MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

CON TRÂU và NGƯỜI NÔNG DÂN

NGUYỄN PHÚ LIÊU
ảnh internet
Kết quả hình ảnh cho con trâu cày
Người cày, hai tiếng chỉ người và việc thể hiện rõ nhất sự gắn bó mật thiết giữa người nông dân với con trâu trong lao động và cuộc sống. Nước ta vốn là nước nông nghiệp, sản xuất lương thực là chính, xưa hơn 90% người dân là nông dân nên có thể nói người Việt gắn với con trâu và như vậy, con trâu đã góp phần rất lớn trong việc duy trì sự tồn tại của dân tộc và xã hội Việt cả hàng  nghìn năm nay. Và chắc cũng trong ý nghĩa đó nên SEAGAME lần đầu tổ chức ở Việt Nam, con trâu vinh dự trở thành biểu tượng. “Con trâu là đầu cơ nghiệp” của người nông dân.
Cày ruộng, chỗ cày không được mới cuốc. “Nhất cày ải, nhì rải phân”. Cày ải có tác dụng phơi cho đất khô, cho xốp đất vừa có tác dụng diệt bớt mầm sâu bệnh hại lúa. Cày ruộng ngập nước là cày rấm.  Cày xong phải bừa cho vỡ vụn đất, lùa cỏ, sục bùn. Tất cả đều là công việc phải nhờ đến trâu. “Trên đồng cạn dưới đồng sâu, Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”.


Có quan sát một buổi cày mới thấy hết nỗi nhọc nhằn vất vả của trâu. Dưới cái nắng bỏng da, cổ mang ách dòng đôi dây kéo cái cày nặng trịch găm lưỡi xuống đất, con trâu nhẫn nại gồng sức kéo lật lên từng mảng đất kê chồng lên nhau một cách đều đặn. Mũi phì phò đẫm nước, miệng sùi nhiểu bọt mép, toàn thân đẫm mồ hôi hột. “Cày đồng con buổi đang trưa, Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”. Mồ hôi của người và của trâu nóng bỏng như bốc khói bốc hơi dưới trời lửa. Hết mùa nắng  đến mùa mưa , trâu lại ra đồng , phơi mình trước làn gió cắt da, đầm mình trong nước lạnh đứt thịt, bước những bước nhọc nhằn kéo cày trên mảnh ruộng sục sệu bùn lấy. Dưới làn gió bấc căm căm, trâu vẫn đầm đìa mồ hôi. Tất cả cũng vì miếng cơm manh áo của con người.


Tiếng “rì rì” nhắc trâu đi về phía phải, “tắc tắc” nhắc trâu đi về phí trái, “họ họ” nhắc dừng lại để dịch cày, tiếng roi thỉnh thoảng vút lên cảnh cáo. Thấy cọng cỏ non ngang mặt cũng không dám bứt, chửng lại khèo vào miệng thì bị đét vào lưng giục đi. Có khi người ta còn rọ mõm lại bắt trâu tập trung vào việc cày. Khổ đến thế mà còn chịu nạn ruồi lằng từng bầy bâu vào cắn đốt, từng mảng da trâu rùng mình, tai đập, sừng lắc, đuôi quất đập liên tục vẫn không sao xua được. Giữa buổi, người găm cày cho trâu đứng nghỉ tại chỗ trong chốc lát rối lại tiếp tục cày cho đến khi đứng bóng  mới thả cho gặm cỏ. Chăm sóc tốt hơn một chút thì người ta đổ cho một mớ cỏ cắt sẵn, trâu ngồm ngoàm cho qua cơn đói để lấy sức cày tiếp buổi chiều. Cứ quan sát vết trầy trên cổ nơi khoác ách vào là đủ biết nỗi khổ của trâu. Trâu mới tập cày hoặc đầu mùa cày thường bị ách cà thít cho bong da, mưng mủ đau nhức, có khi bị lỡ loét ruồi lằng bâu vào đục khoét. Đau cũng phải ráng, phải chịu, lâu ngày thành chai. Vết chai vì sự sống con người.


Ơn nghĩa với con người như vậy nên chủ hoặc người chăn thường chăm chút, chấn che chuồng ràn cho trâu nghỉ khi đêm về gió lạnh, xông khói hun muỗi, tắm táp cho trâu. Vất vả gian nan thế nhưng trâu hiếm khi đau ốm và thật tội nghiệp, khi đổ bệnh thì thường khuỵu hẳn. Trâu chết,  sụp đổ phần cơ nghiệp lớn lao, người nông dân điêu đứng.


“Trâu ơi  ta bảo trâu này- Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta- Cấy cày vốn nghiệp nông gia- Ta đây trâu đấy ai mà quản công- Khi nào cây lúa còn bông- Thì cò ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Bài ca dao trọn vẹn hiếm hoi về tình cảm giữa người với trâu, nhắn gửi với trâu và tự nhủ lòng mình. Con trâu được người nông dân trân quý như bạn. Lời lẽ thân mật, khuyên nhủ động viên . Hơn ai hết, người nông dân nhận thức rõ trâu quan trọng đối với cuộc sống của nhà nông như thế nào. Cơ nghiệp nông gia do trâu với người  không ai tính toán hơn thiệt mà cả hai cùng hi sinh vun đắp. Người nông dân còn gắn kết số phận với con trâu, như một lời hứa, như một lời nguyền thủy chung,còn người thì còn trâu, người no đủ thì trâu no đủ. Đây cũng là niềm tin yêu của người đối với con vật ơn nghĩa như một phần cuộc đời và cơ nghiệp của mình.


Một ngày nào đó, máy móc sẽ thay thế trâu hoàn toàn nhưng hình ảnh trâu và người cày, con trâu đi trước cái cày theo sau đã duy trì cuộc sống xã hội hàng nghìn năm mãi mãi in đậm trong tâm tưởng nhiều thế hệ tương lai khi nghĩ về ông cha gian khổ, về một quá khứ nhọc nhằn của dân tộc.




1 nhận xét: