Truyện
ngắn của BÚT NGUYÊN TỬ
Ảnh internet
Làng
Lệ không xa lắm, xe bon về huyện, cứ theo hướng rẽ chạy băng đồng , lướt theo
đường cái xã hơn tiếng đồng hồ thì tới. Hỏi đường vô miếu Bà Tướng, mấy người
dân đầu làng bảo cứ rẽ cho hết đường,
quẹo bên phải, qua một đoạn đường ruộng thì thấy nhà bà Tó. Hỏi bà ấy chỉ cho.
Con đường làng tre xanh phủ kín, không khí trong mượt, mát dịu buổi sáng lâng
lâng cùng với sự háo hức. Cũng thật bất ngờ, trong cái thời công nghiệp hiện
đại bây giờ mà ở đây không khí thôn dã vẫn còn nguyên. Gió qua rặng tre xào
xạc, những tia sáng mặt trời xiên qua kẽ lá, những bóng nắng lung linh in vàng
trên đất, những mảnh vườn xanh mượt, những ngôi nhà xinh xắn núp dưới bóng cây
thỉnh thoảng vẳng mấy tiếng chim gù. Một vùng đậm bóng quê trong thơ văn ngày
cũ.
Qua
một đoạn đường đồng khấp khểnh, ngôi nhà bà Tó hiện ra. Gọi là nhà thực ra chỉ
một túp lều nhỏ tồi tàn biệt lập chơ vơ giữa đồng như điểm nối giữa làng mạc với
đồng ruộng mả mồ. Một cháu bé thấy chúng tôi ngoài cổng đã ù chạy vào nhà rối
rít gọi bà. Vào đến sân đã thấy một bà cụ hom hem bước ra, che trán nheo
mắt nhìn chúng tôi móm mém cười xuýt
xoa:
-
“ Phúc đức quý hóa quá! Cứ để xe đây bà cháu tôi giữ cho, qua thăm miếu rồi ra.
Chân giày chân dép mà lội ruộng cực đấy. Mà đây, cầm mấy nén nhang thắp cho Bà,
Bà hộ trì cho- Bà lão vừa nói vừa rút mấy
nén nhang đưa cho tôi, miệng rối rít: Quý hóa, quý hóa quá!”
Đứng
ở sân bà Tó có thể nom thấy miếu Bà Tướng khuất sau mấy hàng bia mộ, phải qua
một nghĩa địa, lội một khúc đường ruộng mới tới được.
Mấy
đưa trẻ đang thả trâu ăn cỏ, một đám đang túm tụm đánh đáo, một vài đứa ngồi
vắt vẻo trên thành miếu thấy chúng tôi, biết là người thăm thì tụt xuống đứng
qua một bên. Một đứa trong bọn bảo:
-“Muốn thắp nhang thì phải mở cửa miếu”. Nói xong, nó bước vào đẩy tách hai
cánh cửa nhỏ xíu ra hai bên. Tượng Bà Tướng hiện ra, Bà ngồi, mặt mày uy nghiêm, mắt nhìn thẳng như có uy lực
làm người xem phải rùng mình. Đội kim khôi, mang võ phục, một tay chống kiếm,
một tay gãy cụt. Bệ thờ tạc hình ngựa chiến. Hình như tượng được đắp bằng vôi
vữa, người ta mới sơn phết lại, cái lạ là cổ tượng được quấn bằng một tấm vải
điều còn mới tinh. Trước mặt là một hộc nước trong veo, ngoài cùng là một bát
nhang. Anh bạn tôi đốt mấy nén nhang, vái ba vái rồi cắm vào bát. Hương thơm
tỏa sực nực rồi nhè nhẹ lan xa. Lùi ra, bây giời mới có dịp ngắm miếu. Chỉ là
một ngôi miếu nhỏ cao chưa quá đầu người, bề ngang hơn thước, thời gian lổ chỗ
rêu phong, không kẽ vẽ điêu khắc gì. Trước miếu là bãi thả trâu, còn cả mấy
vũng trâu đằm bùn đất nhão nhẹt, không có cây cối gì nên miếu trở nên quá trơ
trọi, gió đồng thổi lộng ào ào. Một ngôi miếu nhỏ thờ nữ tướng, nữ tướng ấy là
ai? Một ngôi miếu nhỏ đơn sơ không chút công phu kiểu cách, không có vẻ âm u
huyền bí mà sao nổi tiếng vang danh? Hương thơm tỏa ra xa. Mấy đứa trẻ chăn
trâu tản đi, tôi và anh bạn ngắm nghía, tha thẩn nghĩ suy.
Bà
cụ Tó đón chúng tôi sẵn. Vừa bước vào sân , bà đã vọng tiếng:
-“Quý
hóa quá! Xa xôi đâu không biết mà cũng ghé thăm Bà, Bà phù hộ cho! Vô đây ngồi
nghỉ, uống chén nước!”
Chúng
tôi vào nhà, bà cụ đã sai cháu nhỏ pha trà ra hai chén. Nước trà xanh, bốc
khói. Căn nhà lụp xụp nhưng nằm giữa đồng khơi nên thoáng mát đến lạ. Bà cụ mau
mắn vào chuyện:
-“Đi
thăm vậy mà đã biết chuyện tích Bà tướng chưa?- Và bà kể- Xưa Bà là tướng cầm
quân đánh giặc. Đội quân Bà bị giặc đông mạnh bao vây, Bà chỉ huy đội quân mình
chống trả đến cùng, lớp chết lớp bị thương, Bà cũng bị một nhát chém vào cổ,
phải mở đường máu chạy. Cần cổ đứt muốn rời, Bà phải sửa lại cho ngay rồi phi
ngựa thoát. Dọc đường, tay giữ cổ, tay cầm cương, máu phun đầm đìa. Gặp bọn trẻ
chăn trâu bên đường, Bà gò cương
hỏi:-“Như ta đây, bị thương thế này có chết không?”Lũ trẻ nhìn rồi nhao
lên:-“Dũng tướng như Bà, chết làm sao được!”
Bà
lại tiếp tục phi ngựa, chạy một đoạn đến làng Lệ , gặp một đám người lớn, Bà gò
cương hỏi:-“Như tôi, bị thương thế này có chết không?”Đám người lớn ngắm nghía
rồi lắc đầu:-“Bị thương đứt cả cổ thế này thì chắc chết!”
Nghe
chết, Bà ngã vật xuống. Dân làng hoảng hốt
chôn tạm xác Bà xuống gò đất bên đường- chỗ gò đất dựng miếu Bà hiện nay
đó. Trước đây có con đường bên cạnh
nhưng nay người ta dời xa ra thành con đường huyện đấy.
Không
biết vì thua trận uất chí hay giận dân làng
vì câu nói gỡ mà oan hồn không tiêu, Bà phạt. Những người nói Bà chết
bỗng nhiên bị chứng câm, chỉ ú ú ớ ớ, muốn nói cũng không thành tiếng. Cả làng
hoảng kinh tin chắc rằng miệng mồm phàm tục lỡ phạm oai linh nên sửa một lễ cầu
cúng. Khấn rằng do dân tình ngu dại lỡ lời phạm thượng, nay xin lập miếu tô
tượng thờ làm phúc thần để Bà sống mãi với dân làng. Quê hương bản quán Bà đâu
không biết, tuổi tên Bà cũng không tường nhưng vì việc nước non mà Bà ngã xuống
đất làng thì con dân làng đây xin làm con cháu Bà để lo tế tự. Cảm lòng
thành, Bà cho những người kia nói lại được ngay. Thế rồi tùy hỉ tùy tâm, gom
tiền góp sức xây ngôi miếu nhỏ, tạc tượng thờ Bà.”
Anh
bạn tôi gặng hỏi:
-“Thế
miếu dựng khoảng mấy trăm năm rồi? Có biết bà là nữ tướng đời nào? Đánh giặc gì
không?”
Bà
cụ lắc đầu:
-“Xưa
truyền thì nay giữ. Ngay từ thuở tôi còn nhỏ xíu, bà cố tôi cũng kể lại vậy
thôi chứ mấy trăm mấy nghìn năm làm sao biết. Mà tên tuổi là để gọi người còn
Bà là thánh thần thì cần chi tên tuổi, hỏi truy hóa ra phạm thượng, ai dám! Có
điều miếu tích thật thì Bà cũng có thật.”
Tôi
bấm tay anh bạn, nhìn kĩ người bà cụ Tó rồi thầm nghĩ: Một cụ bà lụm cụm tưởng
như khù khờ thế mà kể sự tích suôn sẻ,
hình như sự tích đã thấm sâu vào trong máu, nhập tâm cả đời người, được nghe
được kể hàng trăm hàng nghìn lần rồi. Câu
hỏi của anh bạn tôi khó là thế, các nhà sử học chắc cũng phải lục tìm
hàng tháng hàng năm mới hi vọng trả lời thế mà bà cụ quê mùa này lại hóa giải
vừa đơn giản dễ dàng tự nhiên vừa đậm vị triết lí sâu sắc. Hình như ở bà có hai
con người, một bề ngoài quê mùa ngờ nghệch nhưng ẩn chứa trong đó một trí tưởng
sắc sảo thâm trầm.
Anh
bạn tôi lại hỏi tiếp:
-“Bà
Tướng uy linh thế sao dân làng không xây miếu Bà thật lớn mà chỉ là ngôi miếu
con? Bây giờ ở đâu, làng nào vùng nào người ta cũng đều xây tô, mở rộng, nổi
đình nổi đám, nhìn miếu Bà đây tránh sao khỏi chạnh lòng?”
Bà
cụ Tó cười, nhẹ nhàng bảo:
-“Thần
linh chứ miếu đâu có linh, thần thánh chứ đâu phải người phàm mà đòi ngự nhà
cao của rộng. Phật tại tâm thì thánh thần cũng ở trong lòng, cái chính là tấm
lòng thành.”
Tâm
trạng hoang mang ngẫm nghĩ về con người bà cụ, nghe đến đây, tôi càng lạ lùng,
sửng sốt. Bà đang triết lí, đang thuyết giáo hay đang ngẫm chuyện thế sự. Lời hỏi của anh bạn làm tôi sực tỉnh.
-“Đơn
sơ thì cũng phải giữ sao cho tôn nghiêm chứ, trước miếu Bà có cả vũng trâu đằm,
thành miếu còn dấu trâu cà dính đất,thậm chí trẻ chăn trâu còn ngồi leo lên cả
miếu.”
Bà
cụ cười:
-“Lạ
vậy đó. Người lớn phải kiêng khem, ngày lễ ngày cúng mới tới, ai cũng phải giữ
gìn từ lời ăn tiếng nói đến đi đứng, cử chỉ còn bọn chăn trâu muốn làm gì thì
làm mà chẳng bao giờ bị rầy rà gì.”
Tôi
nói xen vào:
-
“Chắc bà cũng nghĩ chuyện xưa, Bà bị thương nặng thế mà chúng vẫn ca ngợi, vẫn
bảo Bà không thể chết. Nói Bà không thể chết tức là truyền cho Bà sự sống, Bà
nhớ ơn.”
Bà
cụ lúc lắc gục gặc:
-
Không biết nữa! Thấy ai cũng kiêng dè, chỉ có bọn chăn trâu là coi Bà như bạn
bè chúng, đùa giỡn với Bà mà chẳng việc gì cả.
Thậm chí hàng năm lễ bà, mấy bô lão còn phải để cho bọn trẻ chăn trâu
vào trước mở đường, xin phép sau đó mới lục tục vào lễ lạy. Thành thói quen,
đến miếu Bà phải kiêng nói chết, sợ Bà quở về cấm khẩu.”
-“Thế
sao tượng bà lại cụt mất một cánh tay?”
-
“Đó là tội của thằng ăn trộm.”
-“Bà
linh thế mà vẫn bị ăn trộm bẻ cụt cánh tay sao?”- Bạn tôi hỏi giọng mỉa mai.
Bà
cụ thong thả:
-
“Thế mới là chuyện. Xưa ở làng Lộc kế bên thờ đứa ăn trộm làm thần. Không biết
tên trộm này đi trộm cắp ở đâu, khuya về ngang làng thì chết. Chết nhằm giờ
thiêng sao đó mà hiển linh nhập vào trưởng làng, bắt cả làng phải thờ cúng bằng
không sẽ gây họa. Làng sợ phải lập đình thờ nó làm thành hoàng. Làng Lộc giàu
có thế nhưng xưa kia có tục ăn cắp. Mỗi năm,nhà giàu nhà nghèo gì không biết,
phải đi qua làng khác hoặc ra chợ ăn cắp một món lớn nhỏ gì cũng được cho thành
hoàng vui lòng, không thì sẽ bị quở trách. Dân làng Lộc đến đâu cũng bị khinh
ghét, thấy mặt là người ta đề phòng, chửi bóng chửi gió. Đi trộm xa mất công,
trộm lớn không nổi mới sinh chứng trộm
gần, trộm vặt khi con gà con vịt, khi cái cuốc cái rựa, thậm chí trái ớt trái
cà đến cái chổi cùn cũng ăn trộm cho có,
cho đủ lễ. Biết là bị những người trong vùng khinh miệt nhưng thần đã bắt,
không làm không yên. Cũng tội nghiệp cho họ chứ ai muốn trộm cắp làm gì, có
điều lớn trộm nhỏ trộm, nhà nào cũng trộm lâu dần quen thói.Ngay cả trong lễ
hội cúng đình thì cũng chơi những trò chơi trộm cắp. Thờ thần trộm nên người ta
kiêng chữ trộm mà nói thành “mượn”. Thần trộm ngang nhiên lộng hành, cả làng
phải sợ. Thần trộm còn xúi biểu một tên trong làng qua miếu Bà định ăn trộm
luôn tượng Bà. Tên trộm gở cạy không được nên bẻ luôn cánh tay đem về để lên bệ
thờ cúng báo thần trộm.
Tay
Bà vừa đưa lên bệ thì ngôi đình phát hỏa, tượng ác thần với áo mão nghi trượng
thờ cúng bốc cháy ra tro chỉ cánh tay Bà còn nguyên vẹn. Cả làng đổ bệnh, người
nào cũng bị liệt hẳn cánh tay. Truy ra
là do tên trộm đã bẻ mất cánh tay Bà Tướng nên Bà nổi giận. Làng bên tỉnh ngộ,
xin thờ Bà làm phúc thần, bỏ tục thờ thần trộm, chấm dứt thói tệ ăn cắp. Mọi
người mới mạnh khỏe bình thường trở lại.
Từ
đấy thành lệ, năm nào cũng vậy, làng Lộc chuẩn bị cúng đình thì trước đó các bô lão phải hương hoa qua
miếu xin rước Bà. Bà trở thành phúc thần của cả hai làng. Nhờ bà mà làng Lộc thoát khỏi tay ác thần. Dần
dà các làng chung quanh đều hiểu, bỏ dần thói dị nghị và đối xử với dân làng
Lộc trong tình anh em. Tuy Bà không ra oai nhưng những người làng khác cũng sợ,
cả vùng yên ổn, hiếm nghe chuyện trộm cắp.”- Bà cụ thở dài:- Đói cho sạch,
nghèo thì khổ nhưng khổ vẫn ngửng mặt được với người chứ mang tiếng trộm cắp
thì xấu hổ nhục nhã lắm, đâu dám chường mặt với ai.”
-
“Mà sao không lắp lại cánh tay cho Bà?”- Anh bạn tôi hỏi vặn.
Bà
cụ cười:
-
“Thì tay bà có mất đâu, làng Lộc vẫn thờ. Ngày trước nghe đâu người ta cũng
định đưa cánh tay về ghép lại nhưng dân làng Lộc một hai khẩn cầu xin được giữ một phần thiêng
liêng của Bà, dân làng Lệ thấy cũng hợp tình nên đồng ý. Bà ở hai nơi, bên kia
là ngọn, bên này gốc.”
Tiếng lợn kêu eng éc ngoài chuồng,
bà lão giật mình nhắc đứa cháu nhỏ đi
cho ăn. Té ra nãy giờ nó vẫn ngồi ở góc nhà há hốc mà nghe kể. Rõ là đứa bé từ
khi có khách đã linh hoạt năng nổ hẳn, chắc đã hàng chục lần nghe bà kể sự tích
Bà Tướng với khách nhưng sao nó háo hức chăm chú thế. Sự tích bà kể như cấy vào
tâm hồn thơ ngây của nó ngọn lửa, nó cũng nuôi dưỡng ngọn lửa đó chờ ngày tỏa
sáng.
- “Ở gần chắc bà qua lễ bái Bà Tướng
thường xuyên?”- Bạn tôi hỏi.
Bà lão như cảm thấy có lỗi:
- “Hồi trẻ có viếng một đôi lần, còn
bây giờ già rồi. Bà Tướng ở đó đâu có xa, ai đến thăm cũng qua đây, mình tưởng
đến cũng như lễ với Bà rồi, Bà đâu có
trách.”
Tôi xen vào:
-
“Như vậy, bà đến với Bà Tướng cái chính
là một tấm
lòng.”
Bà
móm mém cười:
-
“Thì tâm thành thần thánh chứng tri.”
Trời
đã trưa, chúng tôi xin phép cáo từ, bà Tó cảm động:
- “Quý
hóa quá! Xa xôi thế mà cũng biết tìm tới thăm Bà Tướng, Bà phù hộ cho mạnh giỏi! Quý hóa!” Đường về, thấy bạn trầm ngâm, tôi
gợi ý:
-
“ Vẫn tiếp tục tìm hiểu để xé toạc bức
màn lịch sử chứ?”
Anh
ta cười, lắc đầu:
-
“Lịch sử đã đã thấm vào trong máu thịt, mong manh thế mà sâu đậm vững chắc, như
mạch nước ngầm vẫn chảy, như lửa than
vẫn âm ỉ cháy trong lòng người, đã thành thần tích.”
Tôi chêm vào:
-
“Và như vậy lịch sử đã thăng hoa.”
Bạn
tôi gật gù:
-
“Đúng thế!”
12/08 – 2/09
Facebook- LIke: Vũ Như Cẩn, Nguyễn Thị Lợi and 2 others
Trả lờiXóa