Ảnh internet
Mình
với ta tuy hai mà một
Ta
với mình tuy một mà hai
Hai người nhưng cưu mang một tâm sự,
một tâm sự có hai người cưu mang, đó là cách hiểu về nội dung. Ở đây chỉ đi vào
cách xưng hô.
Hình như không một ngôn ngữ nào trên
thế giới mà cách xưng hô lại phức tạp như trong tiếng Việt. Thông thường, trong
đối thoại, xưng hô thường quy về ba ngôi: Ngôi I chỉ người nói, ngôi II chỉ
người tham gia đối thoại trực tiếp và ngôi III chỉ người (có hay không có mặt)
không trực tiếp đối thoại. Mình
(Tôi- ngôi I), nói “Mình không đi”
tức là “Tôi không đi” thế nhưng Mình
trong Mình với ta dẫn trên lại chuyển thành ngôi II hay nói cách khác, ngôi II
bị chuyển thành ngôi I. Vợ gọi chồng (hoặc chồng gọi vợ) là: “Mình ơi!”. Gọi người khác nhưng xưng là
mình, hai mà một, hai vô một, hai
trong một, rõ là cách gọi tham lam độc chiếm.
Còn ta (ngôi I- tôi, chúng ta), “Ta
về ta tắm ao ta” (Ca dao), “Ta đây,
ngày thời quên ăn đêm thời quên ngủ” (Hịch tướng sĩ- Hưng Đạo Vương), xưng
hô một cách tự tin, tự hào. Ta thêm thành tố người vào trước thành người ta, chuyển qua ngôi thứ III. Khi
nói: “Người ta đâu có làm mà mình làm”
thì người ta đây là người khác (ngôi III), phân biệt với ta, chúng ta (ngôi I)
thế nhưng khi vợ giận chồng hoặc nàng giận chàng thì bảo: “Mặc kệ người ta!”, người ta đây
lại là tôi (ngôi I), tôi- phiếm chỉ làm cho tôi trở nên xa lạ (đang giận
mà!).
Vợ gọi chồng (hoặc chồng gọi vợ) lắm
khi không gọi trực tiếp kiểu đánh đồng vào mình, độc chiếm kiểu mình như nói
trên mà lại thông qua ngôi III để gọi ngôi II: “Bố thằng Tèo”, “Mẹ cái Tí”, “Bố nó”, “Mẹ mày”… Không gọi chồng
tôi, vợ tôi mà đưa “thằng Tèo”, “cái Tí”, “nó”,”mày” vào làm cho quan hệ trở
nên kín đáo khi vợ chồng đã lớn tuổi (Quan hệ vợ chồng xưa thường kín đáo, ít
khi thể hiện ra ngoài). Gọi anh anh em em là kiểu gọi tân thời còn kiểu xưa với
người lớn tuổi hoặc trước mặt người thứ 3 lại khác. Cách nén những biểu hiện
tình cảm thể hiện rõ trong cách xưng hô, thậm chí xưng hô trổng cho đỡ mắc cỡ.
Vợ (hoặc chồng) hỏi chồng (hoặc vợ): “Về rồi à?”, “Chưa đi sao?”, bỏ trổng
nhân xưng lắm khi người ta còn phiếm chỉ đến mức mơ hồ cách xưng hô ai (ở
một số địa phương Bắc bộ): “Ai ơi, về ăn
cơm!”, “Ai ăn trước đi, ai chưa đói!”. Xưng hô phiếm chỉ tạo ấn tượng lẫn
lộn bâng khuâng: “Ai đi đường ấy xa xa,
Để ai ôm bóng trăng tà đợi ai” (Ca dao). Thậm chí người ta còn vật hóa
trong cách xưng hô vợ chồng. Vợ (hoặc chồng) thành nhà: “Nhà tôi đi vắng”, “Nhà
tôi ở trong nhà, bác ạ!”.
Cách nói năng của người Việt thật đa
đoan, người phương tây thường bị rối rắm, kêu trời khi gặp các kiểu xưng hô
này. Người Ăng-lê nói: “Con ra mời ông
nội vô ăn cơm!” và “Mày ra bảo nó vô
ăn cơm!” không khác gì nhau. Thế nên có chuyện vui rằng bố sai con ra mới
ông nội vô ăn cơm, thằng bé chạy ra bảo: “Nó
(He) bảo tao (me) ra mời mày (you) vô ăn cơm!”. Đương nhiên đấy chỉ là cách
tiếu lâm theo kiểu người Việt, nói hiểu phải tùy thuộc ngữ cảnh, người phương
tây đâu có vô lễ vậy.
Trong tiếng Anh, tiếng Pháp, sự xưng
hô diễn ra lạnh lùng nhưng rõ ràng còn tiếng Việt tuy rằng phong phú nhưng cực
kì đa đoan như đánh đố
12 tháng 11, 2016
Trả lờiXóaFacebook- Kim Tran, Lua Hai and 7 others
tinhlevan64@gmail.com10:33 20 tháng 1, 2022
...rối như canh hẹ...