MỤC LỤC BLOG

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Cần mổ xẻ căn bệnh thành tích trong giáo dục



HÙNG VĂN

Kì thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2008 (kì 1), Sóc Trăng là một trong những tỉnh có tỉ lệ học sinh đỗ thấp. Điều  đáng ghi nhận ở đây là những người có trách nhiệm cao nhất của ngành giáo dục tỉnh và lãnh đạo các Hội đồng thi đã có quyết tâm thực thi, chỉ đạo để tiến hành một kì thi nghiêm túc theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục- Đào tạo. Kết quả thực đáng lo nhưng có thể nói đây là kì thi kịch sử để nhìn nhận lại thực trạng giáo dục của tỉnh nhà.  Trong tổng kết của ngành thì nguyên nhân chính là do đội ngũ giáo viên thiếu chất lượng. Con dại cái mang, trò yếu là vì thầy dở, khiếm khuyết thuộc về người dạy. Điều này không ai chối cãi cả.

Thế nhưng phải chăng “lỗi” chỉ do thầy? Hàng năm có hàng trăm giáo viên giỏi, hàng trăm cấp quản lí trong trường  trong ngành là chiến sĩ thi đua, nhà trường nào cũng hoàn thành  thắng lợi nhiệm vụ năm học. Các năm học trước, tỉ lệ học sinh đỗ cao. Bất ngờ nhất là có trường trước đây tỉ lệ đỗ thuộc loại hàng đầu tỉnh bây giờ tụt lại hạng cuối. Còn ai có trách nhiệm trước thực trạng này?

Phải đặt lại vấn đề: Vì sao ngành giáo dục phải đưa ra cuộc vận động Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục? Vì bệnh phát nặng quá rồi, giấu giếm tìm cách chữa chạy ở nhà không xong, phải đưa tới bệnh viện, phải đưa đến “cửa công”, trước bàn dân thiên hạ mà điều trị. Có cương quyết vậy họa chăng mới dứt được bệnh. Một sự thực, nhất là điểm yếu kém nghiêm trọng phải mổ xẻ quyết liệt họa chăng mới giải quyết, đẩy lùi được. Nguyên nhân không phải một ngày một buổi mà hàng năm, nhiều năm, bệnh thành tích  dẫn đến tiêu cực trong thi cử tiêm nhiễm vào giáo dục làm nản lòng những giáo viên tâm huyết, thậm chí làm tê liệt  và thoái hóa  những giáo viên vốn nghiêm túc, tạo sự buông lỏng, đua theo “thành tích cục bộ”.

Bệnh thành tích do đâu? Người đi thi muốn thi đậu nên lo học, người đi dạy muốn học trò mình đậu nhiều nên lo dạy, điều này hết sức tích cực. Người đi coi thi, chấm thi thì cẩn thận để bảo đảm tính khách quan, không phạm quy chế, sợ bị cấp trên kỉ luật, đây là điều đúng đắn. Bệnh thành tích trước hết là do những người quản lí muốn “thành tích”, người quản lí nhiễm bệnh thành tích rồi lây nhiễm, truyền vào giáo viên. Học sinh yếu kém nhiều mà muốn cho lên lớp hết, chất lượng học sinh thấp mà muốn đỗ cao…dẫn đến việc coi thi dễ dãi, chấm thi nương tay, học sinh yếu cũng thi đậu sinh ra chủ quan và tùy tiện trong giảng dạy và học tập. Khi Bộ Giáo dục – Đào tạo siết lại việc thi cử thì bày thực trạng ra.

Chỉ quy cho giáo viên mà không mổ xẻ công tác quản lí tức là chưa bắt đúng bệnh. Chưa định được bệnh thì khó mà chữa trị. Thường thì “xấu che tốt khoe”nhưng trong việc này mà “che che” thì không ổn, phải “khoe” nó ra để mọi người trong cương vị giáo dục của mình tìm cách chữa trị.                                                                                            


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét