MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Phiếm luận về CÁCH GỌI TÊN


BÚT NGUYÊN TỬ

Ảnh internet

          Mỗi người có cái tên riêng để gọi phân biệt với người khác. Tuy vậy, không phải lúc nào  cũng dùng tên riêng. Cách gọi tên rất đa dạng, thân mật có, trang trọng có, có tác dụng giới thiệu người được gọi nữa.
          - Trước hết là  cách gọi kèm chức hàm, học vị, tên hiệu, quê quán. Ông Nguyễn Khuyến được gọi là Tam Nguyên Yên Đỗ (đỗ đầu kì thi hương, thi hội, thi đình, người làng Yên Đỗ). Rồi ông Bát…, ông Cửu…, (bát phẩm, cửu phẩm), ông Lãnh… (lãnh binh). Chức lớn cũng như chức nhỏ, có chức thì người ta kèm vào để gọi cho trang trọng. Từ cụ Thượng (thượng thư) tới ông Chánh…(chánh tổng), ông Lý… (lý trưởng) đến anh Tuần… (hương tuần), anh Binh…(có đi lính nhưng không có cấp bậc gì).
          Nhiều khi người ta không gọi tên mà chỉ gọi hiệu, nhất là đối với các danh sĩ. Phan Bội Châu được gọi là Phan Sào Nam (Sào Nam là hiệu của Phan Bội Châu), Phan Chu Trinh được gọi là Phan Tây Hồ (hiệu Tây Hồ).
          Nhiều người có chức lớn, đỗ đạt cao, qua cách gọi cũng làm vinh hạnh  thêm cho quê quán, làm cho mọi người biết đến quê quán. Cách gọi này khẳng định vị thế  người được gọi trong cộng đồng; lớn thì quốc gia, tỉnh, huyện, nhỏ thì trong làng trong xã.
          - Một cách gọi tên khác rất phổ biến ở Bắc bộ và Nam bộ là cách gọi kèm thứ, theo thứ. Cách gọi này thân mật, không gọi tên cúng cơm người ta một cách trọng lỏng, sỗ sàng mà kèm thứ hoặc chỉ gọi thứ. Trớ trêu, có chuyện bà vợ chỉ  biết tên thứ mà không biết tên thật của chồng, đến khi nghe tên khai sinh của chồng thì cứ ngỡ tên ông nào đấy. Hỏi hàng xóm cũng không ai biết, đến khi hỏi chính quyền sở tại mới rõ ra là cái ông thường xuyên ngủ chung giường với mình!
          Ở Bắc bộ, lớn nhất trong anh em thì gọi là Cả còn ở Nam bộ, lớn nhất gọi là Hai. Nghe đâu người ta tránh gọi Cả vì nể chức sắc hương cả. Gọi con là Cả nhỡ khi giận mà mắng chửi biết đâu bị hiểu nhầm là mắng chửi chức sắc chính quyền. Né chức sắc, dại gì dây vào ổ kiến lửa, gọi Hai cho nó êm. Cũng có người bảo  người ta phong cọp làm hương cả, tránh gọi Cả vì sợ xúc phạm cọp, giận ổng vồ cái chết!
          Cách gọi theo thứ cũng nhiều kiểu. Do thứ dễ trùng lặp nên sau thứ người ta phải kèm thêm một hoặc nhiều yếu tố phân biệt.
          * Thứ + tên thật: Hai Vinh, Út Lẹ, Ba Thạch…
          * Thứ + nghề riêng: Tám Chài (chài cá), Hai Giáo (dạy học), Ba Mía, Sáu Dưa Leo, Năm Đạo (có tu tại gia), Tư Ống Trúm (đặt lươn)…
          * Thứ + chức vụ: Thế mới có chuyện “Kính thưa chú Sáu Bí thư, anh Ba Chủ tịch, thím Tư Công đoàn, dượng Năm phụ trách Giao thông, chị Bảy Kế hoạch đặt vòng nghỉ sinh…”
          * Thứ + khả năng trội: Sáu Vọng cổ, Bảy Đờn cò…
          * Thứ + dị biệt cơ thể: Sáu Xụi (xụi tay hoặc chân), Ba Cụt, Hai Ngọng, Năm Sứt, Tám Hi nót (da đen giống hình  trên hộp kem đánh răng Hynos)…
          * Thứ + nơi ở, quê gốc: Hai Đầu Doi, Út Trà Ôn, Tư Huế, Bảy Bắc, Ba Sè Goòng…
          Bây giờ có cô Tư Việt Kiều rồi, không biết tương lai có Năm David, sáu Mary không nữa?
          Cách gọi thứ vừa thân mật vừa lịch sự, người có tuổi thì chuộng nhưng thanh niên thì không khoái, thích gọi đúng cái tên thật “dzậy” thôi! Có điều cách gọi thứ + dị  tật cơ thể ác quá. Cái dị tật, chỗ sứt mẻ mà người ta muốn giấu, muốn lờ đi thì mình cứ lôi ra. Gọi đến, có thể người ta vẫn vui vẻ bề ngoài nhưng thâm tâm lói quá lói. Cách gọi tên theo thứ dễ trùng lặp thành thử phải mở rộng, thêm yếu tố đặc điểm khác để cụ thể hóa… Như có hai bà  đều thứ bảy tên Tâm, gọi Bảy Tâm dễ nhầm mà phải thêm yếu tố ngoại hình, nghề nghiệp, địa bàn gì đó mới phân biệt rõ. Có trường hợp hai ông đều thứ tám, gốc miền bắc, người ta gọi một người là Tám Bắc, người kia là Tám Bắc Di Cư  hoặc Tám Bắc Năm Tư. Thêm cái sơ yếu lí lịch này tuy người gọi vô tâm nhưng người được gọi hơi nhột. Cái lí lịch chính trị mình muốn giấu muốn che thế mà người ta lại bới ra, gọi như đóng đinh lại thì làm sao phấn đấu lên đời cho nổi. Gọi gì ác thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét