TIỂU
HÙNG TINH
Ảnh internet
Tranh dân gian làng Hồ có cảnh hứng dừa (trai hái gái hứng), đám cưới và cả cảnh đánh ghen. Một bà cầm kéo xỉa tới, một bà khác núp sau lưng người đàn ông…Chỉ là tranh, sống động cỡ nào cũng khó mà lột tả hết sự dữ dằn, hung bạo. Hãy hình dung cảnh hai người đàn bà đầu bù tóc rối, xỉa xói gào thét rồi lao vào cắn xé… Cơn ghen bốc, kéo theo những hành động để lại hậu quả xấu nên người ta thường nhìn với cặp mắt khinh miệt, đồng hóa với cái xấu, cái ác, tục tằn kinh tởm…
Hỏi do đâu mà ghen? Có thể trả lời ngay vì có nghi ngờ,
có phản bội, ngoại tình, chí ít cũng san sẻ bớt tình cảm…Cũng là do bước tiến
của hôn nhân chứ thời kì tạp hôn, quần hôn (quan hệ đực cái kiểu động vật) thì
chắc cũng chưa ai nghĩ tới ghen. Phải tới chỗ A là của B, khuynh hướng độc
chiếm, sở hữu đối tượng mới có chuyện ghen. Thủy chung trở thành chuẩn mực xã
hội, xâm phạm, sai lệch chuẩn mực nảy sinh ghen.
Ghen cần thiết hay vô ích? Hãy lật ngược lại, nếu không
ghen thì sao? Nếu ông thoải mái “ăn chả”, bà giận rồi thả cửa “ăn nem” thì cách
trả đũa này cũng do ghen. Nếu không vậy thì cũng sống loạn kiểu đổi vợ đổi
chồng điên đảo. Chứ nếu ông (hoặc bà) ăn vụng mà bà (hoặc ông) “vô tư” thì chắc
phải xem lại tình yêu giữa ông và bà này rồi.
Hãy đặt bạn vào trường hợp này xem thử, nếu bạn chứng kiến người- của-
mình đang tằng tịu với ai đó thì sao? Có phải như “Ai đã
cầm quả tim tôi mà bóp, ai đã giữ đầu cuống phổi của tôi bít kín lại, ai đặt ống
vào động mạch của tôi mà hút hết máu, ai đã lôi đầu lôi cổ tôi lên mà rút hết
gân…Tôi phải được rú lên như chó sói, lồng lên như ngựa vía, rống lên như sư
tử, tru lên, gào lên, điên lên…Cho tôi một con dao phay để múa tít, cho tôi
một sợi dây thừng để siết cổ…” (Túy
Hồng). Chỉ tưởng tượng thôi mà chắc con người bạn đã sôi lên rồi. Hóa ra , có
yêu mới ghen. Loại trừ thói ghen bóng ghen gió bệnh hoạn thì ghen đều có lí do
khách quan. Nếu cho ghen là xấu, là đáng lên án thì cũng phải nhớ lên án trước
hết tác nhân gây ra cái xấu này.
Cô Tấm trong truyện cổ tích thường được ca ngợi hiền thục
nhưng trong chuyện giữ chồng thì không phải tay vừa. “Vàng ảnh vàng anh, lấy tranh chồng chị chị móc mắt ra”. Móc mắt
là may, Tấm “luộc “ luôn Cám. Chưa hả, còn làm mắm em gái Chưa hả, còn gửi luôn hũ mắm về cho mẹ ghẻ ăn
rồi theo mà giễu “Mẹ ăn thịt con, khen
ngon khen béo”. Nguyên nhân thôi thúc hành động dữ dội đó có thể nhiều nhưng không thể loại
trừ điều cơ bản là giữ chồng, là ghen. Nhường gì cho em còn được chứ nhường
chồng chị hả, đừng hòng!
Điển hình ghen trong lịch sử Trung Quốc là Trịnh Tụ. Vua
Ngụy dâng một mĩ nữ, vua Kinh (Sở) thích lắm. Phu nhân Trịnh Tụ chiều ý vua, sắm sửa cho người đẹp đủ thứ.
Khi đã chắc là vua Kinh không còn nghi ngờ, Trịnh Tụ bảo kín người đẹp rằng nhà
vua yêu ngươi lắm nhưng ghét cái mũi, từ nay gặp vua thì nhớ lấy tay che bớt
cái mũi đi. Mĩ nhân tin lời, cứ thấy vua là che mũi. Vua làm lạ, gặng hỏi dăm
lần bảy lượt, Trịnh Tụ mới thưa rằng tân nhân nói người vua hơi nặng mùi. Vua
Kinh nghe, nổi giận quát: “Hãy xẻo mũi nó đi!” Trịnh Tụ nháy mắt, tên quan hầu
vọt đi. Chốc sau, chiếc mũi dọc dừa còn vấy máu người đẹp được dâng lên. Mĩ
nhân biến thành xú nhân, sống dở chết dở. Ghen hiểm, mưu thâm, thủ đoạn ác độc
dữ dội không khác gì tạt axít. Nghe đủ khiếp!
Nhân vật trong Truyện Kiều trở thành điển hình ghen tuông
là Hoạn Thư. Con người “Ở ăn thì nết cũng
hay, Nói điều ràng buộc thì tay cũng
già”, cao cơ, khéo léo, đanh đá không vừa.
nghe tin chồng là Thúc Sinh tự ý lấy Thúy Kiều làm vợ bé, Hoạn Thư nổi
giận: “Lửa tâm càng dập càng nồng, Giận
người đen bạc đem lòng trăng hoa”. Cơn giận hết sức chính đáng. Giận nhưng
biết cân nhắc, có chừng mức, trọng danh dự, biết giữ gìn hòa khí. Giận nhưng
khôn ngoan tỉnh táo chứ không đánh mất lí trí như những người đàn bà tầm thường
khác. Hoạn Thư nghĩ đến chuyện chấp nhận, hợp thức hóa việc làm của chồng:“Ví bằng thú thật với ta, Cũng dong kẻ dưới
mới là lượng trên. Dại chi chẳng giữ lấy nền, Tốt chi mà rước tiếng ghen vào
mình”, “Nghĩ rằng ngứa ghẻ hờn ghen, Xấu chàng mà chẳng ai khen chi mình. Vậy
nên ngảnh mặt làm thinh”.
Là con người thực tế, Hoạn Thư chấp nhận thói tục đa thê
của chế độ phong kiến, sẵn sàng nhân nhượng, ém nhẹm để giữ gìn nề nếp gia
phong, giữ tiếng cho chồng và cho mình. Đây
là ý nghĩ thực của Hoạn Thư (khác với những nhận định của Thúy Kiều và
Thúc Sinh về nhân vật này), thống nhất với lời khẳng định của tác giả “Ở ăn thì nết cũng hay”. Trước sau
Nguyễn Du vẫn kiêng nể nhân vật này. Hoạn Thư đâu muốn ghen và ai dám bảo Hoạn
Thư thiếu văn hóa.
Tôn trọng chồng đến thế mà vẫn bị Thúc Sinh qua mặt, sẵn
sàng dung thứ nhưng bị phớt lờ khác gì coi rẻ coi khinh. Tình cảm bị xúc phạm,
danh dự bị xúc phạm, vết thương lòng lớn quá châm ngòi cho sự trả thù. “Làm cho cho mệt cho mê, Làm cho đau đớn ê
chề cho coi. Trước cho bỏ ghét những người, Sau cho để một trận cười về sau”.
Phải dạy cho chúng bài học để biết thế nào là lễ độ. Giọng điệu đay nghiến, chì
chiết như nỗi căm tức uất chứa trong lòng.
Và Hoạn Thư hành động- sai Ưng Khuyển theo đường tắt tới
đốt nhà, bắt Kiều về hành hạ. Nhiều người quy trọng tội cho Hoạn Thư là đốt nhà, bắt người, đốt xác…
Thực ra, Hoạn Thư đốt nhà là đốt chính
đồng tiền của mình, đốt đồng tiền mà ông chồng “bốc rời” đem bao vợ nhỏ. Tội đây nên được xem xét ở mức độ “xâm
phạm trật tự trị an” chứ không “xâm phạm tài sản công dân”. Cái “thây vô chủ bên sông” chỉ là chi tiết
ngẫu nhiên kém giá trị trong Truyện Kiều.
Còn lại tội bắt người, bắt Kiều về hành hạ. Nhưng đâu phải vô cớ! Chồng bất
chấp lời cha, tằng tịu rồi lấy gái làng chơi làm vợ bé, quan xử án tùy hứng, bộ
những điều đó là chính đáng cả sao? Người đọc Truyện Kiều thường chỉ đòi đối xử nhân đạo, quan tâm đến
hạnh phúc Thúy Kiều nhưng sao chẳng chút quan tâm đến hạnh phúc Hoạn Thư?
Bắt Kiều về hành hạ, chủ yếu là hành hạ tinh thần: bắt
hầu rượu, đánh đàn trong hoàn cảnh trớ trêu “Bắt
khoan bắt nhặt đến lời, Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay”. Hoạn Thư trả thù
cả cặp, vờn cho ê chề nhục nhã “nhìn chẳng
được nhau, đầy đọa cất đầu chẳng lên”, cho đối thủ bài học nhớ đới để không
xâm phạm đến hạnh phúc người khác, làm cho người bạn đời táng đởm hết léng
phéng phá rào. “Vui này đã hả đau ngầm
xưa nay”. Hả giận rồi thì tháo cho đối thủ đường thoát. Hơn nữa, Hoạn Thư là người có văn hóa, biết trọng tài, đánh giá
cao tài năng Thúy Kiều,“tài nên trọng mà tình
nên thương”, đã cho Thúy Kiều ra Quan Âm các giữ chùa chép kinh như ý
nguyện. Đến khi Thúc Sinh và Thúy Kiều lén lút nỉ non than thở, động chạm sâu
xa đến mình, Hoạn Thư vẫn hiện ra nói cười. Cái thế Hoạn Thư lớn hẳn, thắng
hẳn, đâu thèm chấp trách bởi mọi chuyện đã được giải quyết, chẳng thành vấn đề
nữa. Bất chiến tự nhiên thành, ngoài cả ý đồ Hoạn Thư, lại thêm một vố đau làm Thúy
Kiều kinh hoảng rối loạn, nửa đêm phải ôm chuông vàng khánh bạc bỏ trốn. Hoạn Thư thèm gì truy đuổi, thèm
gì đánh kẻ ngã ngựa. Đến sau này, khi bị Thúy Kiều mượn uy Từ Hải bắt tới để
báo oán, Hoạn Thư là người đầu tiên bị Kiều đưa ra trị tội. Hoạn Thư vẫn khôn ngoan, bản lĩnh “ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình,
Nghĩ cho khi các viết kinh, Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo, Lòng riêng
riêng những kính yêu, Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”. Yêu chồng mới
ghen, ghen như là chuyện đương nhiên, phổ biến; vì cái lẽ thường mà có việc đối
xử không tốt nhưng đừng quên tôi còn là
ân nhân của cô. Phản biện của Hoạn Thư sắc sảo chí lí quá, Thúy Kiều lại một
phen đuối lí, lấp liếm cho đỡ ngượng rồi tha bổng.
Không tục tằn dơ dáy như kiểu đánh ghen ngoài đường ngoài
chợ, không ác tới mức “luộc”, “làm mắm” kẻ tranh chồng, không hiểm đến mức xẻo
mũi địch tình… Hoạn Thư có hành hạ nhất là hành hạ những kẻ (Kiều và Thúc Sinh) đã gây nỗi đau
tinh thần cho mình. Khi đòn cân não hạ gục được đối thủ thì mở đường hiếu sinh.
Xem Hoạn Thư là điển hình ghen, hiểm, thâm độc có oan cho nàng không? Hay là “Ấy mới gan, ấy mới tài” và có văn hóa
nữa. Đọc Kiều, ai cũng xót thương cho cảnh khổ của nàng nên dễ thiên vị, xem
mọi mong muốn của Kiều đều hợp lẽ. Ai làm Kiều khổ ta căm ghét còn Kiều gây khổ
cho ai ta lại phớt lờ, chẳng lẽ người khác phải chấp nhận đau khổ để cho Kiều
được sung sướng sao? Ta thấy Kiều là nạn nhân của Hoạn Thư mà quên rằng trước
hết, chính Hoạn Thư là nạn nhân của Kiều, Kiều vẫn là người trực tiếp gây ra
nỗi đau đó. Hỏi có ai yêu nhân vật Thúy Kiều bằng Nguyễn Du nhưng trong vấn đề
này, đối với nhân vật Hoạn Thư, trước sau tác giả vẫn tỉnh táo, trân trọng một
cách sáng suốt.
Hành động không quá dữ dội như Tấm hoặc Trịnh Tụ nhưng
Hoạn Thư trở thành điển hình ghen do Nguyễn Du miêu tả cái ghen của nàng sắc
bén, gây ấn tượng quá. Cũng vì do tác giả miêu tả nỗi đau Thúy Kiều thấm thía
quá làm ta thương xót mà thành kiến quá nặng đối với Hoạn Thư, thành kiến vượt
ra ngoài ý đồ sáng tạo của tác giả.
“Ghen tuông thì
cũng người ta thường tình”, nó vẫn hiện diện trong bạn, trong tôi, trong
tình yêu, hôn nhân. Vấn đề là hạn chế nó bằng sự tỉnh táo và có văn hóa bởi “Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình” và
nhất là ngăn ngừa, loại bỏ những nguyên nhân phát sinh.
1990- Đã đăng Văn nghệ Sóc Trăng
2:36 28 tháng 12, 2016Facebook- Thu Trang Lê, Huy Vũ Đình and 17 others
Trả lờiXóaVan Long Hung -Có một nữ nhân đưa ra lơi khuyên: khi biết chồng sắp qua nhà "phở" thì làm ra vẻ âu yếm , mơn trớn và kích thích để ông ta lên giường "yêu cơm" một lần hoặc tốt nhất là hai hay ba lần, rồi khi qua nhà "phở" đạn bắn hết rồi, tay chân lão ta rả rời không làm chi được nữa, ha.....ha.....
Thu Hương- Thật ra ai yêu mà không ghen! Nhưng ghen cũng có ba bảy đường; chín mười kiểu ghen!Đâu phải chỉ có chuyện chăn gối không đâu bác!
Quang Đa Võ -Một người có 2 vợ , tối vợ cả ngủ với chồng , vợ lẻ ngủ ngoài hè .
Nửa đêm , có tiếng vọng vào :
Đêm nay biển lặng sóng êm
Lái kia có muốn ghé thuyền sang chơi
Chồng đáp :
Thuyền hằng nhớ bến bến ơi
Ngặt đồn quan thuế khó xuôi đươc đò
Vợ cả :
Sông kia ai cấm mà lo
Muốn xuôi thì nộp thuế đò rồi xuôi
Vợ lẻ :
Chẳng buôn chẳng bán thì thôi
Qua đồn hết vốn còn xuôi nỗi gi !
(He he , chuyện dzui )
26 tháng 10, 2017MinhPhương Dương, Thuỳ Sương and 12 others like1 Share
2 tháng 3, 2018Tuong Vu, Nguyễn Thị Lợi and Phung Le