MỤC LỤC BLOG

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Nói chuyện TUỔI


TIỂU HÙNG TINH

Ảnh internet
Kết quả hình ảnh cho tuổi tác
          Một năm một tuổi như tuổi xuân đi (Tục ngữ). Tuổi là đơn vị tính thời gian đời người (tuổi đời). Tuổi tỉ lệ nghịch với xuân (biểu hiện trẻ trung tràn đầy sức sống), tỉ lệ nghịch với sức khoẻ và do vậy tỉ lệ thuận với sự lão hoá: “Tuổi cao tóc bạc cái râu bạc” (Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập), tuổi cao sức yếu. Điều nghịch lí trong con người là thích sống lâu (nhiều tuổi) nhưng sợ yếu sợ chết. Thích đó mà sợ cũng đó, cái sợ hờm sẵn trong cái thích.
            Người lớn thì vậy nhưng trẻ con lại khác, chúng vô tư  thích mau đến tết để được thêm một tuổi, được mừng tuổi (lì xì), để mau thành người  lớn.

            Gặp người lạ người ta thường hỏi tuổi để tiện xưng hô, lớn hơn thì gọi anh gọi chị, nhỏ hơn thì gọi em gọi chú, ở Nam bộ, đồng tuổi người ta gọi nhau bằng ní. Lắm khi còn hỏi tuổi để thiết lập quan hệ khác. Tương truyền, Nguyễn Trãi khi còn làm quan gặp cô nàng bán chiếu xinh đẹp liền  mớm thơ hỏi: “Ả ở Tây Hồ bán chiếu gon- Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn- Xuân thu nay độ bao nhiêu tuổi- Đã có chồng chưa được mấy con?”. Cô bán chiếu không vừa, đáp họa: “Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon- Mắc chi ông hỏi hết hay còn- Xuân thu vào độ trăng tròn lẻ- Chồng còn chưa có có chi con”. Tài hoa gặp lãng mạn, nàng chính là Thị Lộ, người thiếp cùng chịu  thảm nạn tru di với Nguyễn Trãi sau này.
            Nam nữ yêu nhau, tính tới hôn nhân, gia đình trai thường chủ động đến nhà gái hỏi tuổi để xem thử có hạp tuổi kị tuổi gì không. Quan niệm xưa là nhất gái hơn hai nhì trai hơn một. Vợ lớn tuổi hơn chồng nên biết lo lắng chu tất, càng biết cách chìu chồng.  Việc coi tuổi nhuốm màu thần bí dị đoan cũng làm khổ không ít chàng trai cô gái. Nào dần thân tị hợi tứ hành xung, nào gái tuổi dần cao số thường bị chê  vì sợ gặp “cọp”. Oan nghiệt cho bao cô gái hiền thục dễ thương. Do gán tuổi theo những con vật trong 12 giáp nên tuổi dính đến những con vật khắc nhau bị xem là kị, nên tránh! Lẽ ra phải dựa vào tính cách, công dung ngôn hạnh để chọn lựa thì lại dựa vào những  chuyện mơ hồ để quyết định việc trọng đại. Mê tín, thói tục lạc hậu ghê gớm thật!
            Gặp người già người ta thường hỏi tuổi, tuổi càng cao (tuổi hạc- chim hạc sống lâu) càng mừng vì càng thọ (phú, quý, thọ, khang, ninh). Hỏi tuổi cũng là cách chúc thọ đối với người già. Đương nhiên là phải hỏi khéo. Kiểu cách xưa  thì niên kỉ bao nhiêu, xuân thu bao nhiêu; nôm na thì : Thưa, cụ năm nay chắc đã  được…chưa ạ? (Thường thì người hỏi nhá tuổi thấp hơn  để người ta trả lời số tuổi cao hơn, từ đó mà khen trẻ hơn tuổi. Đây cũng là thủ thuật làm vui lòng người già, tạo điều kiện giao tiếp tốt- không tin cứ thử).
            Đàn ông Việt xưa tuổi bốn mươi đã để râu cho ra vẻ chững chạc của người đứng tuổi.  Có thế mà cụ Nguyễn Du đã mỉa tay Mã Giám Sinh: “Quá niên trạc ngoại tứ tuần- Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” (Kiều). Tu mi nam tử, đàn ông không râu bất nghì (không đúng cách kiểu, không ra vẻ), mày râu nhẵn nhụi thì lại cái mất rồi, sao ra đàn ông được!
            Sống sáu mươi trở lên mới được xem là thọ, có chết cũng được xem là hưởng thọ, dưới mức đó chỉ là hưởng dương. Bảy mươi trở lên được xem là thượng thọ (Nhân sinh thất thập cổ lai hi!- Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm- Đỗ Phủ). Tám mươi là đại thọ. Kiểu này, những người sống trên chín mươi phải gọi là siêu thọ. Nghe đâu bên Tây có chuyện một cụ ông ngoại chín chục  vẫn cưới một cụ bà tám mươi bảy, “cụ chàng “ và “cụ nàng”  sau đâm hợp cẩn tỏ ra vô cùng phấn khởi. Các vị này thực đúng siêu nhân, chỉ cần qua Việt Nam hái ít lá rừng bậy bạ gì đó gọi là thuốc đại cường dương siêu bổ âm gói bán thì người ta bâu vào, không bao lâu sẽ thành tỉ phú đô la.
            Hỏi tuổi phụ nữ là điều tối kị. Phụ nữ là phái đẹp mà sắc đẹp tối kị với thời gian (Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi- Những hương thừa phấn tủi bao xong- Cung oán ngâm khúc- Nguỵễn Gia Thiều). Bóng ngựa câu (chỉ thời gian) qua thì son phấn cũng không thể bù đắp gì nổi cho nhan sắc.  Nữ công chức ngày nay được ưu tiên nghỉ hưu ở tuổi 55, ưu đãi thế nhưng nhiều mụ có chức chê rằng bất bình đẳng, đòi phải 60, nghĩ rằng hưu đồng nghĩa với già sắp hiu nên một hai  đòi tiếp tục giữ chức. Cho nghỉ sớm để dưỡng sắc mà em chả hoài, lạ thật! Một trong những câu hỏi vô duyên nhất là hỏi tuổi phụ nữ vì nó khơi động đến yếu tố tàn phá sắc đẹp.  Có lỡ phát ra thì hui miệng hui mồm đi là vừa.
            Lại còn chuyện tuổi ta tuổi tây. Người Việt  có tục khai sinh trúng năm nào thì dù  một ngày một giờ thậm chí trước giờ giao thừa một khắc  cũng tính một tuổi. Người phương Tây có thói quen không tính năm đầu, từ năm sau mới bắt đầu tính tuổi. Tính tuổi bằng cách lấy năm hiện tại trừ năm sinh còn người Việt thì trừ xong phải cộng thêm 1 mới ra đáp số tuổi. Té ra Tây ngán tuổi hơn ta. Tuổi (thời gian) mà ta không ngán thì còn ngán gì nữa. Hèn chi người mình ở đâu lúc nào cũng khoái lai rai giết thời giờ, thừa quá mà, để làm gì!
            Lại có tuổi thiệt và tuổi khai. Thường người ta khai sụt tuổi cho trẻ, khai sụt do đi học trễ chứ ham gì, giàu có gì cái tuổi tác mà kê thêm cho lắm.  Nhìn khai sinh chưa chắc đã biết tuổi thật người khác, có mánh để biết rõ là thay vì hỏi sinh năm nào thì hỏi tuổi con gì, lộ liền. Cụ Nguyễn Công Trứ có cách tự thú tuổi rất độc đáo. Chuyện kể đã bảy mươi ba mà còn cưới hầu non, đêm động phòng tân nương hỏi chàng  bao nhiêu tuổi (Tân nương tá vấn tân lang kỉ). Chú rể Trứ dí dỏm: Ngũ thập niên tiền nhị thập tam (Năm mươi năm trước là hai mươi ba tuổi). Đúng là già gân có hạng.
            Có tuổi đuổi xuân nhưng có tuổi đón xuân. Tuổi học trò, tuổi dậy thì, tuổi tròn trăng… đều là tuổi xuân mơn mởn. Thời gian làm nảy nở sắc đẹp, phát tiết sinh lực, tích  chứa nhựa sống. Sức xuân tuổi trẻ theo thời gian (tuổi) mà tích mật toả hương cho đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét