Trước
hết, chưa phải để làm quan làm tướng gì mà cho con đi “học dăm ba chữ để làm người”, học chữ tức là tiếp cận đạo lí thánh
hiền để sống, hành xử cho phù hợp lễ nghĩa. Cha mẹ dù vất vả nhưng quyết hi
sinh để lo cho con cái học hành cho có
chút chữ nghĩa. Con nhà nghèo vất vả sớm khuya mà học giỏi càng được ngơi khen,
cha mẹ cũng được mở mặt mở mày. Trong thôn xóm, người có học có chữ thường được
nể vì. Giới sĩ xưa tuy chiếm chưa tới 10% vẫn được xếp trên cao: Nhất sĩ, nhị nông, tam công, tứ cổ (thương).
Dân
gian quan niệm học ra học, học hành cho đàng hoàng, tiến tới. Một là giỏi chữ
hai là giỏi nghề, học hay hoặc cày giỏi, làng nhàng “học chẳng hay cày chẳng biết” thì không được chấp nhận. Học phải
phát huy trí thông minh, khả năng suy đoán, “học
một biết mười” là biểu hiện thông tuệ ngược với kẻ “học trước quên sau”, “chữ thầy trả lại cho thầy”. Lối học không
nghĩ, “học như gà đá vách”, vô bổ,
thiếu nội dung thậm chí là vô nghĩa, bị phê phán. Lối học vẹt, học gạo cũng bị
dân gian chế diễu là “học như cuốc kêu
mùa hè”, ra rả ra rả quanh đi quẩn lại có chừng đó, không thêm được mấy
chút kiến thức.
Học
từ lúc khai tâm khai thị (mở lòng mở mắt) phải có thầy. “Không thầy đố mầy làm nên”, do vậy phụ huynh “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, trò phải trọng thầy như cha
mẹ. Có thể do mình kém chữ, không dạy được con nhưng rõ ràng quan niệm học có thầy là quan niệm khôn
ngoan. Các tốt nhất để việc học có căn cơ, chính quy (không phải là học lóm)
ngay từ lúc khởi đầu là cách hữu hiệu nhất, con đường ngắn nhất để giúp người
học tiếp cận một cách bài bản và có hệ thống những tri thức xã hội.
Coi
trọng thầy nhưng không ngừng lại đó, dân gian còn mở rộng quan niệm học: “Học thầy không tày học bạn”. Ngày nay,
nhiều lí thuyết như giáo dục trong tập thể và bằng tập thể, hình thành cá nhân
trong xã hội, lí thuyết nhóm…đều chú ý đến vai trò của bạn học. Sự đua tranh
giữa bạn bè, dư luận xã hội, chuẩn mực lành mạnh của nhóm… có tác dụng kiểm
soát, kích thích sự học tập, sự tiến bộ, trở thành động lực của việc học. Đương
nhiên cần phải có bạn tốt, muốn thế phải xây dựng môi trường tập thể lành mạnh,
tích cực. Truyện dân gian Trần Minh khố chuối
ca ngợi tình bạn thủy chung. Trần Minh thành đạt, đổi đời nhờ học tập.
Tri thức có thể từ thấy, từ sách vở nhưng cái động lực, sự quyết tâm vượt lên
sau thất bại, ý chí chiến thắng trở lực thì do người bạn của mình truyền cho.
Chính người bạn học đã tái sinh Trần Minh.
Học
thầy học bạn là học ở trường ở lớp, dân gian không dừng lại đó mà đẩy quan niệm
về sự học lên tầm rộng hơn. Học là tìm tòi, nhận thức, luyện tập gần gũi bình
thường và phải được quan tâm, thể hiện
trong bất cứ hoạt động nào: “Học ăn, học
nói, học gói, học mở”, “bể học vô bờ”.
Xã hội phong kiến là xã hội tĩnh, ít biến đổi, đi lại khó khăn, phương
tiện di chuyển chủ yếu là đôi chân, dân gian đã nhận thức được sự bế tắc của
mình và sớm đòi hỏi con trẻ tinh thần dịch chuyển, khai phá. Học là để mở rộng,
phải mở rộng không gian để mở rộng tầm nhìn : “Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn” vì “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.
Chỉ quanh quẩn trong ao nhà, sau lũy tre thì làm sao biết người biết mình, học
không chỉ dừng ở chỗ dùi mài kinh điển
mà phải tham quan, tiếp nhận, đối chiếu, vận dụng kiến thức trong nhiều
môi trường. Không thòa mãn với kiến thức hư văn mà phải ứng dụng.
Học
thể hiện ước muốn đổi đời, quan niệm dân gian vừa mơ tưởng vừa thực dụng. Nhân
vật Sọ Dừa người tròn lông lốc như một quái thai đi ở chăn trâu cho nhà phú ông
nhưng nhờ trí tuệ mẫn tiệp, thoát xác đi học đi thi đỗ trạng nguyên, lấy được
con phú ông đã đẹp lại giàu có. Học trở thành một ước mơ, một phương cách đổi
đời, đổi vị thế xã hội. Người có học ngày xưa được đặt ở vị thế cao, khỏi phải
chân lấm tay bùn, nhỏ đi học thì được cha mẹ lo, lớn lên lấy vợ học tiếp để thi
đã có vợ lo. Nhiều người mỉa mai: “Ai ơi
chớ lấy học trò, Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” (Xưa học chữ Hán, người ta
thường nằm để viết). Người vợ nào lấy nhằm nho sinh chưa đỗ đạt thì cũng như bà
Tú Xương “gánh” ông Tú: “Quanh năm buôn
bán ở mom sông, Nuôi đủ năm con với một chồng”. Nói thế nhưng không ít cô
mong mỏi kết duyên: “Chẳng tham ruộng cả
ao liền, Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ”. Cái bút cái nghiên nhỏ nhoi
nhưng mà sang quý, những nét chữ bay bướm kia có thể là thơ phú lay động lòng
người, có thể là nghị luận là phương sách kinh bang tế thế, và trước mắt nó có
thể làm một cuộc đổi đời vẻ vang cho người học và người thân của họ. “Học thành danh lập”, ngày vinh quy, “võng anh đi trước võng nàng theo sau”
cũng làm cho nhiều cô đầu tắt mặt tối thành bà nọ bà kia danh giá hơn người.
Mong muốn dù mang tính thực dụng nhưng đây cũng là sự bù đắp chính đáng. Đương
nhiên học phải cho giỏi, “học dốt mà muốn
vợ tốt”, còn lâu!
Nuôi
con ăn học là một trách nhiệm lớn của bậc mẹ cha, vấn đề học tập là vấn đề lớn
mà xã hội xưa nay đều quan tâm. Trong thời kì mà tuyệt đại đa số dân chúng đều
thất học lại có ước mơ cháy bỏng về việc học như vậy thực đáng suy nghĩ và trân
trọng biết bao. Hiện tại, khi việc học trở thành phổ cập, phổ thông, vẫn có
những người khao khát học hành nhưng không được học đến nơi đến chốn, thật
uổng! Lại nghĩ đến những trẻ em thất học, mù chữ thì thật đau lòng!
Đau hơn cả là để cho tình trạng gian dối chụp
giựt làm loạn giáo dục, đây là gốc gây ra đại bệnh. Rồi nào đưa vào lí thuyết
này phương pháp nọ, thứ nào cũng hiện đại, cũng phù hợp rồi nay cải cách mai
thay đổi như chong chóng, mỗi người giải thích, yêu cầu một kiểu, chẳng biết
phương nào mà lần. Vỗ tay thành tích ào ào, thắng lợi to lớn nhưng thực
chất suy đốn, hoảng hồn hô quốc sách, gào chấn hưng nhưng giáo dục vẫn cứ tuột
dốc.
11/08
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét