TIỂU HÙNG TINH
ảnh internet
Xuân biểu trưng ý niệm trẻ trung đầy sức sống, một trạng thái tốt lành mà ai cũng mong muốn, khát khao. Bài viết này đi vào Truyện Kiều- khúc bi ca về thân phận người phụ nữ bất hạnh, tiếng khóc tràn qua tác phẩm nhưng cũng từ “tiếng kêu đứt ruột” này, chữ XUÂN (có khi xuất hiện như một từ, có khi xuất hiện như một tiếng- thành tố của từ ghép) biểu hiện sức sống xuất hiện với tần số lớn (hơn 50 lần, chưa kể đến những câu từ xuân xuất hiện đến 2 lần).
Sự xuất hiện của một từ biểu trưng sức sống, vẻ đẹp, niềm vui trong một tác phẩm đầy nước mắt gây ấn tượng nhiều mặt. Xuân đặt trong những trạng huống, tình cảnh khác nhau tạo nên những cung bậc rung cảm sâu xa người đọc. Nguyễn Du có những chọn lựa, sắp xếp cách thức cho từ xuân xuất hiện tạo nên hiệu quả biểu đạt của nó. Với một từ được sử dụng với tần số cao thì càng không thể tuỳ tiện mà phải bố trí theo những “đội hình”, theo những “cơ cấu”, những “mô thức” nhất định để có thể điều phối, vận động, biến hoá và phát huy tác dụng thẩm mĩ của nó.
Xuân biểu tường thời gian- thời gian khởi phát và có tính ước lệ. Tác giả tìm cách tạo cho nó một mô hình, một cái khung cụ thể như những đơn vị cụ thể về thời gian để nó biểu hiện. Trước hết là ngày- ngày xuân: “Ngày xuân con én đưa thoi”, “Ngày xuân em hãy còn dài”, “Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng”, “Ngày xuân đâu dễ tình cờ mấy khi”, “Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân”. Ngày từ chỗ mang ý nghĩa đơn vị thời gian tạo nên tháng nên mùa đã phái sinh, vượt lên mang ý nghĩa một chặng, một quãng thời gian- dùng đơn vị thời gian tự nhiên theo cách ước lệ để chỉ sự trẻ trung. Có ngày thì có đêm- đêm xuân. Đêm gắn với tâm tưởng, với mộng hoặc ý thức tự phản tỉnh, gắn với sự yếu đuối: “Đêm xuân một giấc mơ màng”, “Thuý Vân chợt tỉnh giấc xuân”, “Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng”, “Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng”. Nếu ngày thường chỉ quá trình dài mang tính dương phát toả thì đêm mang tính âm hư ảo hơn. Xuân xuất hiện gắn với dạng mùa- thời gian thuần tuý: “Cửa chiền vừa cữ cuối xuân, Thưa hồng (hoa ít lại) rậm lục (là xanh nhiều hơn) đã chừng xuân qua”. Tả mùa hạ nhưng lại dùng từ mùa xuân để tả, tá khách (mượn khách) xuân để hình chủ (nhận ra chủ) hạ, phải chăng cũng là sự lưu luyến mùa xuân. Và rồi “Sầu dài sầu ngắn đông đà sang xuân” nghe như sựu dịch chuyển nỗi buồn, nhịp trôi miên trường của nỗi đau trong thời gian. Thời gian dịch chuyển từ tối ra sáng nhưng hoàn cảnh bế tắc, tâm trạng Kiều đau xót, đưa từ xuân vào tạo nên sự đối chiếu càng làm rõ hơn nghịch cảnh.
Một dạng biểu hiện cụ thể khác của XUÂN trong truyện Kiều đó là hoa- hoa xuân. Hoa là biểu tượng tinh tuý của cây, sự phát toả rạng rỡ nhất của thiên nhiên. “Hoa xuân đương nhuỵ ngày xuân còn dài”. Từ hoa mở rộng đến cành- cành xuân. Cành xuân không chỉ là bộ phận trong chỉnh thể cây mà nó còn là hình ảnh thu nhỏ của cây, hoàn chỉnh và phong phú hơn hoa. Ta cũng gặp hình ảnh cành trong thơ văn cổ: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đêm qua sân trước một cành mai) (Mãn Giác thiền sư); từ ngữ nhánh xuân, nhành xuân cũng được sử dụng nhiều tương tự thành ngữ cành vàng lá ngọc dùng chỉ người phụ nữ khuê các quyền quý. Trong Kiều: “Giọt xuân gieo nặng cành xuân la đà”, “Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay” một kiểu nhã ngữ để gọi người đẹp. Xuân mang ý vị tình cảm- xuân tình, mang ý vị người đẹp- cành xuân. Cành xuân có khi được biến đổi cách dùng nhưng vẫn hàn ý trẻ trung, đẹp đẽ, cao quý: “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Xuân gắn với hoa, xuân gắn với cành và rồi xuân gắn với gốc (cỗi- cội): cỗi xuân: “Cỗi xuân tuổi hạc đã cao”- Nói về người già, ở đây là bậc sinh thành của Kiều, tác giả tránh nói về chỗ yếu chỗ suy mà nhấn vào sức sống như hàm chứa tâm lòng khẩn nguyện của con cái về cha mẹ, một cách diễn đạt thật khéo, thật nhã. Xuân không dừng ở đây mà lan toả cả vườn- vườn xuân, rộng mở về không gian, sự vật: “Vườn xuân một cửa để bia muôn đời”.
Trong Kiều, Nguyễn Du đi sâu về mặt phạm vi (không gian hẹp) để biểu hiện xuân. Trước hết là phòng- phòng xuân, một không gian hẹp riêng biệt của người con gái, che dấu nhưng vẫn bừng toả vẻ quyến rủ: “Phòng xuân trướng rủ hoa đào”. Tác giả còn nhấn đến một chi tiết nữa là khoá- khoá xuân, một kiểu nói về sự giữ gìn phẩm hạnh phụ nữ: “ Khoá buồng xuân để đợi ngày đào non”, “Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân”. Xuân không chỉ tập trung trong không gian hẹp (phòng, buồng , khoá) của người con gái để gìn giữ xuân thì mà còn mở rộng ra nhà (đường)- xuân đường, ra gia đình gắn với cha mẹ- một cách hoán dụ: “Rạng ra gởi đến xuân đường” (nhà xuân- chỉ cha mẹ), “Xuân đường kíp gọi Sinh (Thúc Sinh) về hộ tang”, “Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê”, “Gối yên đã thấy xuân đường tới nơi”. Gọi xuân đường- gắn xuân với cha mẹ có điển tích của nó đồng thời hàm nghĩa mong cha mẹ sống lâu, mạnh khoẻ. Và khi nói “Xuân đình thoắt đã đổi ra cao đình” thì lại càng thể hiện rõ sự âu lo vì cha mẹ sớm già.
Từ Hán thanh xuân, Việt hoá thành xuân xanh, được Nguyễn Du sử dụng một cách thuần thục: “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, “Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân xanh”, “Cũng liều bỏ quá một đời xuân xanh”. Có khi tác giả biến đổi bằng cách lồng thêm các yếu tố vào giữa hai thành tố xuân xanh, nói các khác là tách hai thành tố xuân xanh ra, không chỉ còn liên hệ nghĩa trong một từ mà toàn câu : “Chừng xuân tơ liễu còn xanh”. Nguyễn Du còn táo bạo liên tưởng, biến đổi có tính nghịch lí trong việc dùng từ: “Xót thay huyên cỗi xuân già”, “Xuân già còn khoẻ huyên già còn tươi” (xuân huyên chỉ cha mẹ). Xuân đi với già bề ngoài như một cặp mâu thuẫn nhưng lại thống nhất trong tình cảm mong muốn của tác giả và nhân vật, sử dụng nhã ngữ tránh nói đến sự tàn suy khi nghĩ về cha mẹ.
Xuân trong Truyện Kiều cũng thể hiện thông qua mức độ, phỏng định có tính trừu tượng hoặc một sự xác định có không. Kiều gặp Kim Trọng: “Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì”. Xuân thì (thời xuân), ở thời điểm đẹp nhất của xuân, đến mức độ chín, đến độ phát tiết tinh anh. Rồi theo thời gian, chịu bao nỗi dập vùi làm cho “Mười phần xuân có gầy ba bốn phần”. Chữ “gầy” được dùng một cách thần tình. Không nói xấu đi, không nói giảm đẹp mà gầy. Chữ dùng thật nhẹ thật khéo như sợ chạm vào đều tinh tế nhất là sắc đẹp phụ nữ.
Có những lúc xuân bị triệt tiêu trong tư tưởng Kiều trước những hoàn cảnh bi đát: “Mặc người mưa Sở mây Tần, Những mình nào có biết xuân là gì”. Con người Kiều muốn vươn lên, muốn hé lộ niềm vui sức sống nhưng cuộc đời phủ phàng vùi dập, dập luôn một chút ý tưởng xuân vừa loé. Nhiều lúc xuân bị phai lạt, bị chối từ nhưng cuối cùng, trong không khí đoàn viên, trong đêm hội ngộ với Kim Trọng thì sức xuân vẫn phát toả: “Dưới đèn toả rạng má đào thêm xuân”, với gia đình thì “Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”. Không chỉ cốt truyện mà thần thái truyện vẫn toát lên sức sống, có hậu.
Trên đây là vài phác lược về từ XUÂN trong Truyện Kiều dưới giác độ thi pháp. Chỉ một từ mà Nguyễn Du đã dụng công biết bao. Trong tay ông, từ xuân mang dáng dấp cổ điển, khuôn phép quen thuộc nhưng lại đa dạng phong phú, biến hiện theo hoàn cảnh, thể hiện nhiều sắc thái, diễn đạt đựoc tâm trạng nhân vật. Thực là “Mỗi “chữ” mười phân vẹn mười”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét