng), nước lụt chó lên bàn thờ - kẻ không ra gì nhưng gặp cơ hội thăng tiến, Tốt gỗ (bản chất, tính cách con người) hơn tốt nước sơn (hình thức bề ngoài). Dựa vào biểu hiện cụ thể để suy ra vấn đề trừu tượng tương tự. Một vấn đề trừu tượng như đạo đức, nhân cách tốt đẹp có thể cụ thể hóa , ví von bằng hình ảnh tấm lòng vàng, tấm lòng son, lời vàng, lời ngọc…Và khi nói như vậy, không ai ngây ngô mà hiểu nghĩa đen (nghĩa biểu vật) của sự vật mà phải suy ra nghĩa bóng (nghĩa biểu niệm) của nó. Đây cũng là một dạng liên tưởng loại suy.
 
3. Nhìn chung, loại suy là loại suy  luận tuy khả năng chính xác không cao nhưng rất đa dạng và linh hoạt, vận dụng được vào nhiều lĩnh vực nhận thức và cuộc sống, có ưu thế trong giai đoạn đầu của nhận thức và hoạt động thực tiễn. Trong quá trình suy luận, không được tuyệt đối hóa mà cần phối hợp với nhiều phương pháp khác nhất là phải thận trọng cân nhắc các điều kiện và giác độ suy luận ( đặc biệt trong trường hợp liên tưởng thì phải giới hạn cách hiểu, không máy móc bám sát nghĩa biếu vật mà phải nâng lên nghĩa biểu niệm, chấp nhận tính liên tưởng) để không bị sa vào ngụy luận hoặc bế tắc và cần tiến hành kiểm nghiệm trong thực tế để tăng tính hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Giáo trình  khái niệm tập hợp, lôgic, phương pháp thống kê, Hoàng Chúng, Giáo Dục, Hà Nội, 1977.
2.      Giáo trình Logic học, Hồ Minh Đồng, Giáo Dục, Hà Nội, 1998.
3.      Logic học, Tô Duy Hợp, Đồng Nai, 1997.
4.      Logic học phổ thông, Hoàng Chúng, Giáo Dục, Hà Nội, 1994.
5.      Lôgic học đại cương, Vương Tất Đạt, ĐH QG Hà Nội, 2000.
6.      Tìm hiểu Lôgích học, Lê Tử Thành, Trẻ, Tp Hô Chí Minh, 1998.
 








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét