MỤC LỤC BLOG

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Ao CÁ VỒ (chuyện xưa chưa cũ)


TIỂU HÙNG TINH
ảnh internet
             Chuyển vào miền Tây Nam bộ dạy học năm 1979, cái ngại nhất lúc đầu là việc thực hiện “đầu ra”. Cầu tiêu là cái cầu cá vồ chơi vơi giữa hồ. Đường vô ra gập ghềnh đã đành mà phần che chắn quá sơ sài. Chỉ vài tấm lá le te bao quanh cao chưa đến ba tấc, thông trên thông dưới, phân rơi một cái là bầy cá quẫy ầm ầm văng ướt cả đít. Ai có dịp đi ngang qua thị trấn Phụng Hiệp (nay là Thị xã Ngã Bảy) ngay bên quốc lộ là từng dãy cầu kề cận nhau trên những hồ lớn dập dìu người đi, tự nhiên như nhiên. Kẹt, không đi thì chết mà đi thì ôi thôi, mắc cỡ muốn chết!
            Trường cấp 3 Kế Sách bấy giờ cùng chung khuôn viên với phòng giáo dục, chung một cầu tiêu. Ở chung với Tốt (dạy Toán), tôi phát hiện trong phòng có sợi dây nối lưỡi câu lớn, hỏi để làm gì, Tốt chỉ cười không nói. Một lần trời tối, thấy Tốt cẩn thận lấy dây câu móc vào miếng chuối chín đi ra. Tôi làm lạ theo dõi. Một chốc, Tốt về kéo theo con cá vồ to tướng giao cho bà Ba nhà bếp. Hôm sau có món canh chua cá vồ tuyệt vời. Té ra trong lúc ca-mi-nê, anh ta thòng mồi chuối xuống nhử, cá tưởng cục phân bay tới vồ và dính luôn. Một kiểu câu không cần độc đáo.
            Ở trường học, cầu cá lộ thiên, đi ngại lắm. Giáo viên thường chọn vào lúc tinh mơ hoặc tối mịt mới dám đi tống khứ của nợ. Kẹt lắm cũng phải chờ lúc học trò vào lớp, vắng vẻ mới đi. Hiếu (dạy Sử) lại khác. Cứ gần đến bảy giờ sáng, lúc học trò đến đông rồi là thầy mi dô quần cộc, tay vo vo tờ giấy đi ra cầu. Có lần, đợi thầy yên vị, một học sinh nam ở phòng gần kề nghịch la : Mau ra xem! Vui, vui lắm! Học sinh nam nữ túa ra hỏi: Đâu? Đâu? Y chỉ tay về phía thầy Hiếu đang ngồi chòm hõm. Đúng là nhứt quỷ nhì ma thứ ba học trò, sợ!

            Bên cạnh dãy nội trú của giáo viên là phòng lưu trú của học sinh xa nhà, thứ bảy chủ nhật nhiều em vẫn ở lại. Hôm đó chủ nhật, trường và phòng giáo dục đều nghỉ, vắng tanh. Biết tính tôi nghiêm cẩn (thực ra là rất nhát), sợ bị cản trở, Tốt bảo với tôi rằng ông Toàn trưởng phòng giáo dục mời tôi đi uống cà phê. Tôi qua phòng ông Toàn và rồi kéo nhau ra chợ uống cà phê. Thế là dưới sự chỉ đạo của Long Sơn (dạy Lí) và Tốt, bọn học sinh chài cá vồ phòng giáo dục. Cá lâu năm chưa tát bắt lại thừa mồi nên con nào con đó nặng đến hai ba kí, bắt về rộng đầy mấy thùng. Trưa, tối được luôn mấy bữa thả sức.

            Chuyện tưởng không ai biết  té ra không qua nổi mắt bà lao công  ủy ban huyện kề bên. Bà ta bảo ông Hùng (tôi) là chủ mưu nhử ông Toàn ra chợ để cho học trò chài cá. Ông Toàn thanh minh bảo chính ổng rủ tôi. Thế là tôi được hưởng nhưng thoát tội.

            Sáng hôm sau, ông hiệu trưởng trường từ nhà lên đã nghe phòng giáo dục báo cho biết ngay, yêu cầu xử lí. Gặp anh em giáo viên, ông hiệu trưởng được thể lấy lòng: Tụi nó báo cho tui biết, đem cả ủy ban ra dọa nhưng tui mắng cho liền, rằng ăn cũng phải cho người ta ăn với chứ, giành mà ăn hết cả hầm sao được. Đừng sợ chi hết, tụi nó không làm gì được đâu mà sợ. Mẹ kiếp nó, hầm chung, đi chung, mình ăn cũng phải cho người ta ăn với chứ!

            Thế rồi chuyện đi vào quên lãng. Huề!

1 nhận xét:

  1. Câu Cá Vồ

    Hồi học Cần Thơ trong ký túc xá cũng có ao cá vồ lớn lắm, mỗi lần đi cá nó quẫy nhiều khi ướt cả người, một lần có thằng bạn cầm cái gáo dừa đi cả tiếng đồng hồ ngồi trên ao, hỏi lén thằng trong phòng nó đang làm gì thì bảo nó đang câu lén cá vồ và cái gáo dừa là để cá kg quậy tránh chủ ao phát hiện.Về phòng ngủ thì 12 giờ khuya có thằng phòng bên đập dậy, hỏi làm gì, bảo nhậu cháo cá vồ mới câu lúc tối, đúng là có lòng thật nhưng thấy ghê quá nên cảm ơn vì kg biết ăn cá vồ.
    Nghĩ lại ngày xưa khổ thật nhưng được cái bạn bè tốt thật, cá vồ câu trộm nó cũng mời.

    Trả lờiXóa