MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Bài thơ ĐẠI HẠN và nỗi lòng TÚ XƯƠNG trước nạn nước

NGUYỄN VĂN HÙNG
butnguyentu.blogspot.com

Kết quả hình ảnh cho tú xương
Ảnh internet 
Ngày nay đá nát với vàng phai 
Thiên hạ mong mưa đứng lại ngồi
Ngày trước biết gì ăn với ngủ
Bây giờ lo cả nước cùng nôi
Trâu mừng ruộng nẻ cày không được
Cá sợ ao khô vượt cả rồi
Tình cảnh nhà ai nông nỗi ấy
Quạt mo phe phẩy một mình tôi.

Tú Xương (1870- 1907), cuộc đời 37 năm ngắn ngủi  nằm trong một giai đoạn bi thương nhất của đất nước : Mất Lục tỉnh Nam Kì, mất Bắc Kì, Hiệp ước Harmand (1883) rồi Hiệp ước Patenotre (1884) thừa nhận quyền thống trị của thực dân Pháp, các phong trào kháng chiến diễn ra dồn dập nhưng lần lượt thất bại. Một người ưu thời mẫn thế như Tú  Xương tránh sao khỏi chua xót, viết Đại hạn chính là để  thể hiện một thái độ của ông trước đại nạn của đất nước.
Mở đầu, ông sử dụng thành ngữ đá nát vàng phai (có bản ghi: Dạo này đá chảy với vàng trôi) có tính chất khoa đại để lưu ý tình thế nghiêm trọng. Ba câu tiếp, các từ được ông chia tách ra : Khi thì mỉa một tình thế bất ổn, nhấp nhỏm lo toan (đứng lại ngồi), khi ông mắng sự mê muội tắc trách (ăn với ngủ), từ nước non cũng bị ông méo mó thành nước cùng nôi do ép vần, từ lại sát vớ cảnh hạn hán vừa có tính chất mai mỉa. Hai câu luận: cảnh ruộng nẻ, ao khô bế tắc tột cùng, chua chát cao độ. Đến hai câu kết, ông dùng cách phiếm chỉ (tình cảnh nhà ai), tự đặt mình ra ngoài và cuối cùng “Quạt mo phe phẩy một mình tôi”, thể hiện thái độ như là mặc kệ, như kiểu ung dung đắc ý, ai rối cứ lo, không liên quan gì đến mình.                Nhiều người đã khen Tế Xương giỏi chọn bắt những chi tiết rất gần, rất thực của đại hạn tự nhiên rồi ẩn dụ so sánh bóng gió nhưng sâu xa về nạn nước, đại nạn quốc gia xã hội. Bài thơ thể hiện cảnh thấp thỏm rối bời đồng thời phê phán sự mù tối, tắc trách dẫn đến tình thế bế tắc. Người ta khen cách tả cách luận của Tú Xương nhưng chê thái độ của ông trong câu kết: “Tình cảnh nhà ai nông nỗi ấy, Quạt mo phe phẩy một mình tôi”. Rằng là người hiểu thời cuộc nhưng ông tự đặt mình ra ngoài thời cuộc, bỡn cợt trước cảnh bi đát của dân tộc. Thái độ bất lực, vô trách nhiệm, bàng quan không xứng là thái độ của con dân đất Việt.

Rõ ràng trước tình cảnh mất nước, dân tộc đắm chìm trong nộ lệ, Tế Xương bất lực. Ông cười nhưng phải chăng ông vô trách nhiệm? Phải chăng ông đau thì ít mà ông ác thì nhiều? Đây là một bài thơ trào phúng. Trào phúng phải nén nỗi đau để cười, nó là một loại “tiếng khóc khô không lệ” trước những vấn nạn xã hội.  Đau mà khóc- chuyện thường. Đau mà cười- chuyện không bình thường, biết đâu chẳng vơi bớt mà càng đau hơn. Hữu tình mà cứ như vô tình, dằn vặt lo lắng mà cứ như buông thả, mặc kệ. Ở trong cuộc, xót xa vì cuộc thế mà cứ như tách ra ngoài cuộc. Phát hiện, thấm thía nỗi đau mà bất lực đâm ra chua chát với đời, với người và cả với chính mình.

Trước tình cảnh Đại hạn, Tú Xương không khóc lóc kêu than, không hô hào “chống hạn” để giải nạn nước, ông bế tắc, bất lực- ông cười! Ông tự đẩy mình ra ngoài để lạnh lùng xem xét, để vạch cho hết sự tình. Tự đẩy mình ra ngoài để tự bêu riếu sự bất  lực của mình, chưa hết, còn cho người đọc nguyền rủa mình.  Bài thơ trào phúng của bậc cao tay, nhập nỗi đau đời vào nình, nén đến tận cùng nỗi đau xót cuộc đời rồi chua xót đến tàn nhẫn với bản thân mình. Ông làm như trách đời nhưng là tự trách mình, làm như ác với đời nhưng thực chất có ác là ác với chính bản thân ông vậy. Đây là sự bất lực, nỗi đau của kẻ sĩ trước nạn nước.
Ối! Tú xương yêu nước, thao thức với vận nước, cứu nước ông không làm được nhưng mất nước đâu phải vì ông mà tự dằn vặt đến thế.
03-08





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét