MỤC LỤC BLOG

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

ĐI (chữ nghĩa)


TIỂU HÙNG TINH
Ảnh internet

Kết quả hình ảnh cho đi
          ĐI nghĩa gốc là sự di chuyển bằng chân (ngược với đứng) nhanh hay chậm nhưng luôn có một chân tiếp đất (khác với chạy, nhảy). Tiến thêm một bước,  đi chỉ sự di chuyển nói chung  (đi xe, đi tàu, đi máy bay), chỉ sự xê dịch vị trí (đi nước cờ), chỉ sự di chuyển để gia nhập (đi lính), sự biểu diễn (đi quyền), chỉ việc mang xỏ (đi giày, đi dép), lại còn chỉ cả việc  tiểu tiện,  đại tiện (đi vệ sinh, đi ngoài, đi lỏng) và cuối cùng là chỉ sự chết (đi đời, đi đứt). Ngoài ra, đi còn được dùng cuối câu mệnh lệnh để sai khiến thúc giục (Ăn đi! Về đi! Đi đi!).

            Trở lên là lược qua ý nghĩa từ đi.


Đi gắn với bài học luân lí trẻ nhỏ và ngay cả cô dâu mới về nhà chồng: Đi thưa về trình (gởi), Đi chào về hỏi. Đi đó đi đây, đi đông đi tây- dịch chuyển nhiều đồng nghĩa với sự từng trải, tỉ lệ thuận với sự hiểu biết, khôn ngoan- Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn, Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đi đêm đi hôm (về hôm), Đi sớm về trưa (khuya) nói lên sực cực nhọc, cảnh đầu tắt mặt tối làm việc thâu đêm mãn ngày của người lao động. Đi buôn gặp hồng thủy (lụt lớn) thì còn gì rủi ro bằng. Vốn liếng hàng hóa trôi mất, hư hỏng, người mua không còn khả năng mua, mua rồi thì không còn khả năng trả. Hàng mất, khách chẳng còn, có nước sạt nghiệp!

            Xưa gọi những kẻ lên đồng lên bóng hoặc hút thuốc phiện là những kẻ Đi mây về gió, sống nhưng mê lịm đi trong vòng ảo giác.  Đi đêm lâu ngày gặp ma ám chỉ chuyện làm bất chính, đen tối (đi đêm) gì cũng gặp chuyện dữ hoặc bị trừng trị, hiểu như ở ác gặp dữ.

            Chân để đi, đi bằng chân là chuyện bình thường thế nên khi thề thốt, người ta còn bảo anh làm được việc đó tôi đi đầu xuống đất. Đi bằng đầu là chuyện ngược đời hàm nghĩa việc không thể xảy ra, không bao giờ xảy ra.  Ngày nay, đi bằng đầu được thêm nghĩa tích cực tức là đi bằng trí tuệ, bằng chất xám, bằng trình độ khoa học. Đi bằng đầu quý lắm, có thế mới  đón đầu cất cánh ngang bằng với người ta. Đi bằng đầu óc chứ không đi bằng đầu gối. Đi bằng đôi chân của mình  tức nhấn mạnh đến tinh thần tự lực tự cường, không dựa dẫm trong cuộc sống và  học tập.

            Hiểu rõ quá, biết tỏng  mọi ý đồ người khác thì nói là Đi guốc trong bụng. Để tăng mức biểu đạt người ta còn nhấn Đi guốc lộp cộp lộp cộp trong bụng (Đi guốc trong bụng đã lạ rồi  mà còn nghe tiếng kêu nữa, độc đáo!).

            Chồng chết, người phụ nữ tái giá, người ta không nói bà ấy đi lấy ông khác hay bà ấy lấy tiếp một ông mà nói  Đi bước nữa, nhẹ nhàng khéo léo.

            Đàn bà đi chợ, đàn ông cũng đi chợ. Đàn bà xách giỏ, đàn ông mang bụng. Ba bốn ông kéo nhau vào quán, người này nài ní người kia gọi món, bảo: Đi chợ đi! Đi chợ của các ông là vậy, các bà bắt chước theo có nước bán nhà.

            Đi còn mang nghĩa mất, chết, tiêu bại, thành ngữ Đi đời nhà ma  hàm nghĩa đó. Ngoài ra người ta còn tếu táo bảo là đi đứt, đi bụi, đi gặp ông vải…

            Chỉ mối quan hệ gắn bó nồng thắm nhất là quan hệ vợ chồng thì có Đi nhớ về thương, xa (đi) gần (về) gì  cũng mặn mà cả. Rộng ra thì Đi nhớ ở thương nói lên tình cảm với đất với người ở một vùng quê hương nào đó.

            Mới hay, một chữ đi mà  biết bao cách nói, vừa hàm súc sâu kín vừa bóng bảy hình tượng làm phong phú kho tàng ngôn từ tiếng Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét