MỤC LỤC BLOG

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

HẾT GIẬN CÀNG THƯƠNG

NGUYỄN VĂN HÙNG

Ảnh internet






                Hòn đá lăn nghiêng lăn ngửa

                Em thấy không sửa em chữa lại cho nó lăn đứng

                  Em thấy không xứng em chữa lại cho nó lăn dẹp

                  Em thấy không đẹp em chữa lại cho nó lăn tròn

                  Giận thì nói vậy nhưng dạ vẫn còn thương anh.

                                                                                                            (Ca dao)
Trong cuộc sống vợ chồng đố ai dám bảo không bao giờ có cảnh lia thúng đụng nia, giận dỗi, hậm hực chì chiết. Xung đột như cơm bữa thì đúng là điều bất hạnh, nhiều khi phải tan đàn sẻ nghé. Nhưng họa hoằn có sự sai lệch thì va chạm, giận hờn là điều khó tránh khỏi, nhiều khi có tác dụng điều chỉnh, uốn nắn cách ứng xử trong quá trình chung sống, làm cho quan hệ vợ chồng thuận thỏa trở lại.
Rõ ràng bài ca dao này thể hiện nỗi tức bực của vợ đối với chồng. Bà vợ đây không lu loa mồm năm miệng mười mà cạnh khóe chắc nịch. Dằn đi dằn lại ba lần : Em thấy- Em thấy- Em thấy tương ứng với ba lần em chữa- em chữa- em chữa đi  với ba lần  cho nó- cho nó- cho nó. Lời lẽ thông tục, không cần mượt mà, rành mạch dứt khoát, như bắt được tay vày được cánh không thể chạy chối mà vẫn giữ được phép tắc lễ độ.
Không biết anh chồng phạm cái lỗi tày đình gì , xúc phạm vợ như thế nào mà chị vợ tuôn ra một loạt lời lẽ tức anh ách. Người vợ dùng hình ảnh hòn đá vô tri vô cảm cứ thế mà xoay mà vần cho lăn nghiêng, lăn ngửa, lăn đứng , lăn dẹp, lăn tròn. Nói lăn nghiêng , lăn ngửa, lăn tròn là chuyện bình thường, ở đây chị vợ lại bắt lăn đứng, lăn dẹp thì không biết phải lăn thế nào cho vừa ý chị ta. Mà cũng hợp tình thôi, bởi có nghiêngngửatròn thì cứ thêm đứng thêm dẹp tha hồ. Lí lẽ của sự giận dữ mà! Ngữ cảnh ở đây cho phép nói năng hồ đồ như vậy, thậm chí là hay bởi nó hợp, thể hiện được hiện thực xung đột.  Hơn nữa, hòn đá đây chỉ là cái cớ, cái sự vật tưởng tượng cho chị vợ trút tức bực vào. Chuyện lăn thực chất là sự quay cuồng các cung đoạn, các nỗi niềm tức tối trong lòng mà thôi.
Bài ca dao khéo dùng một loạt vần trắc: ngửa- sửa- chữa, đứng- xứng, dẹp- đẹp biểu hiện sự khúc mắc bực bội từng bị nén rồi bộc phát ra. Và rồi, hết giận thì thương, giận thì giận mà thương càng thương, câu ca dao chuyển qua vần bằng: tròn- còn và hai tiếng thương anh cuối cùng vang lên dịu dàng tha thiết. Bão tố qua rồi, bầu trời thêm xán lạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét